Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà thành hầm ở Sài Gòn: Tính toán lại độ cao mặt đường

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các ban ngành tìm giải pháp mới hạ độ cao mặt đường công trình chống ngập Kinh Dương Vương để giảm ảnh hưởng đến người dân.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa có chuyến kiểm tra đột xuất hiện trường công trình Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) - nơi Zing.vn thực hiện bài viết “Hàng loạt nhà ở Sài Gòn có nguy cơ biến thành hầm” phản ánh về đơn vị thi công xây dựng 2 bờ tường bên đường chắn cửa nhà, biến hàng trăm nhà dân thành hầm.

Giảm độ cao mặt đường sẽ dễ tái ngập trong tương lai

Theo ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay An Lạc đến vòng xoay Mũi Tàu) dài hơn 3,5 km, rộng 48 m, hệ thống cống và công trình ngầm đã hoàn tất. Theo thiết kế được duyệt thì cao độ đường Kinh Dương Vương nâng trung bình 0,7 m, vỉa hè nâng từ 0,4-1,2 m dẫn đến nhà dân thấp hơn vỉa hè 0,6-1 m.

Dự án ảnh hưởng đến 466 căn nhà, 1 bệnh viện, 8 cây xăng, 64 doanh nghiệp, 27 trụ sở cơ quan hành chính và 44 tuyến đường, hẻm kết nối giao thông với đường Kinh Dương Vương. Hiện, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước đang thi công nâng cao mặt đường. “Khi đơn vị thi công xây tường chắn trước cửa nhà dân, gây khó khăn cho việc kinh doanh, đi lại nên quận đã yêu cầu tạm dừng để xem xét lại, xin ý kiến của lãnh đạo TP”, ông Thinh cho biết.

chong ngap o duong Kinh Duong Vuong anh 1
Bờ tường được đơn vị thi công xây dựng chắn ngay cửa nhà của một quầy tạp hóa trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân). Ảnh: Lê Quân.

Giải thích việc nâng mặt đường lên quá cao, Chủ tịch UBND Quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết, chủ đầu tư chưa tính toán việc thoát nước cho toàn khu vực hơn 90 ha ở quận Bình Tân. Việc nâng toàn bộ khu vực lên để bảo đảm cốt nền theo quy hoạch là bất khả thi hiện nay. “Chủ đầu tư cho rằng 90% dân quận Bình Tân đồng ý cho nâng đường nhưng thực tế họ chỉ khảo sát vài hộ, trong khi dự án ảnh hưởng đến vài trăm hộ", ông Thinh nói. 

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP lại cho rằng, đơn vị đã có văn bản quận Bình Tân gửi lên trung tâm khẳng định hơn 90% người dân thống nhất với việc nâng đường theo cốt đường 2.0 và phù hợp với quy hoạch quận.

Đơn vị tư vấn thiết kế dự án, Công ty TNHH tư vấn thiết kế B.R thì cho biết, họ đã hạ cốt đường xuống một lần để được như thiết kế hiện nay là cao độ tim đường 2.0 và mép đường 1.7, như vậy đường Kinh Dương Vương xấp xỉ mép nước khi đỉnh triều (1,68 m). Nếu tiếp tục hạ nữa thì tuyến đường này sẽ tái ngập trong tương lai khi đỉnh triều lớn hơn kết hợp mưa lớn.

Nghiên cứu mức hỗ trợ cho người dân

Tại buổi làm việc với các ban ngành liên quan ngày 8/6 để tìm giải pháp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị phải rút kinh nghiệm khi dự án không công khai rõ ràng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Dù đã lấy ý kiến người dân từ năm 2012 nhưng khi thực hiện công trình chủ đầu tư đã không khảo sát lại, làm ảnh hưởng đến tâm lý, gây bức xúc cho người dân.

“Người dân không thể biết việc nâng đường cao như thế nào mà họ chỉ biết nâng đường để không còn ngập nên đồng ý. Bây giờ khi quây tường trước nhà thì họ mới biết. Tôi có cảm tưởng chủ đầu tư thực hiện công trình nửa vời, chỉ muốn làm cho được dự án”, ông Phong bức xúc.

chong ngap o duong Kinh Duong Vuong anh 2
Theo đơn vị đầu tư, theo thiết kế đơn vị sẽ nâng mặt đường lên cao 2.0 vì mức triều cao nhất là 1,68 m, nếu tiếp tục giảm độ cao tim đường thì công trình sẽ tái ngập trong tương lai. Ảnh: Lê Quân.

Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu phía các đơn vị cần xem xét lại thời điểm thực hiện dự án, bởi làm ngay đúng mùa mưa như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Dự án đã triển khai rồi nên phải làm đến cùng nhưng các đơn vị cần phải tìm giải pháp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè, phối hợp với việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực.

Người đứng đầu chính quyền TP cũng nhấn mạnh các đơn vị, ban ngành phải tính toán mức hỗ trợ như thế nào và cách thức giải thích khi hỗ trợ cho người dân.

Trước đó trả lời về câu chuyện chống ngập đường Kinh Dương Vương trước câu hỏi của bí thư Đinh La Thăng, Giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Xuân Cường cho hay, việc nâng cấp đường cao hơn nhà dân dựa trên cơ sở tính mức triều cao nhất là 1,68 m. Từ đó, mép vỉa hè được nâng lên 1,7 m. Ông Cường cho biết, thực tế cốt cao độ trên trục Kinh Dương Vương rất thấp, chỉ từ 1 m trở xuống. Do đó, khi nâng đường lên thì xảy ra hiện tượng mà báo chí phản ánh. Quan điểm xử lý của Sở là sẽ phải hài hòa giữa việc hạ độ cao cốt nền kết hợp với việc kiểm soát triều cường.

Hàng loạt nhà ở Sài Gòn có nguy cơ biến thành hầm

Đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) đang được nâng độ cao, khiến nhiều nền nhà của người dân thấp hơn mặt đường đến 1,2 m, có nguy cơ biến thành hầm.


Hoàng Bình

Bạn có thể quan tâm