Biệt thự chuyên gia, nhà phố bỏ hoang la liệt ở vùng ven Sài Gòn
Thứ sáu, 4/8/2017 11:06 (GMT+7)
11:06 4/8/2017
Theo cơn sốt bất động sản từ 10 năm trước, hàng trăm biệt thự dành cho chuyên gia, nhà phố được xây dựng ào ạt ở Bình Dương nhưng đến nay vẫn hoang vắng, thiếu bóng người.
Không chỉ có Thành phố mới được đầu tư đồng bộ nhưng hoang hóa, Bình Dương còn khu đô thị khác với hàng trăm biệt thự được đầu tư đồng bộ nhưng rơi vào hoang vắng nhiều năm nay là Mỹ Phước ở thị xã Bến Cát. Năm 2007, các khu Mỹ Phước 1,2,3,4 trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dự án đình đám nhất thời điểm đó là Ecolakes Mỹ Phước (xã Thới Hòa, huyện Bến Cát), với diện tích 226 ha, vốn đầu tư đến 620 triệu USD. Theo thiết kế, khu đô thị này xây dựng theo hướng đô thị sinh thái với nhiều hạng mục khác nhau như công viên, hồ cảnh quan, biệt thự cao cấp, nhà phố, bệnh viện, trường học quốc tế…
Trong ảnh là khu biệt thự resort Western thuộc quần thể Khu Công nghiệp - đô thị Mỹ Phước 1 có quy mô 32 ha, với 129 biệt thự cùng hàng loạt các dịch vụ công cộng, giải trí, thương mại hiện đại với hồ điều hoà, sân bóng đá mini, sân tennis có mái che, hồ bơi, quảng trường, các cụm nhà hàng, trung tâm mua sắm...
Dự án do Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương làm chủ đầu tư, đã triển khai từ 10 năm trước và hiện một nửa số biệt thự đã hoàn thiện nhưng chỉ thưa thớt vài căn có người ở.
Tại dự án làng chuyên gia Ruby Land ở khu Mỹ Phước 2, những căn biệt thự được chủ đầu tư xây dựng hướng đến đối tượng khách hàng là những chuyên gia và người nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp lân cận.
Phần lớn biệt thự ở đây đều có diện tích lớn, từ 500 đến gần 3.000 m2, nhưng vắng người ở đang xuống cấp. Các thông tin quảng cáo của chủ đầu tư tại thời điểm xây dựng khoảng 10 năm trước, giá các căn biệt thự này 2,3-8 tỷ đồng.
Cũng như tình trạng ở những nơi khác, một số căn biệt thự sang trọng ở đây được tận dụng để nuôi yến.
Nhiều căn không sử dụng lâu năm bị hư hỏng nặng.
Cỏ mọc um tùm, bờ tường rêu mốc khiến các căn nhà trở nên u ám.
Bên trong, nhiều hạng mục cũng bị hư hỏng dần.
Một cư dân vừa chuyển về đây sinh sống cho biết đã mua được căn biệt thự với giá 1,7 tỷ đồng sau một thời gian dài các biệt thự tại đây giảm mạnh giá bán. Căn hộ diện tích nhỏ nhất được bán với giá 1,7 tỷ đồng, nhưng khách mua phải chi thêm hàng trăm triệu đồng để sửa lại vì nhà xuống cấp.
Nằm trên đường NE4, trong khu Công nghiệp và đô thị Mỹ Phước III (phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát) là khu biệt thự cao cấp Coco Land, được xây dựng từ năm 2008 cũng đang trong cảnh hoang hóa. Khu biệt thự này do Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương làm chủ đầu tư với quy mô 18 ha.
Khu này dự kiến có 271 căn biệt thự bao gồm 164 căn biệt thự đơn lập, 107 biệt thự song lập, thiết kế với 4 mẫu biệt thự đơn lập và 3 mẫu biệt thự song lập cùng nhiều tiện ích khác.
Đối tượng khách hàng của dự án mà chủ đầu tư hướng đến cũng là các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Mỹ Phước và khu vực lân cận. Tuy nhiên 10 năm qua, các căn nhà sang trọng này cũng không có bóng người.
Bên cạnh những lốc nhà đã hoàn thiện, nhiều căn đang xây dựng dở dang và cùng xuống cấp theo thời gian. Nhân viên một công ty môi giới bất động sản tại khu vực này, cho biết chủ các căn nhà ở đây phần lớn đến từ các địa phương khác. Thời điểm mở bán, mỗi căn có giá khoảng 2 tỷ đồng, sau khi thị trường đóng băng, giá giảm mạnh gần phân nửa nhưng rất ít người mua.
Những biệt thự xây dựng dở, loang lỗ gạch tạo thành những dãy nhà "ma".
Bên cạnh khu biệt thự sang trọng, những dãy nhà phố nằm cạnh các tuyến đường được đầu tư hiện đại cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Tổng cộng quanh khu Mỹ Phước có hơn 20 dự án khu dân cư với tổng diện tích 5.299 ha, nhưng rất vắng người qua lại.
Theo thông tin từ các công ty môi giới bất động sản trong khu vực, thời điểm sốt đất năm 2007-2008, nhà phố được thổi lên đến 2,4 tỷ đồng/căn. Hiện tại, tùy theo vị trí, các căn nhà phố ở đây có giá quanh mức 1 tỷ đồng.
Nhà xuống cấp được rao bán, cho thuê nhưng rất hiếm giao dịch.
Anh Hải, ngụ dãy nhà phố đường NA3, phường Chánh Phú Hòa, cho biết khu vực này rất hoang vắng. Anh làm việc ở nhà máy gần đây nên buộc phải mua ở. "Chỉ thời điểm vào và tan ca các khu công nghiệp mới có người chạy xe máy ngang qua, còn từ sáng đến tối luôn trong cảnh đìu hiu", cư dân này chia sẻ.
Theo các chuyên gia bất động sản, chính sự nóng sốt của thị trường khu vực này vào thời điểm 2007-2008 đã khiến nhiều nhà đầu tư định hướng sai.
Thời điểm đó, Thành phố mới Bình Dương được thành lập như một thỏi nam châm hút. Hạ tầng khu vực này cũng được đầu tư rất tốt và được kỳ vọng sẽ thu hút được người dân, các chuyên gia trong và ngoài nước đổ về đây làm việc, sinh sống. Tuy nhiên, Thành phố mới không phát triển như kỳ vọng đã khiến cho rất nhiều dự án lân cận điêu đứng, trong đó có Mỹ Phước.
Các khu đô thị với hàng trăm biệt thư cao cấp, nhà phố nằm trên địa bàn thị xã Bến Cát, Bình Dương, cách TP.HCM hơn 50 km về hướng đông bắc.
Cơ sở hạ tầng hoàn thiện nhưng sau nhiều năm đầu tư, thành phố mới Bình Dương vẫn thưa thớt, những dãy nhà phố, biệt thự khang trang, đường sá hiện đại vắng bóng người ở.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc đánh thuế nước ngọt chưa bao quát đầy đủ về đối tượng chịu thuế, gây hiểu lầm, đồng thời có thể tạo ra tác dụng ngược.