Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biến chứng nguy hiểm khi phụ nữ mang thai thiếu ngủ

Tình trạng thiếu ngủ có thể khiến phụ nữ mang thai gặp một số biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, huyết áp cao, bệnh tiểu đường, sinh mổ.

Mất ngủ là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là vào những tháng cuối thai kỳ, khi thai nhi phát triển nhanh về kích thước. Tình trạng mất ngủ triền miên sẽ khiến cho mẹ bầu luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó tập trung, căng thẳng, dễ cáu gắt và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Thiếu ngủ ảnh hưởng bà bầu như thế nào?

Tiến sĩ Grace Pien, Trợ lý giáo sư y khoa tại Trung tâm Rối loạn giấc ngủ Johns Hopkins (Mỹ), cho biết khó ngủ là hiện tượng phổ biến khi mang thai.

Đặc biệt, trong 3 tháng cuối thai kỳ, bà bầu có thể khó tìm được tư thế ngủ thoải mái. Ở giai đoạn này, lượng estrogen cao cũng có thể khiến một số phụ nữ bị viêm mũi (sưng tấy mô mũi), có thể liên quan chứng ngáy và ngưng thở khi ngủ.

Không chỉ gây bất tiện, thiếu ngủ còn khiến phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc các biến chứng nguy hiểm bao gồm tiền sản giật, huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ.

Thieu ngu o phu nu mang thai anh 1

Thiếu ngủ khi mang thai có thể khiến bà bầu gặp nhiều nguy hiểm như huyết áp cao, tiền sản giật, sinh mổ. Ảnh: Parade.

Việc mất ngủ khi mang thai có thể ảnh hưởng lớn đến sự thoải mái, kéo dài thời gian chuyển dạ và sinh nở của bà bầu. Những phụ nữ ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày trong thời kỳ mang thai có nguy cơ phải sinh mổ gấp 5 lần. Ngoài ra, nếu sinh tự nhiên, họ dễ gặp biến chứng cao và thời gian sinh cũng lâu hơn.

Ngoài ra, ngủ kém ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi. Thai nhi đang phát triển cần nguồn cung cấp chất dinh dưỡng đáng tin cậy, bao gồm cả oxy. Khi giấc ngủ của bà bầu bị gián đoạn, đặc biệt là khiến lưu lượng máu đến nhau thai bị tổn hại, điều này có thể gây ra những hậu quả đáng kể.

Bà bầu ngủ không sâu hoặc đủ giấc có thể làm giảm lượng hormone tăng trưởng được tiết ra, dẫn đến các vấn đề về phát triển hoặc tăng trưởng ở thai nhi. Ngay cả sự suy giảm nhỏ nồng độ oxy ở người mẹ cũng có thể gây nguy hiểm cho con. Khi lượng oxy trong máu của người mẹ giảm xuống, thai nhi sẽ phản ứng với sự giảm tốc độ của nhịp tim và nhiễm toan.

Đặc biệt, lưu lượng máu đến thai nhi đạt đỉnh điểm trong khi ngủ, và nồng độ oxy giảm xuống trong khi ngủ do ngưng thở khi ngủ sẽ có tác động lớn.

Nguyên nhân khiến bà bầu bị mất ngủ

Bụng ngày càng to, gây áp lực lên cơ hoành, tăng tần suất đi tiểu, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và hội chứng chân không yên (RLS) là một số nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai bị mất ngủ.

Theo Medical News Today, mức độ hormone progesterone cao trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây buồn ngủ và khiến bà bầu ngủ nhiều hơn vào ban ngày, ngủ ít đi vào ban đêm. Ngoài những thay đổi về nội tiết tố, các yếu tố có thể làm cho chứng mất ngủ trở nên tồi tệ hơn bao gồm: Đói, buồn nôn, lo lắng hoặc trầm cảm, khó chịu về thể chất, đi vệ sinh thường xuyên.

Những thay đổi có thể bắt đầu sớm nhất là trong 3 tháng thai kỳ đầu tiên, khi phụ nữ cảm thấy buồn ngủ hơn bình thường do sự tăng đột biến của progesterone, loại hormone được tạo ra bởi buồng trứng và nhau thai trong thai kỳ.

Thieu ngu o phu nu mang thai anh 2

Ánh sáng xanh từ những thiết bị điện tử có thể tác động xấu nhịp sinh học, khiến bà bầu khó ngủ. Ảnh: Babycenter.

Các nguyên nhân khác ít rõ ràng hơn bao gồm khó thở, ngưng thở khi ngủ. Vấn đề về thở khi ngủ vào thời kỳ cuối tam cá nguyệt thứ hai và 3 tháng cuối thai kỳ thường phổ biến hơn.

Sự mất cân bằng nội tiết tố khi mang thai có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng, khiến người mẹ thay đổi cảm xúc nhanh chóng, dễ bị căng thẳng do mang thai. Điều này được biết là có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thiếu ngủ khi mang thai.

Cùng với sự phát triển của thai nhi, sự mất cân bằng nội tiết cũng khiến bà bầu gặp áp lực về thể chất, dẫn đến đau khớp và lưng dưới, mệt mỏi, đau đầu. Những nguyên nhân này có thể làm gián đoạn giấc ngủ.

Hội chứng chân không yên (RLS), cảm giác muốn di chuyển chân không kiểm soát được khi nghỉ ngơi, thường xảy ra ở người lớn tuổi. Nhưng đó cũng là một trong những lý do phổ biến nhất gây mất ngủ khi mang thai.

RLS thường xảy ra vào buổi tối trong khi ngủ. Căn bệnh này liên quan vấn đề thiếu máu, thường gặp ở phụ nữ mang thai. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc bổ sung vitamin và dưỡng chất trước khi sinh, chẳng hạn axit folic và sắt, để kiểm soát tình trạng thiếu máu.

Ngoài ra, chuột rút ở chân là hiện tượng khá phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt là vào ban đêm. Khi gặp phải tình trạng này, bạn nên nâng cao chân nhiều nhất có thể trong ngày khi ngồi. Ngoài ra, bạn nên tự massage hoặc nhờ chồng massage bắp chân để có thể giảm chuột rút, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Cách kiểm soát chứng mất ngủ khi mang thai

Theo Healthline, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để kiểm soát chứng mất ngủ khi mang thai là thiết lập thói quen ngủ tốt. Bắt đầu bằng cách cố gắng đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm.

Bà bầu nên tránh sử dụng điện thoại, máy tính hay xem tivi ít nhất một giờ trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh từ những thiết bị điện tử này có thể tác động xấu nhịp sinh học của cơ thể.

Trước khi đi ngủ, phụ nữ mang thai có thể thực hiện một vài biện pháp để thư giãn, dễ ngủ hơn như đọc sách, tắm nhẹ nhàng (không nên dùng nước quá nóng). Sữa ấm là chất thư giãn hiệu quả, vì vậy, bà bầu nên uống một ly sữa ấm vào ban đêm để dễ ngủ.

Nếu chứng mất ngủ ảnh hưởng khả năng hoạt động của bà bầu, bác sĩ có thể kê thuốc an thần an toàn để dùng trong thai kỳ.

Dấu hiệu bất thường ở phụ nữ mang thai mắc Covid-19

Khi mắc Covid-19, phụ nữ mang thai cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, thư giãn. Nếu cảm thấy khó thở, chỉ số SpO2 ≤95%, F0 cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm