Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Bí thư TP.HCM: TP lớn mà ngập, kẹt xe thì nhà đầu tư rất ngần ngại

"Nếu không có niềm tin, vào thành phố mà kẹt xe và ngập nước ngày một trầm trọng thì nhà đầu tư sẽ rất ngần ngại", Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với Zing.vn.

"Ba năm gần đây, tình trạng ùn tắc không được cải thiện nhiều, ngập nước vẫn còn. Nhà đầu tư biết hết, nhưng họ tin tưởng vào lộ trình, chiến lược mà thành phố đưa ra nên vẫn vào", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với Zing.vn.

Dành thời gian trong những ngày bận rộn dịp Tết Nguyên đán để trò chuyện với Zing.vn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ về nhiều vấn đề nóng bỏng của thành phố, những điểm nghẽn cũng như hướng đi để tìm sự phát triển trong giai đoạn tới.

Ông nhấn mạnh quan điểm TP.HCM luôn cùng cả nước, vì cả nước và mong muốn đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển chung của đất nước.

- Thưa ông, cuối năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào với thành phố trong 2 năm qua?

- Nghị quyết 54 của Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 và có giá trị 5 năm. Đến nay là 2 năm áp dụng, dù chưa được một nửa thời gian đã cho thấy những tác dụng rất quan trọng với sự phát triển của TP.HCM.

TP.HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số bằng hơn 9% song đóng góp khoảng 23% quy mô kinh tế Việt Nam, và vì thế, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Với tốc độ tăng trưởng trên 8% mỗi năm - cao hơn cả nước - thì mức độ gia tăng về hoạt động kinh tế (vận tải hàng hoá, con người, giao dịch thương mại, tài chính, dịch vụ…) và năng lực hạ tầng rất lớn.

Do đó, TP đòi hỏi nhiều vấn đề phải quyết nhanh, nếu theo quy trình bình thường phải xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội thì rất lâu.

Với Nghị quyết 54, TP.HCM được quyền tự chủ quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội. Ví dụ, phê duyệt các dự án đầu tư nhóm A, phân chia ngân sách cho các nhu cầu khác nhau, hay chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên 10 ha… thành phố được tự quyết.

Nghị quyết 54 cũng cho phép người đứng đầu UBND TP và quận, huyện được ủy quyền cho cấp dưới. Với dân số gần 10 triệu, TP.HCM có 11 quận, huyện với dân số từ gần 500.000 người trở lên, vì thế Chủ tịch UBND thành phố và quận, huyện phải giải quyết các yêu cầu về thủ tục hành chính và quản lý kinh tế, xã hội có quy mô gấp 5-10 lần của một tỉnh hoặc một huyện bình quân cả nước.

Chủ tịch UBND thành phố được ủy quyền cho chủ tịch quận, huyện, giám đốc các sở, hoặc UBND thành phố có thể ủy quyền cho UBND quận, huyện giải quyết một số việc thuộc thẩm quyền của mình. Điều này giúp công việc nhanh hơn.

Bí thư TP.HCM: 'Gia đình suy thoái thì đất nước không có tương lai' "Sự phát triển của một quốc gia không chỉ được đo bằng tổng sản phẩm nội địa trên đầu người mà còn phải đánh giá qua hạnh phúc của người dân", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố và UBND thành phố đã ủy quyền 85 loại công việc cho các giám đốc sở, chủ tịch UBND quận, huyện và UBND quận, huyện.

Về năng suất lao động, đến nay, TP.HCM cao gấp 2,9 lần cả nước. Đội ngũ công chức làm việc với năng suất gấp hơn 2,4 lần công chức cả nước nhưng thu nhập không cao hơn. Vì thế, Quốc hội cho phép có thu nhập tăng thêm nếu hoạt động hiệu quả, đạt chỉ tiêu đề ra nhằm động viên công chức, viên chức.

Nếu không có chính sách này thì những năm qua, thành phố không vượt qua được nhiều thách thức như vậy. Nói như vậy để thấy, Nghị quyết 54 tuy mới 2 năm nhưng nếu không có nó, thành phố không phát triển được như hôm nay.

