Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Big Six' có còn tồn tại ở Premier League?

Bất chấp đại dịch Covid-19, nhiều đội bóng lớn ở Premier League vẫn duy trì vị thế của họ so với các giải đấu khác tại châu Âu.

PHÂN TÍCH

Premier League anh 1

Khi Super League hình thành giữa tháng 4, những đội bóng được cho là thuộc nhóm "Big Six" của Premier League đều góp mặt. Đó là Manchester City, Liverpool, Manchester United, Chelsea, Arsenal và Tottenham Hotspur.

Dự án Super League khiến truyền thông châu Âu chấn động. Dù vậy, sức ép từ người hâm mộ khiến các đội bóng Premier League nhanh chóng rút lui sau chưa đầy 48 giờ.

Sức mạnh của "Big Six"

Ý tưởng "các CLB thành viên sáng lập" không phải xuống hạng phần nào được thiết lập dựa trên giả định rằng thứ bậc của những đội bóng này không thay đổi ở các giải đấu hàng đầu châu Âu.

Man City, Liverpool, Man United và Chelsea vẫn duy trì vị thế dẫn đầu, đó là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, sự hiện diện của Arsenal và Tottenham lại là câu chuyện khác khi thành tích của họ sa sút suốt thời gian gần đây.

Có sự chia rẽ giữa các CLB Premier League. Những đội bóng có quyền lực và tầm ảnh hưởng mang lại sự tín nhiệm cho Super League, và những đội bóng khác cảm thấy họ không thể bị bỏ lại phía sau. Ảnh hưởng tài chính từ dịch Covid-19 vẫn đang làm thay đổi cục diện, khi một số CLB khai thác các lỗ hổng để củng cố vị thế của họ.

Vậy phải chăng đến lúc nên định nghĩa lại hay loại bỏ hoàn toàn khái niệm "Big Six"?

Premier League anh 2

Chelsea, Man Utd vẫn duy trì vị thế. Ảnh: Reuters.

Nhóm đội bóng quyền lực là một khái niệm có lẽ khởi nguồn từ sự ra đời của Premier League. Khi đó, các CLB hàng đầu nước Anh tập hợp lại để thành lập một giải đấu ly khai, do thất vọng vì không hưởng đủ quyền lợi họ xứng đáng có được.

"Big Five" được biết đến vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, gồm Arsenal, Tottenham, Manchester United, Liverpool và Everton. Đại diện 5 CLB này gặp nhau tại một bữa tối bí mật với Giám đốc điều hành truyền hình lúc bấy giờ là Greg Dyke vào tháng 10/1990, dẫn đến sự hình thành của Premier League chưa đầy hai năm sau đó.

Khi Premier League trở thành một hiện tượng toàn cầu, UEFA quy định suất dự Champions League vào năm 1999 dành cho 4 đội từ 3 giải đấu hàng đầu (theo bảng xếp hạng của UEFA).

Điều đó không dành cho người Anh đến khi Premier League đạt đủ hệ số vào năm 2002. Đồng thời với doanh thu từ các giải đấu ở châu Âu, 4 đội đứng đầu có tuyên bố mạnh mẽ về việc trở thành "Big Four".

Chelsea, Man City, Liverpool, Man United, Spurs và Arsenal chia sẻ 4 vị trí dẫn đầu hàng năm, bên cạnh thành công của Leicester City năm 2016, vốn được coi là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, hay vị trí thứ 4 của Everton năm 2005 và thứ 3 của Newcastle United năm 2003.

Chelsea của Roman Abramovich và Man City của Sheikh Mansour đã phá vỡ trật tự bóng đá Anh thông qua các vụ chuyển nhượng khổng lồ lần lượt vào năm 2003 và 2008, về cơ bản là mang tới thành công ngay lập tức.

Do đại dịch, UEFA nới lỏng các quy định của Luật công bằng tài chính. Điều này cho phép Man City chi 100 triệu bảng để ký hợp đồng với Jack Grealish từ Aston Villa, trong khi họ tiếp tục theo đuổi một thương vụ thậm chí lớn hơn với Harry Kane.

Chelsea không kém cạnh. Họ phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng để đón Romelu Lukaku từ Inter Milan với giá 97,5 triệu bảng. CLB Serie A buộc phải "bán máu nhân sự" do sụt giảm doanh thu trong năm qua, dù vô địch giải đấu lần đầu tiên sau một thập kỷ.

Man United giữ vững ở vị thế là một trong những đội bóng tạo ra doanh thu lớn nhất thế giới bóng đá, một phần là nhờ vào khả năng thương mại giúp họ tồn tại tương đối tốt trong thời kỳ đại dịch. Man United chi 73 triệu bảng cho Jadon Sancho và 34 triệu bảng cho Raphael Varane.

Liverpool tham gia thị trường một cách yên ắng hơn khi chiêu mộ Ibrahima Konate giá 36 triệu bảng từ RB Leipzig. Dù vậy, họ cũng sở hữu nguồn lực tài chính dồi dào khi gia hạn hợp đồng với Alisson, Fabinho, Trent Alexander-Arnold và Virgil van Dijk, và sắp tới sẽ là Mohamed Salah.

Premier League anh 3

Tottenham và Arsenal có thể trượt dài thời gian tới. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ dành cho Tottenham và Arsenal

Spurs đang phải đối mặt với một cuộc chiến để giữ Kane ở lại. HLV Nuno Espirito Santo muốn có Kane để ngăn chặn khủng hoảng vốn bắt đầu vào cuối kỷ nguyên Mauricio Pochettino. Đây là điều Jose Mourinho đã thất bại.

Tottenham là một trong số những CLB bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch về mặt tài chính. Họ trở thành đội bóng đầu tiên tận dụng kế hoạch của chính phủ cho phép tiếp cận khoản vay trị giá 175 triệu bảng từ Ngân hàng Trung ương Anh.

Họ mở rộng SVĐ trị giá 1 tỷ bảng với mục đích tăng doanh thu dựa trên các sự kiện diễn ra trực tiếp. Tuy nhiên, hoạt động này tồn tại chưa đầy một năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, buộc họ phải dừng mọi hình thức tụ tập đông người gần như cả năm 2020 và xa hơn nữa.

Spurs tham gia Super League dù không giành được danh hiệu nào kể từ năm 2008 gây ra không ít hoài nghi. Nhưng thực tế, họ đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng Money League của công ty chuyên gia tài chính Deloitte về mức doanh thu tạo ra trong mùa giải 2019/20.

Đáng chú ý, mặc dù hoàn tất 38 vòng đấu ở mùa giải 2020/21 trong thời kỳ đại dịch - không giống như Ligue 1 quyết định dừng giải đấu - Premier League ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng lớn.

Deloitte báo cáo vào tháng 7 rằng thị trường bóng đá châu Âu đã giảm tới 13% doanh thu trong giai đoạn 2019-2020. Đây là mức giảm doanh thu đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008.

Doanh thu của các CLB Premier League lần đầu tiên giảm từ mức kỷ lục 5,2 tỷ bảng xuống còn 4,5 tỷ bảng. Hơn một nửa trong số 20 đội báo cáo lỗ và tổng lợi nhuận hoạt động giảm từ 782 triệu bảng xuống chỉ còn 55 triệu bảng. Tổng mức lỗ trước thuế là 966 triệu bảng.

Tuy nhiên, Chelsea và Man City nằm trong số ít những CLB cảm thấy đây là cơ hội tốt để củng cố vị thế. Cụ thể, họ khai thác sự sụt giảm doanh thu thông qua nguồn dự trữ tài chính dồi dào.

Ngược lại, Spurs là một trong số những CLB đang phải nỗ lực duy trì hoạt động, tương tự với đối thủ ở phía bắc London là Arsenal. Nói cách khác, hai đội bóng này đang ngồi trên cùng một con thuyền.

Pháo thủ trải qua một mùa giải không thể góp mặt ở cúp châu Âu lần đầu tiên sau 25 năm. Họ mạnh tay đầu tư những khoản tiền lớn vào việc nâng cấp đội hình, bao gồm 50 triệu bảng để mua hậu vệ Ben White từ Brighton.

Tuy nhiên "Pháo thủ" cũng phải đối mặt với nhu cầu tìm kiếm nguồn thu bằng cách đẩy đi một số cầu thủ khỏi Emirates trước khi thị trường chuyển nhượng mùa hè khép lại.

Sức mạnh tài chính tuyệt đối của Premier League khiến nhiều CLB hàng đầu ở các quốc gia khác phải ghen tị. Kết hợp với sự thất vọng trước việc UEFA không sẵn sàng định hình lại Champions League vì lợi ích lớn hơn của họ, dẫn đến việc Super League ra đời.

Những ai ngây thơ nhất mới nghĩ rằng mối đe dọa đó đã kết thúc khi Juventus, Real Marid và Barcelona chưa rút lui. Tuy nhiên, sự phân chia giữa các đội bóng trong nhóm "Big Six" có thể lớn dần nếu các quyết định kinh doanh đúng đắn không được đưa ra trong thời gian tới.

Việc phân phối doanh thu truyền hình tương đối đồng đều của Premier League giúp những CLB khác, bao gồm West Ham và Leicester City, tiếp tục phá vỡ cấu trúc của "Big Six".

Cả hai hy vọng sẽ cải thiện ở vị trí thứ 5 và thứ 6 mùa trước, vì ít nhất trong giai đoạn 2020/21, họ khiến "Big Six" phải run rẩy. Everton cũng là một mối đe dọa lớn dành cho "Big Six" dưới thời Rafa Benitez.

Thách thức của những đội bóng này là phá vỡ trận tự top 4 sau một mùa hè mà Man City, Chelsea, Man United và Liverpool đã tìm cách ổn định bộ khung. Đó có lẽ là sức hấp dẫn lâu dài, biến Premier League trở thành giải đấu khó đoán bậc nhất trên thế giới.

Tóm lại, đại dịch ảnh hưởng tới tất cả, Premier League không ngoại lệ. Nhưng Man Utd, Man City, Liverpool và Chelsea vẫn duy trì được vị thế và tầm vóc. Họ vẫn là anh cả của giải đấu hàng đầu xứ sở sương mù.

Trong khi đó, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn đối với Tottenham và Arsenal. Nếu không cải thiện tình hình cả trên sân cỏ lẫn mặt doanh thu, họ sẽ tiếp tục bị các đội bóng phía sau vượt mặt.

Khi ấy, có lẽ chúng ta có thể định nghĩa lại khái niệm "Big Six".

Varane nói về quyết định gia nhập MU Trung vệ người Pháp tiết lộ bản thân là người chủ động rời Real Madrid để nắm lấy cơ hội chơi cho Man Utd tại Premier League.

Odegaard kết thúc hành trình lang bạt ở Real

Từng được kỳ vọng trở thành ngôi sao lớn ở Bernabeu, Martin Odegaard cuối cùng phải chia tay Real để sang Premier League phát triển sự nghiệp.

Man Utd và nhiệm vụ bứt phá trong 7 trận đầu mùa

Một chiến thắng chưa thể nói lên nhiều điều với Manchester United khi Premier League là một chặng đường dài đầy thử thách.

Hiểu Lam

Theo ESPN

Bạn có thể quan tâm