Đội đặc nhiệm Hải quân (SEAL) của Mỹ. (Nguồn: Wikimedia) |
AFP dẫn lời ông George Little nói: "Tôi có thể xác nhận rằng ngày 4/10, quân đội Mỹ đã tham gia một chiến dịch chống khủng bố nhằm vào lực lượng khủng bố Al Shabaab".
Trước đó tờ New York Times đưa tin Đội đặc nhiệm Hải quân (SEAL) của Mỹ đã tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao của nhóm phiến quân Al-Shabaab có quan hệ với Al-Qeada, trong một cuộc đột kích vào biệt thự bên bờ biển của tên này ở Somalia ngày 5/10 để đáp lại vụ tấn công đẫm máu mà nhóm trên đã thực hiện tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Nairobi của Kenya hồi tháng trước.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, mục tiêu trên được cho là đã bị tiêu diệt bởi hỏa lực vào lúc sáng sớm 5/10 sau khi SEAL đổ bộ lên thị trấn Barawe của Somali, song đội biệt kích đã phải rút lui trước khi xác nhận được chính xác mục tiêu là ai. Al Shabaab tuyên bố các nhóm đặc nhiệm của Anh và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện vụ đột kích nhằm vào một trong các căn cứ của nhóm này, song London đã phủ nhận cáo buộc.
Trong khi đó, theo New York Times, đội biệt kích SEAL đã tiếp cận và nổ súng vào biệt thự bên bờ biển của đối tượng mục tiêu không xác định nói trên.
New York Times dẫn lời các nhân chứng nói rằng vụ tấn công kéo dài hơn một giờ và có sự yểm trợ của máy bay trực thăng.
Người phát ngôn của Al Shabaab cho biết một trong các chiến binh của nhóm này đã bị chết trong vụ tấn công song Al Shabaab đã đẩy lui được vụ đột kích. Nguồn tin cảnh sát Somalia cho rằng có bảy tay súng bị tiêu diệt.
Trong một diễn biến khác, trong chiến dịch đột kích tại Libya, Mỹ đã bắt giữ được Anas al Liby - một thủ lĩnh hàng đầu của nhóm khủng bố Al Qaeda bị truy nã vì dính líu tới các vụ đánh bom năm 1998 nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania. Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết chính quyền Libya đã được báo trước về chiến dịch này.
Liby, được cho là 49 tuổi, đã bị kết tội tại Mỹ với cáo buộc dính líu tới các vụ đánh bom nhằm vào đại sứ quán Mỹ tại Đông Phi làm 244 người thiệt mạng. Chính phủ Mỹ đã treo giải thưởng 5 triệu USD để bắt giữ đối tượng này. Nếu được xác nhận, vụ bắt giữ sẽ chính thức khép lại 15 năm truy lùng đối tượng nằm trong danh sách các phần tử khủng bố bị truy nã gắt gao nhất của Cục điều tra liên bang Mỹ.