"Tôi nói với cảnh sát rằng tôi bị mù. Tôi yêu cầu anh ta đừng đánh tôi nữa vì tôi không thể chạy đi đâu cả. Nhưng anh ta nói rằng nếu tôi bị mù thì tại sao tôi lại tham gia phản đối", Samad nói.
Shashibhushan Samad đang nằm trên giường trong phòng của anh tại ký túc xá Đại học Jawaharlal Nehru (JNU), kể lại những gì diễn ra vào ngày 18/11, khi hàng nghìn sinh viên tập trung phản đối kế hoạch tăng giá thuê phòng ký túc xá. Cảnh sát xuất hiện và cuối cùng đã có đụng độ xảy ra, với rất nhiều sinh viên bị thương và phải tới bệnh viện.
Một sinh viên bị cảnh sát trấn áp trong cuộc biểu tình của sinh viên JNU phản đối tăng giá ký túc xá ở New Delhi hôm 18/11. Ảnh: Reuters. |
Phẫn nộ gay gắt
Trong một đoạn video lan truyền nhanh chóng trên Twitter, Samad được nhìn thấy bỏ kính ra để chứng minh cho cảnh sát là anh bị mù, nhưng vẫn bị kéo đi.
"Tôi bị dẫm bẹp dưới chân họ. Ai đó đánh vào đầu gối và bụng tôi. Họ đạp lên lưng tôi", Samad nói và vạch áo lên để cho thấy những vết đòn.
Bốn tuần vừa qua, sinh viên của JNU đã phản đối gay gắt kế hoạch tăng giá phòng cho thuê ở ký túc xá tại trường đại học danh tiếng này.
Dưới mức giá dự kiến mới, sinh viên sẽ phải trả từ 25 đến 50 USD mỗi năm để thuê phòng ở ký túc xá trường. Đây là mức tăng phi mã vì trước đó giá thuê phòng chỉ từ 1,6 đến 3 USD mỗi năm.
Không chỉ vậy, sinh viên cũng sẽ phải trả thêm phí dịch vụ bao gồm tiền điện và phí vệ sinh - những thứ mà họ được dùng miễn phí trước đây.
Nhiều người nói rằng mức giá mới sẽ là rào cản lớn với sinh viên, đặc biệt là những người có hoàn cảnh nghèo khó, và sẽ ảnh hưởng đến vị thế của JNU như một tổ chức có nhiệm vụ cải thiện công bằng xã hội.
JNU từ lâu đã nổi tiếng là trung tâm đào tạo có chất lượng giảng dạy cao và cung cấp giáo dục đại học với giá cả phải chăng so với các trường tư khác, nhờ sự trợ cấp từ chính phủ.
Cựu sinh viên trường thường làm các vị trí cao trong chính quyền, lĩnh vực báo chí, cảnh sát và một loạt các khu vực công, tư khác.
Giáo dục tư nhân ở Ấn Độ vẫn còn quá đắt đỏ cho một bộ phận lớn dân số đất nước, và việc làm trong các tổ chức chính phủ thì rất hạn chế. Vì vậy, JNU đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục sự bất cập này.
"Sự dân chủ hóa tầng lớp thượng lưu có những hậu quả lâu dài với sự phát triển lành mạnh của xã hội Ấn Độ. Vì vậy chúng ta cần thêm những cơ sở như JNU", cựu hiệu phó của trường, tiến sĩ YK Alagh, nhận định.
Sinh viên của JNU đã phản đối trong cả tháng qua về kế hoạch tăng giá thuê phòng ký túc. Ảnh: Reuters. |
Một sinh viên của trường là Ali Javed đã thăm dò 463 sinh viên JNU và cho thấy một bộ phận lớn trong số này (42%) đến từ những gia đình có thu nhập dưới 2.000 USD mỗi năm.
Thêm vào đó, theo báo cáo thường niên năm 2017-18 của JNU, trong số 1.556 sinh viên nhập học, gần 40% thuộc về nhóm thu nhập thấp và trung bình, trong đó thu nhập gia đình dưới 167 USD mỗi tháng.
"Có những sinh viên phải nhịn đói, đi bộ hàng dặm thay vì gọi taxi và đi những đôi giày cũ nát đến trường để tiết kiệm tiền. Nhiều người khác phải làm thêm ca để trả nợ cho gia đình. Liệu chúng ta không thể có một trường đại học nơi sinh viên đến từ các cộng đồng khó khăn có thể theo học hay sao", Javed nói.
Tương lai mịt mù cho sinh viên
Ban giám hiệu JNU nói rằng kế hoạch tăng giá đã có từ lâu, và tiền thuê phòng ký túc xá ở trường đã "không hề thay đổi trong 3 thập kỷ qua".
Gần 8.000 sinh viên theo học tại JNU và 60% trong số đó sống tại ký túc xá của trường.
Trong cuộc biểu tình phản đối đầu tiên, các sinh viên đã tập trung bên ngoài một hội trường để thu hút sự chú ý của bộ trưởng liên bang đang có mặt, nhưng lực lượng an ninh đã sử dụng vòi rồng để giải tán họ.
Mọi thứ tồi tệ hơn vào hôm 18/11, khi cảnh sát phải sử dụng hàng rào và một lượng lớn nhân sự để ngăn cản kế hoạch tuần hành tới tòa nhà quốc hội. Đụng độ giữa cảnh sát và sinh viên đã khiến nhiều người phải nhập viện.
Ông Randhawa, quan chức cảnh sát cấp cao ở New Delhi, cho biết lực lượng an ninh đã "kiềm chế tối đa" và các sinh viên có thể bị thương khi cố gắng dỡ bỏ chướng ngại vật.
JNU, ngôi trường được coi là biểu tượng của tầng lớp chính trị cánh tả, từ lâu đã là trung tâm trong những tranh cãi giữa hai phe. Các sinh viên của JNU thường bị tầng lớp trung lưu và thượng lưu coi là "ký sinh trùng" và ngôi trường bị coi là gánh nặng cho ngân sách.
Những tranh cãi này được cho là sẽ bùng phát trở lại sau cuộc biểu tình mới nhất của sinh viên.
Sinh viên JNU nhận được sự ủng hộ lớn khi chính các giảng viên của trường cũng xuống đường bày tỏ sự ủng hộ với sinh viên. Ảnh: Al Jazeera. |
Tình trạng hỗn loạn ở JNU đang khiến nhiều sinh viên theo học ở đây hết sức hoang mang về tương lai của họ.
Jyoti Kumar đang theo học cao học ngành tiếng Nga tại trường, và thừa nhận rằng nếu kế hoạch tăng giá thuê phòng ký túc xá trở thành sự thực, cô sẽ buộc phải thôi học. Cha cô là một nông dân và ông chỉ kiếm được tối đa khoảng 1.200 USD mỗi năm.
"Cha tôi vẫn chưa thể tiêu hóa được thông tin này. Em gái và em trai tôi cũng muốn học ở JNU, nhưng làm sao họ có thể học ở đây với mức phí này", Kumar chia sẻ.