Theo CNBC, Trung Quốc là quê hương của hơn 50% cơ sở đào Bitcoin trên thế giới. Thống kê cho thấy 65-75% hoạt động khai thác trên thế giới diễn ra ở Trung Quốc, chủ yếu tại 4 tỉnh Tân Cương, Nội Mông, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Phần lớn nguồn năng lượng của Tứ Xuyên và Vân Nam đến từ thủy điện, trong khi đó Tân Cương và Nội Mông chủ yếu tiêu thụ năng lượng từ các nhà máy điện chạy than.
Hồi tháng 5, chính quyền Trung Quốc ra lệnh trấn áp hoạt động đào Bitcoin trên toàn quốc. Ngay sau đó, các cơ sở đào Bitcoin tại Nội Mông đồng loạt đóng cửa.
Các chuyên gia theo dõi quá trình "di cư" của các cơ sở đào Bitcoin Trung Quốc thông qua "tỷ lệ băm" (hashrate). Đây là thuật ngữ mô tả sức mạnh vi tính của mọi cơ sở đào trong mạng lưới Bitcoin.
“Tỷ lệ băm đang giảm, có vẻ như các cơ sở đào Bitcoin trên toàn Trung Quốc đang ngừng hoạt động”, CNBC dẫn lời chuyên gia Nic Carter - nhà sáng lập hãng đầu tư blockchain Castle Island Ventures - nhận định.
Ông cho rằng khoảng 50-60% toàn bộ tỷ lệ băm sẽ rời khỏi Trung Quốc.
Các mỏ khai thác Bitcoin ở Trung Quốc đang đóng cửa. Ảnh: Bloomberg. |
“Chúng tôi không muốn đối mặt với việc Trung Quốc mỗi năm lại ra một lệnh cấm mới. Vì vậy, chúng tôi đang cố đa dạng hóa khả năng khai thác trên toàn cầu. Đó là lý do vì sao chúng tôi chuyển tới Mỹ và Canada”, ông De La Torre - phó chủ tịch Poolin, công ty khai thác có trụ sở tại Hong Kong - giải thích.
“Các nhóm khai thác ở Trung Quốc đang hướng đến Trung Á, Đông Âu, Mỹ và Bắc Âu”, ông Carter nói. Kazakhstan có thể là điểm dừng chân lý tưởng. Các mỏ than tại đây cung cấp nguồn năng lượng dồi dào với giá rẻ. Các quy định về xây dựng của Kazakhstan cũng khá lỏng lẻo.
Texas (Mỹ) cũng được các chuyên gia tiền mã hóa đánh giá là địa điểm phù hợp. Texas nổi tiếng với giá điện rẻ vào loại nhất thế giới. Khoảng 20% điện lượng Texas năm 2019 được tạo ra từ gió.
"Việc thành lập một công ty khai thác ở Texas cũng rất dễ dàng. Với 30-40 triệu USD, bạn có thể xây dựng một công ty khai thác hàng đầu ở Mỹ”, cựu kỹ sư bảo mật Brandon Arvanaghi thuộc sàn giao dịch Gemini cho biết.
Đặc biệt, chính quyền bang Texas cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với tiền mã hóa “Thống đốc Texas Greg Abbott ủng hộ khai thác tiền mã hóa. Không lâu nữa, khai thác tiền mã hóa sẽ trở thành ngành công nghiệp thực thụ ở Mỹ”, ông Arvanaghi nhận định.
Dù vậy, các công ty đào tiền mã hóa cũng đối mặt với một vài hạn chế khi hoạt động ở Mỹ. Tiến độ xây dựng tại Mỹ có thể không nhanh chóng như các quốc gia khác. Thời gian để xây dựng hạ tầng khai thác có thể lên tới 6-9 tháng.
Ngoài ra, "sức khỏe" của mạng lưới điện Texas cũng là câu hỏi lớn. Hồi đầu năm, hệ thống điện Texas từng tê liệt vì bão tuyết.