TP.HCM de xuat tang ty le giu lai ngan sach anh 1

- Để nói rõ hơn về những kết quả của TP.HCM trong phát triển kinh tế, xã hội kể từ khi có Nghị quyết 54, ông muốn nhắc đến những điều gì?

- Về tăng trưởng, hai năm qua TP.HCM tiếp tục xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017 kinh tế tăng trưởng 8,25%, 2018 là 8,3% và năm 2019 là 8,32% - cao hơn tốc độ bình quân cả nước (7,02%). Tỷ trọng đóng góp vào kinh tế cả nước của thành phố vì thế tiếp tục tăng, khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế.

Năng suất lao động của thành phố cũng tiếp tục tăng, bình quân 5 năm qua tăng 6,5%/năm, trong khi cả nước là 6,2%/năm.

Chỉ tiêu thu ngân sách được giao năm 2019 là 399.125 tỷ nhưng thành phố đã vượt 2,7%, đạt 409.920 tỷ, tức là mỗi ngày thành phố thu ngân sách 1.600 tỷ. Thu ngân sách của TP.HCM năm 2019 lớn hơn tổng thu ngân sách của 53 tỉnh và thành phố có mức thu thấp nhất trở lên.

Trên cơ sở tự chủ cao hơn, công chức làm việc tích cực hơn thì thu hút đầu tư nước ngoài cũng phát triển vượt bậc. Trong nhiệm kỳ này, thu hút đầu tư nước ngoài gấp đôi nhiệm kỳ trước. Năm 2015 có 4,1 tỷ USD đầu tư nước ngoài, nhưng đến 2019 đã đạt 8,3 tỷ USD. Số dự án đầu tư nước ngoài năm 2019 là 1.620, hơn gấp đôi so với 606 dự án của năm 2015.

Điều đó cho thấy môi trường đầu tư được cải thiện, và quan trọng là TP.HCM xây dựng được các chiến lược phát triển dài hạn về kinh tế, nhân lực, hạ tầng, quản lý đô thị, văn hoá… nên mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực ra, 3 năm gần đây, tình trạng ùn tắc không được cải thiện nhiều, ngập nước vẫn còn. Nhà đầu tư biết hết, nhưng họ tin tưởng vào lộ trình, chiến lược mà thành phố đưa ra nên vẫn vào. Nếu không có niềm tin, vào thành phố mà kẹt xe và ngập nước ngày một trầm trọng thì nhà đầu tư sẽ rất ngần ngại.

Thành phố luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập. Dân số TP.HCM chiếm hơn 9% cả nước, diện tích chỉ chiếm 0,6% nhưng số doanh nghiệp thành phố chiếm 1/3 cả nước. Năm vừa rồi có 44.000 doanh nghiệp mới được thành lập, tương đương 120 doanh nghiệp mới mỗi ngày, trong khi bình quân ở 62 tỉnh, thành phố còn lại, mỗi ngày có 4 doanh nghiệp ra đời.

Ngoài ra, giáo dục thành phố tiếp tục giữ là 1 trong 5 năm địa phương có chất lượng giáo dục phổ thông tốt nhất cả nước. Ở các trường cao đẳng, đại học, thành phố đã có hơn 900 chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế.

Từ năm 2018 thành phố đã tìm tòi mô hình tăng trưởng mới. Đó là làm sao tạo được sự tương tác hiệu quả cao nhất giữa 4 yếu tố của tứ giác đổi mới và phát triển: Đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ cao; sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ tài chính hiệu quả cho khởi nghiệp sáng tạo và các doanh nghiệp; điều kiện sống tốt nhất cho các nhà khoa học, doanh nghiệp, người lao động và gia đình của họ.

Có thể nói, khu vực 3 quận liền kề với nhau gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức là nơi có mật độ đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước với Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Nông lâm, Đại học Văn hoá, Đại học Việt Đức, Đại học Fulbright, có hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sĩ là giảng viên.

Đây cũng là nơi có mật độ ứng dụng công nghệ cao lớn nhất cả nước với khu công nghệ cao thành công nhất có mức đầu tư hơn 7 tỷ USD và xuất khẩu 8 tỷ USD/năm.

Quận 2 sẽ là khu đô thị mới có trung tâm tài chính của thành phố.

