Bia không say thực chất là loại bia chứa một lượng cồn rất nhỏ, không gây ra hiện tượng mất nước và tạo cảm giác say cho người sử dụng. Nồng độ cồn trong các loại bia không say thường chỉ dưới 3% theo tiêu chuẩn Úc và 0,5% theo tiêu chuẩn của châu Âu. Thậm chí, tại một số quốc gia Ả-rập, mức tiêu chuẩn của nồng độ cồn yêu cầu phải dưới 0,05%. Hiện nay, Trung Đông trở thành thị trường lớn nhất cho các hãng sản xuất bia không cồn, do khu vực này tiêu thụ tới một phần ba sản lượng đồ uống này trên thế giới.
Bia không say "Made in Viet Nam" vừa ra mắt. Ảnh: Báo Giao thông Vận tải |
Loại bia không cồn cổ xưa nhất được cho là xuất hiện từ thời trung cổ, khi hệ thống y tế và nước sạch không được đảm bảo, và bia không gây say được xem là lựa chọn ít rủi ro hơn so với nước. Thời đó, nước ít khi được xử lý, dễ dàng bị nhiễm khuẩn từ phân hoặc ký sinh trùng trong đất. Người dân ưa thích uống một loại đồ uống được sản xuất giống bia, bằng cách đun sôi kỹ, lên men hoặc tích lại bằng phương thức thẩm thấu ngược, nhưng lại ít tốn kém hơn bia bởi không cần chất cồn, đồng thời không gây tác hại ngoài mong muốn. Đây cũng là loại đồ uống được ưa dùng với những người làm công việc lái xe đường dài, xuất phát từ chính tính chất không gây say của nó.
Tuy nhiên, bia không cồn bắt đầu trở thành loại đồ uống phổ biến tại các nước phát triển trong thời kỳ hiện đại, nhờ lệnh cấm rượu bia tại Mỹ. Năm 1919, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Wilson đã đề xuất và đưa vào hiến pháp luật cấm sản xuất, vận chuyển rượu và hạn chế nồng độ cồn trong đồ uống ở mức dưới 0,5%. Các loại đồ uống đáp ứng tiêu chuẩn này được xem là thuốc bổ, và nhà máy bia được khuyến khích sản xuất nhằm hạn chế nạn buôn bán rượu bia lậu lan tràn vào thời kỳ đó.
Đến năm 1933, sau hàng loạt chỉ trích về nạn buôn bán rượu lậu và những tổn thất đối với ngân sách, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã bãi bỏ lệnh cấm trên. Tuy vậy, bia không cồn đã tạo ra chỗ đứng vững chắc trên thị trường Mỹ, bên cạnh các loại bia nhẹ ra đời ngay sau thời gian cấm đoán này.
Bia ít hoặc không cồn thường không được đón nhận với những người ưa thích vị bia truyền thống, vì chúng nhạt hơn, và không kích thích cảm giác uống thêm. |
Giống như các loại bia truyền thống, bia không say cũng được sản xuất qua quy trình lên men và chưng cất. Các bước sản xuất vẫn tuân theo quy trình cho nảy mầm hạt lúa mạch, xay nhỏ, nấu bia, thêm hoa bia (Hopfen), lên men, và cuối cùng là loại bỏ cồn khỏi bia sau khi đã để lắng và lọc sạch cặn. Thông thường, cồn được tách nhờ phương pháp chưng cất khá đơn giản, do nhiệt độ sôi của cồn thấp hơn nhiều so với nước, sau đó lượng bia này sẽ được đóng chai và đưa đi sử dụng.
Theo khá nhiều người từng sử dụng các loại bia không cồn, bia chay của Đức, bia nhẹ của Ý được bán khá nhiều tại các siêu thị Việt, bia uống không say thường có vị nhạt hơn nhiều so với bia truyền thống, dù quá trình sản xuất được cho là chỉ loại bỏ cồn - một chất không màu, không vị. Thực tế, quá trình chưng cất dùng nhiệt đã khiến mùi vị bia thay đổi, do các thành phần bị phân tách nhiều hơn so với sản xuất bia thông thường. Ngoài ra, cồn tạo cảm giác nóng, khô lưỡi và gây ra hiện tượng mất nước trong cơ thể, nên người uống bia truyền thống thường phải uống nhiều để giảm bớt cảm giác khó chịu này, ngược lại với bia không say. Đó là nguyên nhân khiến bia không say trở nên "không ngon", "không đưa mồi", và chưa phổ biến tại Việt Nam.
Thực tế, trước khi bia không say của công ty bia Sài Gòn -Bình Tây ra đời, một ông lớn thực phẩm tại Việt Nam là Vinamilk cũng đã cho ra đời bia ZoRok - thương hiệu liên doanh với tập đoàn SABmiller - đại gia sản xuất bia thứ hai thế giới, vào năm 2007. Khi đó, loại bia này được xem là đồ uống dành cho phụ nữ với nồng độ cồn rất thấp. Tuy nhiên, sự mới mẻ của loại đồ uống trên cùng kênh phân phối theo kiểu "đại lý sữa" đã khiến ZoRok biến mất chỉ sau 2 năm ra đời.