Trong nhiều thập kỷ, bà Aung San Suu Kyi đã mắc kẹt trong cuộc chiến pháp lý với người anh trai Aung San Oo - một kỹ sư sống ở Mỹ - về quyền sở hữu căn biệt thự nằm cạnh hồ Inya, ở Yangon. Đối với nhiều người Myanmar, biệt thự này là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ.
Ông San Oo đệ đơn kiện lần đầu vào năm 2000. Kể từ đó, tòa án đã xem xét vụ việc nhiều lần. Các phiên điều trần mới nhất được tiến hành khi bà Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, bị bắt giam.
Ông Aung San Oo nói với Guardian rằng quyết định gần đây của tòa án tối cao Myanmar ở Naypyidaw đã củng cố phán quyết năm 2012, cho rằng ông và bà Aung San Suu Kyi được hưởng phần tài sản bằng nhau.
“Vào năm 2012, (tòa án) tuyên bố nếu chúng tôi không thể đồng ý về cách phân chia cụ thể, việc bán đấu giá (biệt thự) và phân chia số tiền thu được là hợp pháp. Phiên tòa cuối cùng cách đây vài tuần đã xác nhận điều đó”, ông nói.
Song ông Aung San Oo từ chối xác nhận có kế hoạch bán biệt thự hay không, nói rằng đây là một vấn đề riêng tư. Ông không đồng ý đó là một địa điểm có ý nghĩa lịch sử.
Biệt thự của gia đình bà Aung San Suu Kyi ở Yangon, Myanmar. Ảnh: Guardian. |
Biệt thự rộng khoảng 0,8 ha được chính phủ trao cho bà Khin Kyi, mẹ của bà Aung San Suu Kyi, sau khi cha bà bị ám sát vào năm 1947.
Bà Aung San Suu Kyi lần đầu bị quản thúc tại gia vào năm 1989, và ở trong biệt thự 15 năm cho đến năm 2010.
Cựu Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng từng tới biệt thự gặp bà Aung San Suu Kyi. Bà đã không sống trong ngôi nhà kể từ khi được thả vào năm 2012.
Theo ước tính từ luật sư của ông Aung San Oo, biệt thự trị giá 90 triệu USD.
Tuần trước, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Myanmar (NUG), được thành lập bởi các nhà lập pháp dân cử cũng như các nhà hoạt động xã hội dân sự phản đối cuộc chính biến, tuyên bố biệt thự là di sản quốc gia, nhằm ngăn chặn việc bán hoặc phá hủy nó. Tuy nhiên, tuyên bố này không có hiệu lực dưới thời chính quyền quân sự.