Ngày 25/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thống nhất tạm dừng dự án tạc phù điêu vào vách núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn). Vụ việc liên tục được Zing.vn phản ảnh từ giữa tháng 9 đến nay.
Quan điểm của lãnh đạo địa phương này là khi nào hoàn thành xong nút giao thông ở khu vực ngã sáu mới bàn tính tiếp chuyện có triển khai dự án tạc bức phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn đại đoàn kết dân tộc vào vách núi hay không.
Phác thảo bức phù điêu trên vách núi Bà Hỏa. Ảnh: D.T. |
Trước đó, đầu tháng 9, UBND tỉnh Bình Định gửi văn bản báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về dự án Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết. Bức phù điêu dự kiến dài 81,5 m đi kèm hệ là thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ rộng khoảng 3.000 m2. Công trình có kinh phí dự kiến hơn 86 tỷ đồng (trong đó ngân sách 34 tỷ đồng, số còn lại huy động xã hội hóa)…
Sau khi được công bố, dự án gây nhiều tranh cãi vì có thể là nguyên nhân gây tai nạn giao thông và gây lãng phí ngân sách. Người dân địa phương cho rằng công trình phù điêu hiện nay chưa cần thiết, có thể gây lãng phí.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, xác nhận xét thấy dự án tạc bức phù điêu vào núi cần làm rõ thêm một số vấn đề, UBND tỉnh thống nhất kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tạm dừng.
"Xét thấy dự án gần khu vực ngã 6 lượng người tham gia giao thông đông đúc; chất đất, đá trên núi Bà Hỏa còn thiếu ổn định nên UBND tỉnh kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tạm dừng dự án tạc bức phù điêu để lấy ý kiến rộng rãi người dân, giới chuyên gia", ông Châu nói.
Hiện Bình Định tập trung đầu tư, triển khai dự án cải tạo giao thông khu vực ngã 6 gần vách núi Bà Hỏa. Trước đó, một doanh nghiệp từng đề nghị địa phương này tài trợ xây dựng bức phù điêu để tạo dấu ấn cửa ngõ ra, vào TP Quy Nhơn. Do vậy, UBND tỉnh Bình Định mới trình phương án xây dựng bức phù điêu này xin ý kiến cơ quan chức năng.
Vách núi Bà Hỏa, nơi dự kiến tạc bức phù điêu có mật độ người tham gia giao thông qua lại đông đúc. Ảnh: Minh Hoàng. |
Hơn 50 năm sống gần núi Bà Hỏa, ông Nguyễn Sanh Hồng (ngụ phường Đống Đa) nói rằng mùa mưa, nước từ trên núi tuôn xuống xối xả, gây ngập nhiều tuyến đường khu vực ngã 6 - cửa ngõ ra vào TP Quy Nhơn. Lo nhất là vào mùa mưa, núi sạt lở vùi lấp mất phù điêu thì lãng phí lớn.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Duy Quý cũng cho rằng nhiều công trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bức thiết cần được ưu tiên đầu tư hơn là bức phù điêu này.
"Tỉnh chi 86 tỷ tạc bức phù điêu vào vách núi hiện nay là chưa cần thiết. Theo tôi, chất đất, đá ở đây thiếu ổn định, nếu không may xảy ra sạt lở thì công trình đổ nát hết. Mặt khác, tạc bức phù điêu gần sát với đường sắt và ngã 6 là rất nguy hiểm", ông Quý lo ngại.