"Cần phải nắm thông tin và hỗ trợ ngay khi người dân kêu cứu", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở lãnh đạo địa phương trong chuyến thị sát phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương, sáng 24/8.
Khi kiểm tra tại đây, Phó thủ tướng nhìn thấy tấm biển "cần cứu trợ" của người dân và đã đến hỏi gia đình xem treo biển từ bao giờ. Sau khi nghe tình hình, ông yêu cầu: “Cần đảm bảo khi thấy người dân giơ biển thế này thì trong vòng 2 tiếng phải có người tiếp nhận thông tin và hỗ trợ”.
Ông nhắc lại mệnh lệnh của Thủ tướng về đảm bảo 100% người dân không bị thiếu đói trong giai đoạn giãn cách hiện nay.
1 bác sĩ phụ trách 1.000 người
Báo cáo tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết hiện tỉnh có 74.000 ca F0, tập trung chủ yếu ở 15 phường của 2 huyện “vùng đỏ” với khoảng 1 triệu dân. Khó khăn lớn nhất của tỉnh lúc này là quá tải về y tế.
“Cơ sở vật chất thì tỉnh xây được nhưng lực lượng y tế, bác sĩ thì không có”, ông Minh nói. Ông cho biết tỉnh đã xây 58 khu thu dung ở vùng xanh với 17.000 chỗ nhưng hiện mới chỉ bố trí được 17 bác sĩ.
“Như vậy, 1 bác sĩ phụ trách 1.000 người ở cả 3 cơ sở thu dung”, ông chia sẻ khó khăn của tỉnh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát tại Bình Dương. Ảnh: Thanh Tuấn. |
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người được điều vào hỗ trợ chống dịch ở Bình Dương, cho biết 3 tầng điều trị của tỉnh đã vận hành rất nhuần nhuyễn với khoảng 16.000 ca F0 được xuất viện. Nhưng tình trạng thiếu nhân lực y tế đang rất trầm trọng.
Bác sĩ Lân Hiếu cho biết một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu lực lượng điều dưỡng có chuyên môn. Lực lượng hiện có ở các bệnh viện "đông nhưng chưa tinh". Ông đề nghị tỉnh tiếp tục kêu gọi các cán bộ điều dưỡng cũ, có kinh nghiệm tham gia hỗ trợ công tác chống dịch hiện nay.
Trong ngày 24/8, 100 bác sĩ nội trú sẽ vào Bình Dương và số bác sĩ này sẽ được bổ sung cho lực lượng tầng 3. Như vậy, các lực lượng tầng 3 hiện tại có thể bổ sung xuống các tầng dưới, giải quyết phần nào tình trạng quá tải của cơ sở y tế.
Bình Dương thiếu thuốc chống đông
Về công tác cách ly, PGS.TS Lân Hiếu đề nghị coi các khu áp dụng Chỉ thị 16+ như các khu đang cách ly F1, F0 tại nhà. Việc xét nghiệm nên tập trung vào 6 nhóm đối tượng: Người có tuổi, béo phì, phụ nữ có thai, người có bệnh nền, những người có dấu hiệu cảm cúm bất bình thường.
Ngoài ra, tỉnh cũng rất thiếu các loại thuốc chống đông và đang đề xuất mua thuốc generic (thuốc không còn bản quyền như thuốc dược gốc) để giải quyết tình trạng này. Ông cũng đề nghị các bệnh viện chữa trị tầng 1 cần có đủ các phương tiện tối thiểu khi tiếp nhận F0 vào.
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế phải đảm bảo về thuốc. Ông cũng đề nghị giải quyết các khó khăn để xe chở thuốc, các thiết bị y tế từ TP.HCM về địa phương đi lại dễ dàng, thuận lợi trong bối cảnh siết chặt giãn cách hiện nay. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định có biện pháp giải quyết ngay khó khăn này.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra bệnh viện dã chiến của Bộ Công an tại huyện Nhà Bè. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Đại diện Bộ Y tế cho biết các quy định như thu dung, hồ sơ chuyển viện (giữa các tầng), hướng dẫn về số lượng bác sĩ ở các trung tâm thu dung... là các quy định tối ưu. Trong bối cảnh chống dịch hiện nay, đại diện Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế địa phương tối ưu, linh hoạt về biện pháp, tùy thuộc tình hình thực tế.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Bình Dương đã và đang rất nỗ lực thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách. Ông đề nghị Bộ Y tế sớm hỗ trợ tỉnh thêm về lực lượng chống dịch. Phó thủ tướng nhấn mạnh cần cảnh giác F0 nhưng phải hiểu đúng về nó. Trường hợp F0 ở lại trong cộng đồng thì cần giúp đỡ lẫn nhau.
“Những người này không chỉ cần thuốc mà cần cả động viên tinh thần và dinh dưỡng, người bị khó thở thì họ mất nước nhiều hơn. Gia đình, hàng xóm láng giềng cần giúp đỡ, đùm bọc nhau", ông nói. Phó thủ tướng và Bí thư tỉnh ủy Bình Dương cùng đưa ra lời kêu gọi các F0 khỏi bệnh quay lại tham gia lực lượng chống dịch.