Tại Mỹ, người ta từng rất tò mò vì sao hãng Grupo Modelo đại thành công với dòng bia Mexico có tên Corona chỉ nhờ đặt một miếng chanh lên miệng chai. Lý do rất đơn giản: Khi khách hàng nhìn thấy ai đó uống bia với một lát chanh, họ sẽ phản ứng: “Đó là cái gì, tôi có thể thử được không?” Bia Corona tạo ra điểm nhấn nhờ chi tiết đó. Nếu bạn rót bia vào một chiếc cốc và uống, chẳng ai biết bạn đang uống bia từ thương hiệu nào.
Đó gọi là cách sử dụng "tín hiệu sản phẩm" (product signalling).
Bia Corona với chanh tạo ra sự tò mò thích thú với người uống. Ảnh: Beach. |
Cổ phiếu Apple giảm 25% từ tháng 5/2015, từ khi các nhà phân tích tại phố Wall dự đoán doanh số iPhone sẽ sụt giảm. Thậm chí, nhiều người tin rằng sức bán iPhone vẫn tiếp tục giảm ngay cả khi hãng ra mắt iPhone 7 năm nay.
iPhone 7 không được tín nhiệm cao một phần bởi người ta cho rằng những cải tiến trên model này không ngoạn mục.
Nếu ai đó đánh giá thấp Apple thì có thể họ sẽ sai lầm bởi Apple chắc chắn sẽ giở ngón đòn họ thành thạo nhất: Tín hiệu sản phẩm.
Tín hiệu sản phẩm có thể đến từ 3 thay đổi lớn trên iPhone 7: Thiết kế phi kim loại, tai nghe không dây và loại bỏ nút Home cứng.
Không một thay đổi nào trong nhóm trên được xem là mới hoặc cách mạng. Tuy nhiên, nó đủ để khiến iPhone 7 tỏa sáng trên sân khấu qua những lời hoa mĩ của Tim Cook hay Phil Schiller. Quan trọng hơn, nó khiến những chiếc iPhone đời cũ hơn trở thành lỗi thời.
Ví dụ tiêu biểu nhất về sức mạnh của “tín hiệu sản phẩm” là màn ra mắt iPod. Khi sản phẩm này ra mắt, nó sử dụng tai nghe và dây màu trắng – một điểm bất thường. Ở thời điểm đó, tất cả tai nghe đều có màu đen. Tai nghe và dây màu trắng trên iPod gây chú ý với tất cả mọi người, “này, tôi có một chiếc iPod”. Sở hữu tai nghe màu trắng giống như việc bạn tuyên bố gia nhập vào câu lạc bộ những người dùng iPod. Không có tai nghe trắng đồng nghĩa: “Tôi không có một chiếc iPod. Tôi sử dụng máy nghe nhạc của một thương hiệu kém tên tuổi khác”.
Những thông điệp quảng cáo với tai nghe, dây đeo màu trắng trên iPod phát huy tác dụng lớn trong việc tác động đến giới trẻ. Ảnh: Apple. |
Bạn có thể tưởng tượng cách những người dùng trẻ phản ứng với hiện tượng này. Không ai muốn sở hữu một chiếc Walkman khi xung quanh họ toàn là iPod. Tai nghe màu trắng của iPod giống như một tín hiệu để phân biệt đẳng cấp người nghe nhạc trước đây.
Tương tự như vậy là cách Apple ra mắt iPhone 5S màu vàng năm 2013. Nó thật ra chẳng khác biệt gì so với bản màu xám hay trắng nhưng vẫn tạo ra làn sóng mua sắm mới, đơn giản vì người ta dễ dàng nhận ra nó là iPhone 5S hơn so với các màu khác.
Tai nghe không dây và màn hình không nút Home sẽ tạo ra những sự tò mò mới. Khi một ai đó ngồi trên bàn ăn, đặt chiếc điện thoại trước mặt họ. Nếu nó là một chiếc iPhone không nút bấm, người ta sẽ tò mò hỏi xem nó hoạt động ra so. Nếu nó không dùng vỏ kim loại, người ta muốn biết cảm giác cầm nó thế nào. Và nếu bạn nghe nhạc không dây, người ta muốn biết âm thanh nó ra sao?
Một vài khác biệt nhỏ về thiết kế trên iPhone 7 có thể khiến Apple đập tan mọi nghi ngờ về sự thống trị của họ và tạo ra doanh số bùng nổ cho iPhone 7. Hãy cứ tin như vậy.