Tức là khu vực 3 quận liền kề quận 2, quận 9 và Thủ Đức (trước năm 1975 là huyện Thủ Đức) ngày nay đang hội tụ đủ 4 tiền đề quan trọng nhất của một vùng động lực phát triển mới trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 với dân số 1 triệu người (bằng 11% dân số thành phố), diện tích hơn 21.000 ha (bằng 11% diện tích thành phố), sẽ có khả năng tạo ra 30% tổng sản phẩm nội địa của thành phố.

Chúng tôi đã tổ chức xong thi tuyển quốc tế về ý tưởng và định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao, trong năm 2020 sẽ lập và công bố quy hoạch khu này.

- Hiện tại, TP.HCM được giữ lại 18% ngân sách và nhiều lãnh đạo, đại biểu Quốc hội của TP từng nhiều lần lên tiếng là tỷ lệ quá thấp. Với mức này, những vấn đề bức xúc như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường... được cân đối, giải quyết thế nào?

- TP.HCM là đô thị không ngừng gia tăng về dân số. Năm 1975 có khoảng 3,6 triệu người, nay tăng gần gấp 3, lên tới 9 triệu người, trong khi diện tích đất không tăng.

Ngân sách thành phố được chi năm 2000 là 33% tổng thu ngân sách trên địa bàn, sau đó giảm dần. Năm 2004 là 29%, năm 2007 là 26%, năm 2011 là 23% và đến năm 2017 còn 18%. Đây là tỷ lệ thấp nhất cả nước.

Trong khi đó, tỷ lệ giữ lại của Hà Nội là 35%, Bình Dương là 36%, Vĩnh Phúc 53%, Đà Nẵng 68%, Hải Phòng 78%, Bắc Ninh 83%, Cần Thơ 91%, Hải Dương 98%, 47 tỉnh còn lại của cả nước được giữ lại 100%.

Với mức tăng dân số 1 triệu người trong 5 năm, nhu cầu về giao thông, cấp nước, xử lý rác, nhà ở, trường học, bệnh viện tăng thêm là rất lớn. Việc chỉ giữ lại 18% thu ngân sách không đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng cho dân số và chất lượng dịch vụ tăng thêm.

Nhiệm kỳ vừa rồi, thành phố sử dụng tối đa ngân sách để xây trường học, bệnh viện, đường và cầu.

TP.HCM quy hoạch có 3 đường vành đai là vành đai 2, 3 và 4. Vành đai 2 chưa kết nối xong, vành đai 3 vẫn nằm trên giấy, còn vành đai 4 chưa thiết kế. Tất cả vì thiếu kinh phí. Nếu không phát triển giao thông đồng bộ thì đây là điểm tắc nghẽn lớn nhất, kìm hãm sự phát triển của thành phố.

Theo kinh nghiệm quốc tế, với đô thị lớn thì 1 km2 đất phải có 10 km đường, nhưng hiện TP.HCM mới đạt 2,1 km. Với tốc độ xây cầu, đường như giai đoạn 2011-2016 thì cần 150 năm nữa TP mới đạt chỉ số theo tiêu chuẩn quốc tế này.

Ngoài ra, là đô thị cuối sông, giáp biển nên TP.HCM chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu. Mỗi năm nước biển lên 1 cm và chúng tôi cảm nhận rất rõ điều đó. Việc xây nhà cao tầng nhiều, sử dụng nước ngầm làm cho nền đất sụt lún.

Lượng mưa và tần suất mưa cũng tăng nhiều nên nguy cơ ngập úng ở TP.HCM là rất lớn.

Vừa rồi chúng tôi thăm Singapore thấy họ cũng bị ngập ở phía nam. Với diện tích nhỏ nhưng họ dự toán trong 50 năm tới sẽ chi 100 tỷ USD để chống ngập.

Năm 2020, TP.HCM sẽ kết thúc dự án gần 10.000 tỷ đồng (khoảng 440 triệu USD) để chống ngập bằng cách xây dựng 6 cống ngăn triều. Khi hoàn thành dự án sẽ chống ngập được cho vùng lõi nội thành với khoảng 5-6 triệu người trong thời gian trên dưới 30 năm, sau đó do nước biển tiếp tục dâng nên phải tính toán thêm giải pháp khác. Đây là thách thức đầu tư rất lớn.

