Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hậu Covid-19 có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, kể cả những bé trước đó mắc bệnh không triệu chứng. Các triệu chứng xuất hiện từ ngày đầu tiên nhiễm nCoV, tồn tại kéo dài hoặc xuất hiện ở giai đoạn sau này.
Từ đầu tháng 2 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) liên tục tiếp nhận trẻ có dấu hiệu hậu Covid-19 từ nhẹ đến nặng. Đa số trẻ nhập viện chưa tiêm vaccine, trong đó có bé diễn biến nặng phải thở máy, lọc máu.
Bác sĩ khám cho trẻ tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
TS.BS Phan Hữu Phúc, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, cho biết trẻ từng mắc bệnh hoặc tiếp xúc người nhiễm SARS-CoV-2, sống trong vùng dịch thường có các biểu hiện hậu Covid-19 sau:
- Sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài.
- Mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc.
- Trẻ bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng, rối loạn giấc ngủ.
- Rối loạn tiêu hóa, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
- Sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp.
Khi trẻ sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, biến chứng tim mạch, sốc,… cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện để bác sĩ khám xem xét trẻ có khả năng mắc hậu Covid-19 hoặc MIS-C.
Bác sĩ Phúc lưu ý biểu hiện về thần kinh là một trong những dấu hiệu của hậu Covid-19 nhưng ít người để ý. Một nghiên cứu trên y văn với hơn 200 bệnh nhân MIS-C cho thấy gần 100 ca bệnh có những biểu hiện về thần kinh như đau đầu, chóng mặt cho đến ngất, đột quỵ, 3% trẻ bị co giật.
Để chẩn đoán MIS-C các bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, đánh giá dấu hiệu sinh tồn, độ bão hòa oxy, dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm ban đầu. Nếu trẻ được phát hiện sớm, điều trị đúng sẽ phục hồi tốt.