Ngày 24/8, Tỉnh ủy Bình Dương giao Sở Y tế Bình Dương tổ chức kiểm tra, rà soát lại toàn bộ lực lượng y tế trên địa bàn tỉnh, lên phương án tính toán điều phối lực lượng phù hợp cho các cơ sở cách ly, điều trị.
Bình Dương yêu cầu ngành y tế chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế bảo đảm thu dung, điều trị kịp thời cho 100.000 ca nhiễm. Đồng thời điều phối F0 theo hướng đơn giản nhất để tiếp nhận các ca nhiễm khi tuyến huyện chuyển lên.
Bên trong một khu điều trị Hồi sức tích cực (ICU) ở Bình Dương. Ảnh: Việt Linh. |
Tỉnh yêu cầu Sở Công thương phối hợp với Sở Giao thông vận tải rà soát, có văn bản hướng dẫn các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho các khu cách ly, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất được di chuyển qua các chốt kiểm soát.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quán triệt hình thức phù hợp cho lực lượng ở các chốt về đối tượng, phương tiện được di chuyển qua chốt kiểm soát theo quy định.
Ngoài ra, địa phương này sẽ xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chỉ định thầu rút gọn, đấu thầu rộng rãi đối với các gói thầu mua sắm sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân trong thời gian qua, lực lượng chức năng cần phối hợp với các ngành liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết hiện tỉnh có 74.000 ca F0, tập trung chủ yếu ở 15 phường của 2 huyện “vùng đỏ” với khoảng 1 triệu dân. Khó khăn lớn nhất của tỉnh lúc này là quá tải về y tế.
“Cơ sở vật chất thì tỉnh xây được nhưng lực lượng y tế, bác sĩ thì không có”, ông Minh nói. Ông cho biết tỉnh đã xây 58 khu thu dung ở vùng xanh với 17.000 chỗ nhưng hiện mới chỉ bố trí được 17 bác sĩ.
“Như vậy, 1 bác sĩ phụ trách 1.000 người ở cả 3 cơ sở thu dung”, ông chia sẻ khó khăn của tỉnh.
Tính từ đợt dịch thứ 4, toàn tỉnh Bình Dương có 77.053 ca mắc Covid-19. Trong số này có 32.672 ca khỏi bệnh được xuất viện.