Mỗi năm thành phố cũng có 60.000 học sinh mới, là con em của những người lao động nhập cư vào thành phố. Như vậy 5 năm tăng khoảng 300.000 học sinh - bằng toàn bộ học sinh của một địa phương khác có dân số 1 triệu người. Tức là cứ 5 năm, chúng tôi phải xây trường mới bằng các tỉnh, thành phố xây trong 30 năm. Đây là áp lực rất lớn cho đầu tư từ ngân sách thành phố.

TP.HCM de xuat tang ty le giu lai ngan sach anh 6

Là địa phương có năng suất lao động gấp gần 3 lần cả nước, đóng góp 27% thu ngân sách cả nước (thứ nhì là Hà Nội chiếm 18,6%), nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người ở TP.HCM lại thấp hơn bình quân cả nước (20 m2/người so với 24 m2/người).

Vì thế, thành phố đã báo cáo Quốc hội cho phép năm 2020 trình đề án điều chỉnh tỷ lệ giữ lại thu ngân sách. Đây là việc cần thiết và chính đáng.

Phải tính toán mức tăng làm sao để thành phố có điều kiện phát triển lâu dài, tăng thu và đóng góp cho cả nước nhiều hơn, nhưng trong ngắn hạn không ảnh hưởng đến cái chung. Chúng tôi đang tính toán và Ban Kinh tế Trung ương đang hỗ trợ nghiên cứu.

- Phân chia ngân sách luôn là cuộc “co kéo” khá nhạy cảm. Thành phố đã đề xuất lộ trình điều chỉnh tăng tỷ lệ phân chia ngân sách giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 như thế nào? Nếu được đáp ứng, TP.HCM sẽ sử dụng nguồn lực đó vào mục đích gì?

- Chúng tôi đã thống kê số liệu của 28 thành phố trên thế giới có dân số từ trên 1 triệu người. Theo đó, tỷ lệ ngân sách được giữ lại bình quân là 58,8%, thấp nhất là 33% (Paris, Pháp), cao nhất là 86% (Olso, Nauy và Santiago, Chile). Với thành phố có 10 triệu dân trở lên thì tỷ lệ để lại thấp nhất là hơn 33% (Paris) và cao nhất là 73% (thành phố Mexico).

Như vậy, mức 33% mà thành phố đã có giai đoạn 2000-2003 là hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm quốc tế.

Mức 18% ngân sách được giữ lại như hiện nay làm cho thành phố có nguy cơ ngày càng ùn tắc, ngập úng, thiếu trường học, bệnh viện, nhà ở. Đồng thời, trái với kinh nghiệm quốc tế để thành phố có thể phát triển bền vững. Yếu kém về hạ tầng sẽ ngày càng tăng lên và nó sẽ trở thành rào cản không thể thu hút đầu tư, làm ảnh hưởng đến phát triển thành phố và cả nước.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần có lộ trình tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách cho thành phố từ 18% lên 33%. Song, phải làm trong 10 năm hoặc lâu hơn. Tinh thần là trong ngắn hạn không giảm nguồn chi ngân sách của các địa phương và trong dài hạn tăng nhanh hơn nguồn chi của các địa phương, do đóng góp của thành phố vào ngân sách cả nước tăng nhanh hơn.

Tháng 2, TP.HCM và Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp để tìm lời giải cho việc này.

Quan trọng nhất là phát triển theo quy luật, giữ bao nhiêu không phải tùy tiện đâu mà đều có kinh nghiệm của thế giới rồi.

Khi có nguồn lực từ ngân sách tăng thêm, tôi dự báo thành phố sẽ ưu tiên hàng đầu cho phát triển hạ tầng giao thông, chống ngập và phát triển nhà ở cho người dân có thu nhập trung bình và thấp.

- Với rất nhiều khó khăn, thách thức đã và đang đối mặt, trong giai đoạn sắp tới, TP.HCM coi yếu tố nào là động lực và nguồn lực để phát triển, thưa ông?

- Về động lực, TP.HCM có hai nhóm.

Trước hết là động lực về kinh tế. Chúng tôi xác định động lực kinh tế thị trường là sự đồng hướng lợi ích của 4 chủ thể: Chủ doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng và Nhà nước trong cơ chế thị trường. Vai trò của Nhà nước là đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, bảo vệ người lao động theo pháp luật, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển văn hoá, gia đình.

