Tính đến tháng 2/2021, Covid-19 đã giết chết hơn 2,2 triệu người trên thế giới. Đại dịch thay đổi cách chúng ta làm việc, sống và giao tiếp xã hội.
Đồng thời, năm 2021 cũng mang lại những hi vọng mới để cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu. Với việc ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống, Mỹ sẽ quay lại ủng hộ về vấn đề này. Trung Quốc cam kết thực hiện mục tiêu đầy tham vọng, đưa lượng khí thải về 0 trước năm 2060.
Bill Gates cho rằng bài học rút ra từ Covid-19 có thể dùng vào việc chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty Images. |
Năm nay, Liên hợp quốc sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Scotland về biến đổi khí hậu. Chưa có thỏa thuận nào chắc chắn nhưng nó cũng mở ra cơ hội.
Tôi sẽ dành nhiều thời gian để trao đổi với các nhà lãnh đạo thế giới về 2 vấn đề nổi cộm nhất hiện nay: Covid-19 và biến đổi khí hậu.
3 bài học rút ra từ cuộc chiến chống lại đại dịch có thể sử dụng vào nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hợp tác quốc tế và sự cần thiết của khoa học
Cụm từ “chúng ta phải làm việc cùng nhau” dễ bị xem là sáo rỗng, nhưng đó rất thật. Khi chính phủ, nhà nghiên cứu và các công ty dược phẩm làm việc cùng nhau về Covid-19, thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Ví dụ điển hình là phát triển, thử nghiệm vaccine trong thời gian ngắn kỷ lục.
Nếu chúng ta không học hỏi lẫn nhau, thay vào đó là tính ích kỷ của các quốc gia, hoặc từ chối thừa nhận rằng khẩu trang và giãn cách xã hội làm chậm lây lan virus, khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài.
Điều này cũng đúng với biến đổi khí hậu. Nếu những nước giàu chỉ nghĩ đến việc giảm lượng khí thải của chọ, không ý thức rằng công nghệ sạch cần phải thiết thực cho mọi người, chúng ta sẽ không bao giờ đưa mức phát thải về 0.
Như vậy, giúp đỡ người khác không chỉ là một hành động vị tha mà còn vì lợi ích của chúng ta. Tất cả đều có lý do để hướng đến không còn khí thải nhà kính và giúp những quốc gia khác làm điều tương tự.
Chúng ta cần để khoa học - thực ra là nhiều ngành khoa học khác nhau - định hướng các nỗ lực.
Trong trường hợp Covid-19, chúng ta cần tới sinh học, virus học và dược học, cũng như khoa học chính trị và kinh tế. Xét cho cùng, quyết định cách phân phối vaccine là hành động mang tính chính trị.
Cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để chặn đứng Covid-19. Ảnh: EPA. |
Và cũng giống như dịch tễ học cho chúng ta biết về những rủi ro của Covid-19 nhưng không chỉ cách ngăn chặn nó, khoa học khí hậu cho chúng ta biết lý do cần thay đổi hướng đi chứ không phải làm thế nào để thực hiện.
Để làm được điều này, chúng ta phải dựa trên kỹ thuật, vật lý, khoa học môi trường, kinh tế…
Quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương
Các giải pháp đặt ra phải đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Với Covid-19, người khó khăn nhất là những người có ít lựa chọn nhất. Chẳng hạn như làm việc tại nhà hoặc dành thời gian để chăm sóc cho bản thân và người thân của họ. Hầu hết là người da màu và những người có thu nhập thấp.
Tại Mỹ, người da đen và người la tinh có nguy cơ nhiễm Covid-19 và chết cao hơn. Học sinh da đen, la tinh cũng ít có khả năng học trực tuyến hơn các bạn da trắng.
Trong số những đối tượng tiếp cận được với dịch vụ y tế, tỷ lệ tử vong do Covid-19 của người nghèo cao gấp 4 lần mức trung bình. Việc thu hẹp khoảng cách này là chìa khóa để kiểm soát virus ở Mỹ.
Trên toàn cầu, Covid-19 đã cuốn trôi tiến bộ trong xóa đói nghèo và đẩy lùi bệnh tật suốt nhiều thập kỷ. Khi các chính phủ điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với đại dịch, những chương trình khác, bao gồm cả tiêm chủng đại trà, không còn được ưu tiên.
Theo Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của Mỹ, năm 2020, tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống mức tương đương những năm 1990. Chúng ta đã mất 25 năm tiến bộ chỉ trong khoảng 25 tuần.
Dù chống Covid-19 hay biến đổi khí hậu, muốn thành công phải quan tâm đến đối tượng chịu tác động trực tiếp. Ảnh: Reuters. |
Các quốc gia giàu có cần phải đóng góp nhiều hơn nữa để bù đắp cho sự mất mát này. Họ càng đầu tư vào việc tăng cường hệ thống y tế trên toàn thế giới, chúng ta càng chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo.
Theo cách tương tự, chúng ta cần lập kế hoạch chuyển đổi chính xác sang một tương lai không phát thải khí nhà kính. Người dân ở các nước nghèo cần được giúp đỡ để thích nghi với một thế giới ấm hơn.
Các quốc gia giàu phải thừa nhận rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ gây xáo trộn cho các cộng đồng, ví dụ như những nơi khai thác than, sản xuất xi măng, luyện thép hoặc ôtô.
Ngoài ra, nhiều người phụ thuộc gián tiếp vào các ngành công nghiệp này. Khi có ít than và nhiên liệu để vận chuyển, sẽ ít công việc dành cho các tài xế xe tải và công nhân đường sắt.
Vượt qua thử thách
Cuối cùng, chúng ta có thể vừa giải cứu nền kinh tế khỏi Covid-19, vừa khơi dậy sự đổi mới để tránh thảm họa khí hậu trong tương lai bằng cách đầu tư vào nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch.
Chi tiêu cho R&D có tác động chủ yếu trong dài hạn, nhưng cũng ảnh hưởng tức thì bằng cách tạo thêm việc làm. Năm 2018, đầu tư của chính phủ Mỹ vào tất cả lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp hơn 1,6 triệu người lao động, tạo ra thu nhập 126 tỷ USD và 39 tỷ USD thuế.
Ngoài ra, các chính phủ có thể giúp công ty năng lượng sạch phát triển bằng cách áp dụng chính sách ưu đãi so với những đối thủ dùng năng lượng hóa thạch.
Giúp họ dùng nguồn cứu trợ khó khăn vì Covid-19 để mở rộng việc sử dụng năng lượng tái tạo và xây dựng lưới điện tích hợp.
Năm 2020 là một bước lùi, nhưng tôi tin tưởng chúng ta sẽ kiểm soát được Covid-19 vào năm 2021, đồng thời sẽ đạt tiến bộ thực sự về biến đổi khí hậu.