Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bill Clinton: 'Ông ta chơi xấu tôi'

Phía sau những nụ cười và những cái bắt tay giữa 2 vị tổng thống Mỹ là cả một cuộc đối đầu căng thẳng mà nhà báo Edward Klein đã đưa ra ánh sáng trong cuốn sách của mình.

Thái độ thù hằn của Obama với Clinton xuất phát từ vài nguồn cơn. Trước hết, mặc dù ông (Obama) và Clinton nhất trí về nhiều vấn đề xã hội, chẳng hạn hôn nhân đồng giới và kiểm soát súng, nhưng họ lại thuộc hai phe đối lập nhau về kinh tế trong Đảng Dân chủ - Obama thuộc phe cánh tả, Clinton thuộc phe ôn hòa. Obama tin vào sự tốt đẹp bên trong của đại chính quyền, và ông không bao giờ tha thứ cho Clinton về bài diễn văn Tình hình Liên bang, trong đó Clinton tuyên bố, “Thời đại của đại chính quyền đã chấm hết”.

Hai người còn đại diện cho những giá trị đạo đức khác hẳn nhau. Clinton là người thực dụng tột bậc: Thắng được nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng, ông ấy đã phát triển một luận thuyết chính trị gọi là “phép đo tam giác”, cho phép ông ấy giữ khoảng cách với các chính sách truyền thống của phe Dân chủ và tiếp nhận một số ý tưởng của các đối thủ phe Cộng hòa, chẳng hạn việc bãi bỏ quy định và một ngân sách cân bằng. Obama, mặt khác, lại cực kỳ tin tưởng vào sự chính trực và phẩm chất của mình đến mức ông thường nghĩ những đối thủ của mình là đám đồi bại và không hề muốn liên quan gì đến họ.

May thuan giua Clinton va Obama anh 1
Cuốn sách 

Cuộc chiến không hồi kết - The Clintons vs The Obamas.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Obama không ưa Clinton ở cấp độ cá nhân. Có người nghĩ rằng những điểm chung giữa hai người là nguồn gốc cho ác cảm của Obama, vì những đặc tính mà Obama thấy khó chịu ở Clinton - khuynh hướng lên lớp người khác, việc tin vào số phận, thái độ đề cao tầm quan trọng chính trị của riêng mình - cũng có thể tìm thấy ở chính Obama.

Khi Michelle nghe Valerie nói rằng David Plouffe định sử dụng Bill Clinton trong chiến dịch năm 2012, bà nổi đóa. Theo Jarrett, nỗi sợ hãi chính của Michelle là Clinton sẽ có ảnh hưởng nhiều đến ông chồng hay dao động của bà, do đó làm giảm bớt ảnh hưởng của bà và Jarrett đối với ông. Nếu Clinton, với sự nổi tiếng và uy tín của mình, có thể giúp đưa Barack vượt lên đầu trong kỳ bầu cử sắp tới, thì cũng dễ dàng ném Barack khỏi vách đá nếu muốn. Thái độ ngờ vực của Michelle Obama và Valerie Jarrett đối với Bill và Hillary vượt xa những lý do chính trị thuần túy. Nó phản ánh điều gì đó mang tính bản năng hơn - những cảm nhận cá nhân sâu thẳm của những cư dân Mỹ gốc Phi rằng nhà Clinton, như hầu hết người da trắng, đều phân biệt chủng tộc. 

“Tôi không nghĩ Michelle và Valerie nghĩ gia đình Clinton phân biệt chủng tộc hơn những người da trắng khác”, một trong những người bạn tâm tình gần gũi nhất của Valerie, một người Mỹ gốc Phi, nói. “Nhưng họ nghĩ cả Bill và Hillary đều không có sự nhạy cảm về chủng tộc. Michelle và Valerie sẽ chẳng bao giờ bỏ qua nhận xét của Bill Clinton, sau cuộc bầu chọn ứng viên tổng thống tại South Carolina năm 2008, trong đó ông ấy đã bác bỏ việc Obama trở thành một ứng viên da đen khác giống như Jesse Jackson, người đã thắng lợi tại bang đó năm 1984 và 1988. Và họ không thể tha thứ cho Clinton vì đã nói trên chương trình trò chuyện truyền hình Charlie Rose vào tháng 12 năm 2007 rằng, một phiếu bầu cho Obama là ‘gieo xúc xắc’, và vì đã gọi thành tích phản đối Chiến tranh Iraq của Barack là ‘câu chuyện cổ tích lớn nhất tôi từng thấy’.”

Một trong những người bạn thân của Jarrett kể trong cuộc phỏng vấn cho cuốn sách này. “Trước cuộc tranh cãi tại Phòng Bầu dục về việc sử dụng Bill Clinton trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống sắp tới, Michelle ngồi lại với Valerie, nắm lấy tay bà ấy rồi thì thầm, ‘Nhớ bảo đảm Bill Clinton không tiếp cận quá gần Barack và để cho ông ta có quá nhiều ảnh hưởng với Barack. Tôi rất lo ngại Bill và Barack trở thành bạn bè và Bill đưa ra quyết định thay ông ấy’.”

“Valerie xem lời nài nỉ của Michelle như một mệnh lệnh trực tiếp phải được thực thi”, người này tiếp tục. “Bà ấy hứa với Michelle rằng mình sẽ lưu tâm đến việc này và giữ khoảng cách với Clinton. Bà ấy cũng hứa rằng sau cuộc bầu cử, Bill Clinton sẽ bị tống khứ. Đích thân bà ấy sẽ lưu tâm việc đó.”

“Có vô khối mánh khóe trong Nhà Trắng dưới thời Barack Obama, mọi người đều mong muốn đẩy người khác ra khỏi vị trí của họ, tranh luận những chuyện ngớ ngẩn”, một cựu quan chức cấp cao kể với tôi. “Cuộc chiến này không phải hình thành xung quanh việc nịnh vua và hoàng hậu. Nó nhằm gợi lên ngờ vực trong đầu họ… Trong tất cả chuyện này, Valerie Jarrett vừa là kẻ châm lửa vừa là người dập lửa. Bà ấy có thể vươn những cái vòi bạch tuộc của mình tới mọi ngóc ngách của bộ máy hành pháp. Bà ấy tạo ra những vấn đề để có thể nói với tổng thống và đệ nhất phu nhân, ‘Tôi sẽ làm gì đó cho hai người; Tôi sẽ mạo hiểm mọi thứ để chứng tỏ mình đáng giá như thế nào’.”

“Mục tiêu của ngài là gì?”, Jarrett hỏi Obama.

Nếu Obama tái cử thành công, ông sẽ chỉ mới năm mươi lăm tuổi khi rời Nhà Trắng. Ông vẫn còn trẻ với một sự nghiệp còn dài phía trước. Có lẽ không phải trong lĩnh vực bầu cử, mà về uy tín, ảnh hưởng và quyền lực. Ông sẽ làm gì với ngần ấy năm? Ông sẽ làm gì với tất cả năng lực của mình? Ông sẽ làm gì với tầm nhìn của mình dành cho nước Mỹ?

Liệu ông đã chuẩn bị cho việc nhường lại quyền kiểm soát Đảng Dân chủ cho Clinton, một con người vô kỷ luật, vô nguyên tắc, không có chung tầm nhìn với Obama về nước Mỹ và là người cố tìm cách bám đuôi Hillary để trở lại Nhà Trắng, hay chưa?

“Ngài không thể làm thế”, bà ấy nói. “Dù ngài hứa gì với ông ta, ngài cũng không cần phải thực hiện. Bầu cử xong, phải tống cổ Clinton.”

Obama gật đầu. Valerie Jarrett biết cuối cùng bà ấy đã thuyết phục được Tổng thống Hoa Kỳ. Ông sẵn sàng thất hứa bất kỳ thỏa thuận gì đã có với Clinton.

“Tôi thật sự không thể chịu được cái cách Obama dường như lúc nào cũng tỏ ra kẻ cả khi nói chuyện với tôi”, Clinton nói, theo lời một người có mặt tại buổi gặp mặt và tiết lộ với điều kiện được ẩn danh. “Nhiều lúc chúng tôi chỉ trân trân nhìn nhau. Rất không hài lòng. Bây giờ cả hai chúng tôi đều có thiện ý tham vấn nhau, và điều đó sẽ rất khó chịu. Nhưng tôi phải khiến tay này mắc nợ mình và đứng về phe chúng tôi.”

…Theo một trong những vị khách mời tái hiện lại phần độc thoại của Clinton trong một cuộc phỏng vấn cho cuốn sách này, Clinton nói rằng ông ấy sẽ không chấp nhận để thái độ ác cảm đối với Obama che lấp tư duy chiến lược của mình.

“Tôi ghét tay Obama đó hơn bất kỳ người nào tôi từng gặp, hơn bất kỳ người nào từng tồn tại”, ông ấy nói. “Ông ta gọi tôi là kẻ phân biệt chủng tộc! Người ta tìm cách biến tôi và vợ tôi thành những kẻ phân biệt chủng tộc. Nhưng điều quan trọng cần nhớ trong đầu là quyết định mời tôi chơi một trận golf của Obama chính là một dấu hiệu cho thấy điểm yếu của ông ta, vì bất kỳ thỏa thuận nào chúng tôi có thể đạt được đều sẽ lập tức khiến Obama mắc nợ tôi. Câu hỏi mấu chốt là: Tôi sẽ tận dụng ưu thế này như thế nào?”

Clinton rất ghét ý tưởng phải chịu ơn Obama. Cũng như Valerie Jarrett và Michelle Obama, Clinton vẫn còn nguyên vị đắng trong miệng từ những trận đấu năm 2008, trong đó ông ấy bị chiến dịch vận động của Obama biến thành một kẻ bung xung. Đặc biệt, Clinton không bao giờ tha thứ cho Obama vì nhận xét đặc biệt khó chịu mà Obama đưa ra trong một lần xuất hiện trước các cuộc họp kín của Đảng tại Nevada, rằng “Ronald Reagan thay đổi quỹ đạo của nước Mỹ theo cách mà… Bill Clinton không làm nổi”.

“Ông ta chơi xấu tôi”, Clinton phàn nàn về Obama, khá lâu sau khi “nước đã lặng” trong chiến dịch vận động năm 2008.

 


Trích "Cuộc chiến không hồi kết - The Clintons vs The Obamas"

Bạn có thể quan tâm