Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết từ 0h ngày 1/4, Bộ Giao thông Vận tải cho phép Trạm thu phí hầm đường bộ Cù Mông (nối Bình Định với Phú Yên) đưa vào hoạt động.
Tuyến đường đèo nguy hiểm bên công trình hầm Cù Mông nối Bình Định - Phú Yên. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trạm BOT này đặt tại phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) áp dụng mức thu phí thấp nhất từ 60.000 đồng và cao nhất là 220.000 đồng/lượt.
Mức phí mỗi lượt xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn là 60.000 đồng; xe 12-30 chỗ, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 70.000 đồng. Xe từ 31 ghế trở lên, ôtô tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 120.000 đồng; xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet giá vé 140.000 đồng. Mức phí cao nhất là 220.000 đồng đối với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet.
Cuối tháng 1 vừa qua, hầm Cù Mông nối giữa 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định hoàn thành, đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 3.921 tỷ đồng.
Trạm BOT hầm Cù Mông đặt ở phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) bắt đầu thu phí từ ngày 1/4. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo Sở Giao thông - Vận tải Bình Định, khoảng cách giữa hai trạm thu phí BOT Bắc Bình Định và BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 chưa đến 70 km. Trong khi đó khoảng cách giữa trạm BOT Nam Bình Định (thị xã An Nhơn) và trạm thu phí BOT trên quốc lộ 19 (huyện Tây Sơn) cách nhau chỉ 34 km là bất hợp lý.
Tỉnh Bình Định hiện có 4 trạm thu phí BOT đường bộ:
Trạm thứ nhất đặt tại Km 1148 + 300 quốc lộ 1, xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) do Công ty Cổ phần BOT Bắc Bình Định làm chủ đầu tư.
Trạm thứ hai đặt ở Km 1212 + 550 quốc lộ 1, phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) do Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Định làm chủ đầu tư.
Trạm thu phí thứ ba đặt ở Km 49+550 quốc lộ 19, xã Bình Tường (huyện Tây Sơn) do Công ty TNHH BOT 36.71 làm chủ đầu tư.
Trạm thu phí thứ tư đặt ở Km 0 + 750, gần công trình hầm Cù Mông ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn do Công ty CP đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.