Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Big C hứa nhập lại hàng may mặc Việt từ 50 đối tác hôm nay

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết bước đầu Big C mở đơn hàng cho 50 doanh nghiệp, sau đó là 100 doanh nghiệp trong những tuần tiếp theo. Big C sẽ dừng hợp tác với 50 doanh nghiệp.

Nhà cung cấp hàng cho Big C: 'Chúng tôi có nguy cơ phá sản' Các nhà cung cấp sản phẩm may mặc lo lắng và mất lòng tin trước quyết định bất ngờ ngừng nhập hàng của Big C. Họ đứng trước nguy cơ phá sản bởi công nhân có thể tìm việc mới.

Sáng 4/7, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có buổi làm việc trực tiếp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và đại diện Central Group, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C để làm rõ việc siêu thị này ngừng nhập hàng may mặc từ doanh nghiệp Việt.

Tại buổi họp báo thường kỳ 6 tháng của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin bước đầu Big C cam kết sẽ mở đơn hàng cho 50 nhà cung cấp Việt Nam ngay trong ngày 4/7. Nhiều nhất 2 tuần tới, đơn vị này tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp và dự kiến 100 doanh nghiệp nữa sẽ được mở hợp đồng.

Giai đoạn cuối cùng, Big C sẽ rà soát chặt chẽ với những doanh nghiệp chưa đáp ứng được hợp đồng đã ký giữa 2 bên và lọc ra 50/100 doanh nghiệp còn lại để mở đơn hàng. Như vậy, Big C sẽ ngừng thu mua mặt hàng may mặc từ 50 nhà cung cấp Việt Nam.

Big C dung thu mua mat hang may mac anh 1
Big C khẳng định sẽ ngừng thu mua mặt hàng may mặc từ 50 nhà cung cấp Việt Nam không đáp ứng nhu cầu. Ảnh: Trương Khởi.

“Central Group Việt Nam cho biết họ đang có chiến lược mới cho ngành hàng may mặc tại Việt Nam, cần thời gian nhất định nên tạm dừng mua hàng của một số doanh nghiệp trong khoảng 15 ngày. Tập đoàn này đã gửi thư cho các nhà cung ứng và khẳng định những đơn hàng đã ký trước đó thì vẫn được thực hiện”, ông Thắng nói.

Về quan điểm của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ luôn hoan nghênh, đánh giá cao những gì các doanh nghiệp nước ngoài đã làm được tại Việt Nam, cụ thể ở đây là Central Group. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư.

“Vấn đề giữa Big C và 200 nhà cung cấp trước hết là việc của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa 2 bên, đồng thời phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng hay luật cạnh tranh”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Cũng tại buổi họp, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm đã ký biên bản nguyên tắc hợp tác với tập đoàn Central Group Việt Nam. Theo đó, khi các doanh nghiệp may mặc Việt Nam gặp vấn đề tương tự, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ đứng ra giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các hội viên.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương thì sẽ tham gia với vai trò hỗ trợ, tạo ra môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Tại Việt Nam, Central Group nổi lên sau thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Big C năm 2016, với giá 1,05 tỷ USD. Đại gia bán lẻ Thái Lan cho biết hiện có khoảng 17.000 nhân viên tại Việt Nam, phục vụ khoảng 175.000 khách hàng mỗi ngày.

Tại Big C, chuỗi siêu thị này có hơn 4.000 nhà cung cấp Việt Nam. Và Big C đang trong quá trình xem xét với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc.

Theo văn bản do Tổng giám đốc Central Group Việt Nam ký được gửi đi ngày 2/7, Big C sẽ tạm ngưng đặt hàng của các nhà cung cấp hàng may mặc theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên.

“Tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của hợp đồng hợp tác thương mại”, thông báo của Central Group Việt Nam nêu rõ.

Hàng Việt bị 'đuổi khéo' khỏi hệ thống Big C?

Big C đột ngột dừng nhập sản phẩm may mặc của đối tác Việt khiến nhiều người đặt nghi vấn về chính sách với hàng Việt của chuỗi. Một số thậm chí kêu gọi quay lưng với siêu thị này.

Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp 3 bên làm rõ vụ Big C

Ngày 4/7, Vụ Thị trường trong nước tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và lãnh đạo Big C để làm rõ việc siêu thị này ngừng nhập hàng may mặc từ doanh nghiệp Việt.


Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm