Covid-19 phần lớn đã được kiểm soát ở Trung Quốc trong nhiều tháng, cho đến khi một số công nhân tại sân bay Nam Kinh có kết quả xét nghiệm dương tính vào tháng ngày 20/7, theo South China Morning Post.
Chưa đầy ba tuần sau, đợt bùng phát do biến chủng Delta gây ra đã lan ra ít nhất 17 tỉnh.
Dù số ca mắc tương đối thấp - khoảng 700 ca nhiễm cho đến nay kể từ ngày 20/7 - các cơ quan y tế đang cảnh giác cao độ, coi đây là thách thức lớn nhất của họ kể từ khi dịch bệnh ở Vũ Hán được kiểm soát cách đây hơn một năm.
Trung Quốc vẫn dùng chiến lược kiểm soát không khoan nhượng. Các nhà chức trách cố gắng kiềm chế sự gia tăng số ca mắc mới bằng cách cách ly người nhập cảnh, xét nghiệm hàng loạt, theo dõi liên lạc chặt chẽ, phong tỏa, hạn chế đi lại và các biện pháp khác.
Tuy nhiên, đợt bùng phát mới nhất cũng đã khiến hy vọng về việc mở cửa hoàn toàn biên giới của Trung Quốc tiếp tục bị trì hoãn.
Một số chuyên gia y tế công cộng đang đặt vấn đề về việc liệu rằng Trung Quốc có nên nới lỏng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và học cách “sống chung với virus” hay không.
Biến chủng Delta thách thức chiến lược "không khoan nhượng"
Biến chủng Delta đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ mô tả là dễ lây lan như virus gây bệnh như bệnh thủy đậu.
He Qinghua, một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã nói về “các biện pháp ngăn chặn quy mô lớn”, “ngăn chặn nghiêm ngặt” và “ngăn chặn nhanh” để kiềm chế đợt bùng phát mới nhất. Ông cho biết chiến lược đang đang giúp kiềm chế hơn 30 ổ dịch ở Trung Quốc và sẽ tiếp tục cho thấy hiệu quả.
Một điểm tiêm chủng Covid-19 ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 30/3. Ảnh: China Daily. |
Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cho rằng với mức độ lây lan của biến chủng Delta, chiến lược này có thể sẽ chịu nhiều áp lực.
“Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi một người bị nhiễm virus đến khi người đó có thể phát tán virus và lây cho người khác) của biến chủng Delta ngắn hơn ít nhất 1 ngày. Vậy, các cơ quan chức năng sẽ làm gì để kịp thời truy vết và theo dõi, khi mà chỉ có 3 ngày ủ bệnh, thay vì 5 ngày như trước đây?”, George Rutherford, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California, San Francisco, nói.
Với sự lây lan nhanh chóng của Delta, các chuyên gia đã đặt ra nghi vấn về việc liệu chính sách không khoan nhượng có thực sự là giải pháp lâu dài ở Trung Quốc hay không.
Ông Trương Văn Hồng, trưởng khoa truyền nhiễm tại bệnh viện Hoa Sơn, viết trong một bài đăng trên Weibo rằng đợt bùng phát mới nhất cho thấy Covid-19 sẽ luôn là nguy cơ, và điều “khôn ngoan” lúc này là “sống chung với virus trong thời gian dài”.
Đó là điều mà các quốc gia khác đang bắt đầu làm và Trung Quốc có thể phải làm theo, theo Nicholas Thomas, phó giáo sư về an ninh y tế tại Đại học Thành phố Hongkong.
Ông nói: “Chi phí cho chính sách phong tỏa đang tăng lên cùng với phí tổn thất về cơ hội. Trong vòng 6 đến 12 tháng tới, trừ khi có một biến chủng đáng lo ngại hơn xuất hiện, cái giá đó sẽ không bền vững đối với Trung Quốc”.
Một số quốc gia đang chọn cách không kiềm chế số ca bệnh mới mà chỉ cố giảm số ca bệnh nặng và tử vong.
Singapore là một trong số đó. Hồi tháng 6, nước này đã chuyển từ “chính sách không ca bệnh” sang xem Covid-19 là bệnh dịch đặc hữu, như cúm hoặc thủy đậu, sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng (dự kiến trong tháng 8).
Anh - quốc gia từng có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới - đã bắt đầu nới lỏng hầu hết hạn chế, bao gồm cả quy định về khẩu trang, vào giữa tháng 7, bất chấp số ca mắc mới đang tăng đột biến.
Khoảng 73% dân số trưởng thành của đất nước đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong tuần từ ngày 1/8 đến ngày 7/8, nước này đã có hơn 188.000 ca bệnh mới, nhưng số ca tử vong tương đối thấp, với chỉ 627 người.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: China Out. |
Chuyên gia Rutherford từ Đại học California, San Francisco, cho biết mục tiêu quan trọng là “giảm thiểu tử vong và nhập viện, điều có thể thực hiện được thông qua vaccine”.
“Để đạt được điều này, chúng ta sẽ phải chấp nhận để số ca nhiễm tăng lên. Biến chủng Delta làm cho kế hoạch khó khăn hơn, nhưng chúng tôi đang cố gắng đối phó với nó thông qua các biện pháp can thiệp cấp thấp hơn, như đeo khẩu trang”, ông nói.
"Chưa nhất thiết phải sống chung với virus"
Nhà dịch tễ học người New Zealand Michael Baker, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago, cho biết nhiều quốc gia đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát sau khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao. Chẳng hạn, Anh, Mỹ, Israel và một số nước châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về số ca bệnh, nhưng vaccine đã có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong.
“Những nước này đều có cơ sở hạ tầng và năng lực y tế tốt, giúp giảm bớt tác động của số ca bệnh gia tăng”, Baker nói. “Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, sẽ là liều lĩnh nếu để cho loại virus này lây lan rộng rãi trước khi một quốc gia đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao”.
Ở Trung Quốc, cứ 1 triệu người, thì chỉ có 32 giường chăm sóc đặc biệt. Trong khi ở Mỹ, số giường đó là 270 và ở Đức là 246.
Ông Baker cũng lưu ý rằng biến chủng Delta đang tạo thêm áp lực cho các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đồng thời khiến kế hoạch mở cửa trở lại bị trì hoãn ở nhiều quốc gia và khu vực, dù tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao.
Bảo vệ tại một ga đường sắt ở Bắc Kinh dùng điện thoại quét mặt của người dân để kiểm tra tình trạng sức khỏe, ngày 6/8. Ảnh: Reuters. |
Australia đã nói rằng họ sẽ chỉ xem xét việc mở cửa biên giới khi 80% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, New Zealand đang đặt vấn đề về việc có nên mở cửa lại biên giới hay không, và mở lại như thế nào trong tuần này.
Ông Baker nói: “Một số người, bao gồm bản thân tôi, nghĩ rằng chúng ta chưa nhất thiết phải ‘học cách sống chung với Covid-19’ cho đến khi chúng ta biết thêm về ảnh hưởng lâu dài của loại virus này đối với sức khỏe con người”.
Tại Trung Quốc, ông Phùng Tử Kiến (Feng Zijian), Chủ tịch Hiệp hội Y tế Dự phòng Trung Quốc, nói với tạp chí China Newsweek vào tuần trước rằng nước này sẽ cần duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ở biên giới cho đến khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, khoảng 1,77 tỷ liều vaccine đã được triển khai tính đến ngày 7/8 tại quốc gia 1,4 tỷ người này.
Ông Phùng nói rằng Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh các biện pháp kiểm soát khi có thêm nhiều người được tiêm chủng. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng rất khó để đánh giá tác động của việc tiêm chủng hàng loạt, do số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc hiện tại khá thấp. Ông cũng cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ cần phải chuẩn bị cho việc thay đổi các biện pháp nhằm tránh việc bệnh viện trở nên quá tải.