Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố thông tin về việc thay đổi nhân sự lãnh đạo ở ngân hàng này. Theo đó, ngay sau khi có thông tin khởi tố ông Trần Bắc Hà và ông Trần Lục Lang, HĐQT BIDV đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc ngân hàng này đối với ông Trần Lục Lang.
Ông Lang, sinh năm 1967 tại Bình Định, cùng quê với ông Trần Bắc Hà.
Trước khi bị bắt, tại ngân hàng BIDV, ông Lang giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách quản trị rủi ro.
Được xem là cánh tay phải của ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV), ông Trần Lục Lang không chỉ giữ vị trí Phó tổng giám đốc nhà băng mà còn là lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp khác.
Sau khi bị khởi tố, ông Trần Lục Lang bị BIDV miễn nhiệm |
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm nay ghi nhận ông Lang còn nắm giữ 267.981 cổ phiếu BIDV, tương đương giá trị vốn hóa tính đến 28/11 gần 8,5 tỷ đồng.
Theo thông tin giới thiệu của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), ông Trần Lục Lang vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty, là người đại diện phần vốn của BIDV tại doanh nghiệp này. Ông Trần Lục Lang tham gia Hội đồng Quản trị BIC từ ngày 15/7/2016 và được Bộ Tài chính chấp thuận giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIC theo Văn bản số 11248/BTC-QLBH ngày 11/8/2016. Hiện tại, ông Lang không nắm giữ cổ phiếu nào của BIC.
Trước khi giữ vị trí cao nhất tại BIC, ông Lang từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại BIDV. Cụ thể, ông Lang bắt đầu làm việc tại BIDV từ năm 1991. Tháng 1/2002, ông làm Phó giám đốc BIDV chi nhánh Bình Định. Tháng 10/2006, ông làm Giám đốc BIDV chi nhánh Phú Tài. Tháng 6/2011, ông được bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc BIDV.
Không chỉ giữ vai trò điều hành của BIDV trong nước, ông Lang còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB) với vốn điều lệ 100 triệu USD tính đến cuối 2015.
Ông Lang còn là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Sen Vàng (trụ sở tại tỉnh Đồng Tháp).
Ngày 29/11, Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bắt giam ông Trần Lục Lang cùng với ông Trần Bắc Hà, và một số cộng sự khác của nhà băng này.
Ngay sau đó, BIDV đã phát đi thông báo khẳng định, các vấn đề liên quan vi phạm của các cá nhân nêu trên xảy ra trước đây đã được BIDV chủ động báo cáo cơ quan chức năng xử lý, hỗ trợ làm việc với doanh nghiệp để thu hồi nợ cho ngân hàng
Đại diện ngân hàng này cũng lên tiếng khẳng định hoạt động của toàn hệ thống không bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin trên. BIDV sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cùng quan điểm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng những sai phạm này đã xảy ra từ những năm trước đây và NHNN đã chỉ đạo BIDV khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục. Thời gian qua, BIDV đã triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ để xử lý, thu hồi nợ cho ngân hàng theo quy định của pháp luật.
"Hiện, BIDV là một trong những ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam. Do các cá nhân trên đã nghỉ hưu, không còn nắm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại BIDV nên vụ việc này không ảnh hưởng đến hoạt động của BIDV. Mọi hoạt động của BIDV đều bình thường, thanh khoản ổn định, mọi quyền lợi của khách hàng, người gửi tiền được bảo đảm", đại diện NHNN cho biết.