Sáng 13/6, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng có buổi làm việc với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP HCM. Nói chuyện với các nhà khoa học, Bí thư Thăng bày tỏ TP bước vào chu kỳ đổi mới mới với khát vọng lớn, cụ thể hóa bằng 7 chương trình đột phá. Trong đó, nâng cao nguồn nhân lực là giải pháp hết sức quan trọng. Vì vậy, phải huy động mạnh mẽ hơn những nguồn lực từ khoa học công nghệ cho công cuộc phát triển TP trong tương lai.
"Trong khoa học không phân biệt già trẻ, không có nhà khoa học già, chỉ có nhà khoa học lớn tuổi, những người vẫn còn minh mẫn và tri thức đóng góp cho xã hội", bí thư Thăng nhấn mạnh.
Bí thư Đinh La Thăng làm việc với các nhà khoa học sáng 13/6. Ảnh: Hà Hương. |
Bí thư Thành ủy cho rằng, TP cam kết mỗi năm tăng ngân sách 2% cho khoa học công nghệ, ngân sách xã hội hóa tăng 3%, đảm bảo mục tiêu khoa học là động lực để tăng trưởng. Cần phải giải được bài toán đưa các công trình nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.
Bí thư Thành ủy lưu ý UBND TP và các sở, ngành phải cụ thể hóa sự tư vấn độc lập của các nhà khoa học với các vấn đề quan trọng của xã hội. "Để từ đó, khi TP ban hành đề án, chính sách gì cũng sẽ yên tâm hơn", ông Thăng nói.
Bên cạnh đó, Bí thư Thăng cũng đề nghị UBND TP rà soát lại cơ chế chính sách về các chương trình, đề án cụ thể, cái gì cần bổ sung, cái gì đưa ra và công bố trước để các nhà khoa học chủ động lựa chọn đề tài.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, Bí thư Thăng cho biết sắp tới sẽ có một cơ quan chuyên trách trực thuộc UBND TP. Ông bày tỏ hi vọng, thực phẩm bẩn sẽ được kiểm soát và loại dần ra khỏi bữa ăn của người dân.
GS Chu Phạm Ngọc Sơn đề nghị thể chế hóa mối quan hệ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất. Ông nhận định, mối liên kết này vẫn hết sức lỏng lẻo, các nhà khoa học thiếu chất xúc tác từ bộ phận sản xuất, kinh doanh. “Nhiều người tự hào có nhiều bài báo, công trình nghiên cứu được đăng trên báo chí quốc tế, nhưng đóng góp cho sản xuất của TP lại rất hạn chế. Phải thể chế hóa chứ đừng chỉ khuyến khích", ông nói.
Là một trong những nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, GS Chu Phạm Ngọc Sơn cũng có những đề xuất tâm huyết đối với Bí thư Đinh La Thăng. GS cho rằng, an toàn thực phẩm được Chính phủ coi là quốc nạn, người dân hoang mang. “Bản thân tôi đi chợ cũng rất đắn đo không biết chọn loại nào cho an toàn”.
GS chỉ ra các nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu an toàn trong thực phẩm. Trong đó, đầu tiên là do một số nhà sản xuất thiếu trách nhiệm, chỉ nghĩ đến lợi nhuận của mình. Thứ 2 là tình trạng phụ gia thực phẩm được nhập tràn lan nhưng không rõ nguồn gốc. Ông đề nghị phải có những chốt kiểm tra nhằm hạn chế các loại này tuồn qua biên giới Việt - Trung và Tây Nam.
“Phải tách việc buôn bán phụ gia thực phẩm với phụ gia công nghiệp, không để nó bán chung với nhau ở các cửa hàng. Tôi cho rằng, việc này nằm trong tầm tay của TP", GS Sơn nói.
TS Trần Công Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP HCM, bày tỏ hiện nay TP vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò của tầng lớp trí thức. “TP có 10 triệu dân mà các hội chỉ có 60.000 - 80.000 hội viên". Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, theo TS Trang chính là kinh phí đầu tư cho khoa học kỹ thuật eo hẹp, nhiều dự án rơi vào tình trạng “nói thì dữ lắm nhưng đầu voi đuôi chuột”.
Ông Trang cũng đề xuất những dự án liên quan đến đời sống người dân phải có ý kiến của các nhà khoa học. “Làm một con đường ảnh hưởng đến 500 hộ dân mà không có ý kiến của hiệp hội. Cứ làm xong rồi dân chịu”. Đối với các chương trình lớn của TP đã giao cho các nhà khoa học, ông Trang đề nghị UBND TP phải có thông báo lại cho các đơn vị, “chứ đừng lờ đi như hiện nay”.