Áp lực cạnh tranh buộc chủ doanh nghiệp và người lao động phải cố gắng, tiến bộ liên tục, nếu không sẽ chịu thiệt thòi hoặc phá sản. Vì thế, kinh tế thị trường sẽ là động lực với điều kiện có sự quản lý của Nhà nước.

Thứ hai là động lực chính trị. Một đất nước phát triển phải có động lực chính trị. Động lực chính trị của ta chính là phát huy dân chủ, vai trò người chủ của nhân dân trong cơ chế một Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và giám sát.

Như vậy, muốn phát triển TP.HCM thì phải đi bằng cả 2 chân: Mạnh động lực về kinh tế và vững động lực về chính trị.

Về nguồn lực, TP.HCM có gì?

Nguồn lực đầu tiên của thành phố là con người với dân số gần 10 triệu người và hơn 4,5 triệu lao động. Từ lâu, thành phố đã xác định con người và chất lượng nguồn nhân lực là quan trọng nhất.

Nhưng trong yếu tố nhân lực, ngoài nhu cầu kinh tế thì động lực tinh thần rất quan trọng. Nhiều khi không phải vì tiền, mà là ý chí quyết tâm phải đưa đất nước giàu mạnh, thành phố phát triển.

Con người không chỉ có đi làm, họ phải trở về với gia đình, có gia đình như hậu phương vững chắc thì khi đi làm việc mới hăng hái được. Kỹ năng con người không chỉ do đào tạo mà còn do truyền thống văn hoá tạo nên. Vì thế, phải hiện thực truyền thống đó bằng các chính sách cho người lao động.

Nhiệm kỳ tới, TP.HCM sẽ nhấn mạnh hơn vấn đề này. Chủ đề Đại hội của thành phố sẽ nêu đậm hơn yếu tố văn hoá truyền thống và phải coi hạnh phúc của người dân là mục tiêu cao nhất, chứ không chỉ đo bằng thu nhập. Có thu nhập cao nhưng cảm thấy không hạnh phúc thì họ sẽ không làm việc lâu dài, sáng tạo được.

Hai là nguồn lực về đất. TP.HCM chiếm 0,6% diện tích của cả nước, đúng là ít, nhưng nhìn lại thì thấy vẫn còn nhiều nguồn lực về đất thành phố chưa khai thác tốt.

Thành phố đã dành 54% đất cho nông nghiệp nhưng nông nghiệp đóng góp chưa đến 1% kinh tế thành phố. Còn công nghiệp, dịch vụ đóng góp hơn 99% nền kinh tế lại sử dụng có 8% diện tích đất. Như vậy chưa hợp lý. Trên 1 ha đất công nghiệp, dịch vụ thu nhập được tạo ra bằng 1.000 lần sản xuất nông nghiệp. Vì thế phải sắp xếp lại.

Nếu giảm đất nông nghiệp từ 54% xuống 33% diện tích thành phố (để tạo ra 1% giá trị kinh tế thành phố và giữ gìn khu dự trữ sinh quyển, trồng rừng, cây xanh) thì dôi ra 21%. Trong số này có thể dành 7% cho nhà ở, giao thông và 14% dành cho công nghiệp, dịch vụ. Như vậy chỉ cần phân bổ lại, không cần phải đi đâu mà vẫn đủ đất để phát triển mạnh mẽ kinh tế thành phố.

Ba là nguồn lực tài chính. Cách đây 20 năm trong đầu tư xã hội thì đầu tư của Nhà nước chiếm 39%, nhưng đến 2020 chỉ còn khoảng 11% và dự kiến xuống dưới 10% vào những năm sau.

Con số này cho thấy nguồn lực tài chính lớn nhất để phát triển thành phố là từ người dân và đầu tư nước ngoài. Vì vậy, phải điều chỉnh quyết liệt môi trường đầu tư và chính sách để sử dụng được nguồn vốn xã hội này, còn vốn Nhà nước sử dụng vào mục đích mà thị trường không hướng tới hoặc Nhà nước phải có vai trò dẫn dắt.

