Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Biểu tình tại Thái Lan có thể dẫn tới đảo chính quân sự’

Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto, Nhật Bản, học giả Pavin Chachavalpongpun cho rằng các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ tại Thái Lan có thể kết thúc bằng một cuộc đảo chính quân sự chóng vánh mới.

Biểu tình phản đối chính phủ tại Bangkok hôm 25/11.

Chuyên gia Chachavalpongpun nhận định: “Những người biểu tình có thể làm mọi việc chỉ để kích động một cuộc can thiệp quân sự vào các vấn đề của chính phủ, mà cuối cùng có khả năng dẫn đến một cuộc đảo chính. Hành động quân sự có thể thực hiện với giả thuyết rằng cuộc đảo chính được biện minh bởi những thất bại của chính phủ trong hoạt động điều hành ở một thời điểm nhất định”.

Theo ông, "quân đội có thể lật đổ chính phủ bởi vì họ đã làm như vậy với chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra", anh trai của Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm 2006.

Bất ổn chính trị hiện nay ở Thái Lan bắt nguồn từ các cuộc biểu tình kéo dài trên đường phố ở thủ đô Bangkok do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban và cái gọi là “Mạng lưới sinh viên và nhân dân vì cải cách Thái Lan” dẫn đầu có thể trầm trọng hơn tới mức chính phủ của bà Yingluck mất khả năng duy trì quyền lực hoặc kiểm soát được tình hình.

Tòa án Hình sự Thái Lan đã phê chuẩn lệnh bắt ông Suthep Thaugsuban, một thủ lĩnh chủ chốt của làn sóng biểu tình chống chính phủ hiện nay.

Theo Đại tá cảnh sát Sunthorn Kongklam ở thủ đô Bangkok, cảnh sát đưa ra đề nghị bắt giữ ông Suthep Thaugsuban và Tòa án Hình sự đã phê chuẩn. Cảnh sát kêu gọi ông Thaugsuban ra đầu thú trước khi thi hành lệnh bắt giữ.

Ông Suthep Thaugsuban từng giữ chức Phó thủ tướng Thái Lan và là cựu nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đối lập. Ông bị buộc tội kích động người biểu tình xâm phạm Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan thuộc các bộ này ngày 25/11.

Ông Suthep tuyên bố sẽ biến trụ sở Bộ Tài chính thành một thành trì mới của những người biểu tình và sẽ "chiếm giữ tất cả các bộ" nhằm làm tê liệt bộ máy chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Làn sóng biểu tình đang diễn ra tại Thái Lan là đợt biểu tình lớn nhất ở nước này kể từ sau cuộc biểu tình hồi năm 2010 làm hơn 90 người thiệt mạng. Khoảng 180.000 người của cả hai phe ủng hộ và chống chính phủ tham gia đợt biểu tình hiện nay.

Cuộc biểu tình xuất phát từ dự luật ân xá mà phe đối lập cho là nhằm "xóa tội" cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, mở đường cho ông về nước. Chính phủ Thái Lan đã áp đặt Luật an ninh nội địa (ISA) ở thủ đô và một số vùng lân cận nhằm kiểm soát tình hình an ninh.

Rất đông người tụ tập tại các khu vực ở trung tâm thủ đô Bangkok.
Cảnh sát chống bạo động gác bên ngoài Tòa án hiến pháp ở Bangkok.

 

Theo Vietmamplus

Bạn có thể quan tâm