Bình Định đang thu thập ý kiến về việc tạc phù điêu vào núi đá gần cửa ngõ ra vào TP Quy Nhơn. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 86 tỷ đồng đang gây nhiều tranh cãi vì có thể là nguyên nhân gây tai nạn giao thông và gây lãng phí ngân sách.
Xong hạ tầng mới xẻ núi, tạc phù điêu
Bức phù điêu có chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ” và cội nguồn đại đoàn kết dân tộc dài 81,5 m đi kèm hệ là thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ rộng khoảng 3.000 m2.
"Đơn vị thi công sẽ cắt núi vòng cung, âm sâu vào trong 35 m vừa mở không gian xây quảng trường vừa tạo mặt phẳng để tạc trực tíếp phù điêu vào nền đá tự nhiên", lãnh đạo Sở VH-TT Bình Định nói và cho biết Bộ VH-TT&DL và Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương tạc phù điêu vào vách núi Bà Hỏa ở TP Quy Nhơn.
Núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn), nơi dự kiến tạc bức phù điêu vào vách núi. Ảnh: M. Hoàng. |
Là người được Bình Định chọn để tạc bức phù điêu vào vách núi Bà Hỏa, chuyên gia bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam Nguyễn Văn Mạc cho rằng địa phương cần tuân thủ theo lộ trình trong việc thực hiện dự án, không thể vội vàng.
Trước mắt, Bình Định cần xin ý kiến Cục Mỹ thuật (Bộ VH-TT&DL) duyệt danh sách thành viên Hội đồng nghệ thuật thẩm định bức phù điêu.
"Sau khi tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật góp ý chỉnh sửa, bản vẽ thiết kế được duyệt thì mới có thể triển khai. Tuy nhiên, nếu địa phương chưa làm xong hạ tầng, chưa mở rộng nút giao thông thì không có cách nào để tạc phù điêu vào vách núi", ông Mạc nói.
Theo vị chuyên gia, quy trình cắt núi và tạc bức phù điêu quy mô lớn trên nền đá tự nhiên như ở Quy Nhơn phải tốn thời gian kéo dài 2-3 năm.
Vách núi Bà Hỏa, nơi dự kiến tạc bức phù điêu nằm sát với tuyến đường sắt TP.HCM đi ga Quy Nhơn và ngược lại. Ảnh: Minh Hoàng. |
Nên ưu tiên các công trình an sinh khác
Người dân địa phương cho rằng công trình phù điêu hiện nay chưa cần thiết, có thể gây lãng phí. Họ yêu cầu cơ quan chức năng dừng chi 86 tỷ đồng (trong đó có hơn 30 tỷ là ngân sách) để tạc phù điêu vào vách núi.
Hơn 50 năm sống gần núi Bà Hỏa, ông Nguyễn Sanh Hồng (ngụ phường Đống Đa) nói rằng mùa mưa, nước từ trên núi tuôn xuống xối xả, gây ngập nhiều tuyến đường khu vực ngã 6 - cửa ngõ ra vào TP Quy Nhơn.
"Địa phương còn nghèo, Bình Định nên dành tiền mở rộng nút giao thông, chăm lo cho người nghèo hay đầu tư vào lĩnh vực y tế... Lo nhất là vào mùa mưa, núi sạt lở vùi lấp mất phù điêu thì lãng phí lắm", ông Hồng nói.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Quý cũng cho rằng nhiều công trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bức thiết cần được ưu tiên đầu tư hơn là bức phù điêu này.
"Tỉnh chi 86 tỷ tạc bức phù điêu vào vách núi hiện nay là chưa cần thiết. Theo tôi, chất đất, đá ở đây thiếu ổn định, nếu không may xảy ra sạt lở thì công trình đổ nát hết. Mặt khác, tạc bức phù điêu gần sát với đường sắt và ngã 6 là rất nguy hiểm", ông Quý lo ngại.
Vách núi Bà Hỏa gần sát với khu vực ngã 6 có lượng người qua lại đông đúc. Ảnh: Minh Hoàng. |
Kết quả thăm dò của chuyên gia Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ cũng xác định núi Bà Hỏa có địa chất gồm đá núi lửa rhyolite, đá cao oxit silic (Si02) tương đối bền với thời gian nhưng dễ nứt nẻ. Loại đá thứ hai là cát kết, cuội kết... gọi chung là đá trầm tích, độ ổn định kém. Từ đỉnh trở xuống (từ 4-9 m) là lớp đất phong hóa, phía bên dưới có một số khe nứt. Phần còn lại là lớp đá liền khối có thể tạc phù điêu.
"Chúng tôi đã khuyến cáo cơ quan chức năng nếu tạc phù điêu vào vách núi này thì phải có giải pháp làm kè, mái che bên trên, xây mương thu nước để chống sạt lở; dùng phụ gia xử lý một số vết nứt để bảo đảm an toàn cho công trình", ông Trần Huynh, chuyên gia Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, nói.
Trước những góp ý trên, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh việc tạc phù điêu vào vách núi mới có chủ trương, vẫn trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, phê duyệt dự án.
"Địa phương sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia về chủ đề cũng như vị trí đặt bức phù điêu. Khi nào nhân dân đồng thuận mới triển khai. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là tính toán làm sao làm phải phù hợp, thiết thực, hiệu quả, không nóng vội", ông Thanh nói.