Nguồn lực thứ tư là sự tích lũy về cơ sở vật chất của các doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, hệ thống cơ sở hạ tầng và hệ thống các quan hệ xã hội, các tổ chức nhân dân, nghề nghiệp. Tuy còn giới hạn, sự tích lũy này có ý nghĩa rất quan trọng.

Cuối cùng, nguồn lực thứ năm là quan hệ hợp tác với các địa phương và các nước, các tổ chức quốc tế. Sự hợp tác này dựa trên sự tin cậy và lợi ích song phương, là nguồn lực to lớn cho phát triển thành phố.

- TP.HCM được ghi nhận là địa phương dẫn đầu về năng suất lao động và thu ngân sách trên một người lao động. Nhưng có một mong muốn Bí thư từng nhiều lần đề cập, đó là giảm giờ làm. Vậy làm sao giải quyết hài hòa bài toán giữa giảm giờ làm và tăng năng suất lao động, thưa ông?

- Từ thời Karl Marx (1818-1883), người lao động làm 10-12 giờ/ngày, từ đó hình thành phong trào đấu tranh giảm giờ làm. Ngày 1/5/1886, cuộc biểu tình ở Chicago (Mỹ) đòi ngày làm việc 8 giờ và năm 1904, Quốc tế XHCN thứ hai kêu gọi tổ chức biểu tình vào ngày 1/5 ở tất cả các nước để thiết lập chế độ ngày làm việc 8 giờ.

Từ năm 1922, Henry Ford - một người nổi tiếng làm xe hơi của Mỹ đã thực hiện chế độ mỗi ngày làm 8 giờ, 6 ngày/tuần (48 giờ/tuần). Sau đó, người này làm thực nghiệm và rút ra rằng ngày làm 8 giờ nhưng tuần làm 5 ngày (40 giờ/tuần) thì năng suất không giảm mà còn tăng do người lao động có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, chăm sóc bản thân, gia đình và đi mua sắm.

Vì vậy, từ năm 1926, Henry Ford đã chuyển từ chế độ làm 48 giờ/tuần sang 40 giờ/tuần trong các nhà máy của mình. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở các nước công nghiệp cũng chuyển sang chế độ làm việc 40 giờ/tuần và sau năm 2000, nhiều nước đã áp dụng chế độ làm việc chỉ hơn 30 giờ, thậm chí dưới 30 giờ/tuần do năng suất lao động không ngừng tăng lên, dành thời gian cho người lao động nghỉ ngơi, học tập thêm…

Như vậy nghĩa là năng suất càng tăng thì thời gian làm việc càng ít đi.

Tất nhiên, có những nước như Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay năng suất cao nhưng họ làm hơn 50 giờ/tuần trong nhiều thập niên và phát triển vượt bậc sau chiến tranh. Nhưng hiện nay, với thói quen, nếp sống làm việc quá nhiều, họ không đủ thời gian cho lập gia đình, sinh con, nuôi con và chăm sóc lẫn nhau. Kết quả là xu hướng sống độc thân, có gia đình không sinh con hoặc chỉ có 1 con ngày càng phổ biến. Tỷ suất sinh của các nước này rất thấp - chỉ ở mức 1,2-1,3 con/phụ nữ, không thể duy trì ở mức bền vững 2 con/phụ nữ, làm dân số giảm. Ở Singapore cũng tương tự.

Ba quốc gia trên đều có thu nhập đầu người cao, họ cũng không thiếu nhà nhưng tỷ lệ dân cư không muốn có gia đình và sinh con ngày càng tăng vì họ làm việc quá nhiều, 50-60 giờ/tuần.

Hàn Quốc và Nhật Bản đã có chương trình 10 năm khuyến khích sinh, hỗ trợ tiền khi sinh con, cho chồng nghỉ khi vợ sinh nhưng tỷ suất sinh không tăng lên. Gần đây họ mới tính đến biện pháp giảm giờ làm, ban hành luật quy định một tuần không được làm quá 52 giờ.

Tôi đã đọc câu chuyện có anh tổ chức đám cưới với người máy, người mẹ không tới dự vì cảm thấy quá xót xa. Rồi một cô tổ chức cưới chính mình và tuyên bố từ nay sẽ rất hạnh phúc vì không phải lo cho ai.

Những việc này dù rất thiểu số nhưng nó cho thấy vai trò của gia đình đã bị hiểu lệch lạc, coi thường. Một xã hội mà cưới người máy và cưới chính mình thì làm sao phát triển được, sẽ diệt vong thôi.

Cách đây vài tháng, một doanh nghiệp ở một nước Đông Á đã bỏ ra 1 triệu USD để chế tạo một nhà sư robot và vị sư trụ trì nhà chùa cho rằng thanh niên sẽ thích nghe nhà sư robot nói về Phật giáo và đạo lý làm người hơn là nghe từ nhà sư chủ trì chùa này.

Tôi không tin là người máy làm vợ và làm nhà sư tốt hơn con người.

- Đó có phải là lý do khiến ông luôn trăn trở việc tỷ suất sinh ở TP.HCM thấp nhất cả nước?

- Từ mấy năm nay tôi luôn tự hỏi vì sao TP.HCM có năng suất lao động cao nhất cả nước nhưng tỷ suất sinh lại thấp nhất cả nước. Tôi đã giật mình khi tìm số liệu thống kê về việc này.

Năm 2017, bình quân người lao động cả nước làm việc 44 giờ/tuần (5,5 ngày nếu tính 8 giờ/ngày). Còn TP.HCM bình quân mỗi tuần làm 54 giờ, tức là tuần có 7 ngày, nếu tính ngày làm 8 tiếng thì làm hơn 6,5 ngày.

Nếu làm việc 6 ngày một tuần thì mỗi ngày phải làm 9 tiếng tại nhà máy, vào đợt tăng ca sẽ lên 10-11 tiếng/ngày. Như vậy còn thời gian đâu mà đón con, đi chợ, nấu ăn, chăm sóc cho gia đình.

TP.HCM de xuat tang ty le giu lai ngan sach anh 7

Thời gian lao động 54 giờ/tuần ở TP.HCM còn vượt quá mức tối đa 52 giờ/tuần mà Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc mới quy định năm 2017 và 2018 để có thể tăng tỷ suất sinh ở hai nước này.

Nếu TP.HCM tiếp tục duy trì lao động 54 giờ/tuần thì dù năng suất lao động, thu nhập đầu người gấp gần 3 lần bình quân cả nước, thành phố đang đi vào con đường của Nhật Bản, Hàn Quốc: Kinh tế phát triển, năng suất lao động cao nhưng gia đình tan rã, với độ trễ khoảng 30-50 năm.

Vì vậy, thành phố nhiệm kỳ tới có chương trình Phát triển gia đình hạnh phúc với định hướng là nơi có năng suất lao động cao nhất thì phải là nơi người lao động thấy hạnh phúc nhất, không nên là nơi làm việc nhiều nhất, phải để cho người lao động có thời gian lập gia đình và chăm sóc gia đình. Gia đình là hậu phương, có hậu phương thì mới duy trì được năng suất lâu dài.

Cũng theo kinh nghiệm quốc tế, lao động nhiều thì có nhiều tiền nhưng gia đình suy thoái hoặc tan vỡ và đất nước không có tương lai. Mình phải thấy cái lâu dài đó.

Sự phát triển của một quốc gia không chỉ được đo bằng chỉ số tổng sản phẩm nội địa trên đầu người mà còn phải được đánh giá qua hạnh phúc của người dân.

Năm 2019, New Zealand là nước đầu tiên đã có ngân sách hạnh phúc của quốc gia để trực tiếp thực hiện nhiều giải pháp để giúp người dân hạnh phúc từ sức mạnh tài chính và ý thức quốc gia về vai trò của Hạnh phúc.

Với truyền thống yêu nước, thương người, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, dũng cảm, trọng tình nghĩa và cuộc sống gia đình, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một đất nước hạnh phúc với năng suất lao động cao.

- Xin cảm ơn ông!

Bí thư TP.HCM: Làm 9-10 giờ/ngày thì không thể có gia đình hạnh phúc

Nhấn mạnh xu hướng giảm giờ làm của các nước, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam nên có lộ trình thực hiện, nếu làm 9-10 giờ mỗi ngày thì không thể có hạnh phúc.

Hoài Thu - Nguyễn Hưng thực hiện

Ảnh, video: Việt Linh - Duy Anh - Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm