Sáng 26/4, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã làm việc với lãnh đạo Sở Y tế, Ban giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi và các sở ngành liên quan về tình trạng chậm tiến độ của bệnh viện này. Tuy khởi công từ năm 2012 nhưng đến nay, bệnh viện vẫn thiếu bác sĩ, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh.
Đùn đẩy trách nhiệm
Bệnh viện này có quy mô 300 giường nhưng thiếu trang thiết bị y tế và chỉ có 14 bác sĩ. Bác sĩ Cù Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi, cho biết trước nơi này có 17 bác sĩ, nhưng hiện còn 14 người. "Ba bác sĩ nghỉ đều là những người đã qua đào tạo chuyên khoa 1, chuyên khoa 2", ông thông tin.
Bác sĩ Cù Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi, cho biết các bác sĩ không thiết tha làm việc tại bệnh viện tuyến huyện. Ảnh: Hà Hương |
Nguyên nhân của tình trạng bác sĩ không tha thiết làm việc ở bệnh viện huyện là do xa nhà, thu nhập không tốt. "Bác sĩ ở trung tâm còn có các khoản thu nhập tăng thêm, còn ở đây chỉ hưởng đúng theo chế độ nhà nước, không có thêm gì nên rất khó khăn", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cho biết Bệnh viện huyện Củ Chi được xây dựng với quy mô 300 giường. Sở hứa đảm bảo nguồn nhân lực khi vận hành.
"Bệnh nhân có ốm đau theo giờ hành chính đâu, việc đó là 24/24 thì phải có lực lượng bác sĩ túc trực tại chỗ”.
Theo ông Bình, qua đợt lễ 30/4, khoảng 40 bác sĩ từ các bệnh viện chuyên khoa tại trung tâm TP sẽ được điều về Bệnh viện huyện Củ Chi làm việc. Ngoài việc khám chữa bệnh, đội ngũ này còn có trách nhiệm hướng dẫn, đào tạo các bác sĩ trẻ mới ra trường. Theo ước tính của ông Bỉnh, sau khoảng 2 năm, Bệnh viện huyện Củ Chi sẽ có nguồn bác sĩ tại chỗ.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng lưu ý, nếu chỉ điều chuyển bác sĩ theo dạng sáng ôtô chở đi, chiều đưa về là không khả thi. Phải xây nhà công vụ để các bác sĩ yên tâm ở lại làm việc. "Bệnh nhân ở Củ Chi, Bình Dương lên khám thì làm thế nào? Bệnh nhân có ốm theo giờ hành chính đâu, nên phải có lực lượng bác sĩ túc trực tại chỗ", ông Thăng nói.
Ngoài ra, ông Thăng cũng đề nghị Sở Y tế làm việc với các đơn vị liên quan về việc đảm bảo nguồn nhân lực cho bệnh viện. Ông Thăng chỉ đạo phải đào tạo tuyển sinh để cán bộ y tế gắn bó với bệnh viện. Điều đặc biệt quan trọng là phải đề xuất cơ chế đảm bảo cả tinh thần, vật chất cho y bác sĩ.
Bệnh viện huyện Củ Chi mới chỉ hoàn thành phần ngoài, bên trong thiếu cả thiết bị và y bác sĩ. Ảnh: Hà Hương |
Một đề xuất được bí thư Thăng nhắc đến là các bác sĩ mới ra trường muốn làm việc tại trung tâm thành phố thì phải làm việc theo dạng luân chuyển tại các trung tâm y tế huyện ngoại thành. "Tại sao các huyện miền núi Tây Bắc, Nghệ An, Thanh Hóa, người ta tuyển được bác sĩ? Ở đây thuận lợi hơn nhiều thì sao không tuyển được?", ông Thăng thắc mắc.
"Bệnh viện xây xong để không, các anh có sốt ruột?"
Giải thích về việc chậm tiến độ, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, do thiếu đội ngũ y bác sĩ, cấu hình của bệnh viện chưa hoàn thành, công tác đấu thầu hạng mục thiết bị y tế chưa xong. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng hỏi TP có 31 bệnh viện trên 300 giường, tại sao không áp dụng các cấu hình có sẵn?
“Tại sao các anh máy móc như vậy? Tôi cho rằng, chậm là do nhiều người không vì cái chung mà vì cá nhân. Dân thì cần mà các anh làm như vậy là đùn đẩy nhau”, Bí thư nói.
Ông Bỉnh giải thích, với các bệnh viện quận huyện, chủ đầu tư thực hiện từ xây dựng đến đấu thầu trang thiết bị. Từ tháng 9/2015, Sở Y tế đã nhiều lần xuống hướng dẫn để đưa bệnh viện vào vận hành nhưng gặp khó do chỉ có 14 bác sĩ.
Bí thư Đinh La Thăng gặp gỡ người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện huyện Củ Chi. Ảnh: Hà Hương |
Bí thư Thành ủy chất vấn giám đốc Sở Y tế: “Trách nhiệm số 1 trong việc này là của Sở Ytế. Anh có đủ trách nhiệm chăm sóc chữa bệnh cho bệnh nhân và lo đủ cơ sở vật chất cho bệnh viện hay không? Các anh phải thấy sốt ruột khi thấy cơ sở để không, không có trang thiết bị gì chứ".
Ông Thăng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ đấu thầu trang thiết bị y tế để đưa bệnh viện vào sử dụng. "Nếu cứ đùn đẩy nhau thì chậm. Còn cứ công khai, minh bạch, trong sáng thì sẽ nhanh hết".
Bí thư Thành ủy cũng khẳng định sẽ “truy” vụ này đến cùng. “Chỉ số do lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh năm 2015 TP HCM xếp 47/63 tỉnh, thành. Sở Y tế góp vào tương đối nhiều”, ông nói.
Sau khi khảo sát bệnh viện, Bí thư Đinh La Thăng chất vấn về chất lượng: Các anh phải xem lại xem thiết kế có phù hợp hay không. Tôi thấy rất nóng, bệnh nhân nằm phơi người ra thế. Nóng như vậy, các anh không cảm nhận thấy à?
Ông Thăng cũng nhận xét toilet rất hôi, người khỏe vào còn ốm chứ nói gì bệnh nhân. Do đó, Bí thư Thành ủy đề nghị rà soát lại chất lượng công trình, tăng cường trồng cây xanh, xử lý chất thải để đảm bảo môi trường sạch cho bệnh viện.
Kiểm điểm các cá nhân làm chậm tiến độ
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu Sở Y tế phải kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ liên quan đến tình trạng chậm tiến độ Bệnh viện huyện Củ Chi. “Bất kỳ ai liên quan cũng phải xử lý chứ không thể chung chung được. Để vậy dân thiệt. Tiền đã bỏ ra rồi”, ông Thăng nói. Theo yêu cầu của bí thư Thành ủy, Sở phải thực hiện kiểm điểm nghiêm túc và báo cáo việc xử lý lên Thành ủy chậm nhất ngày 15/5.
Bệnh viện huyện Củ Chi (trước đây có tên là An Nhơn Tây) được khởi công vào tháng 6/2012, hoàn thành vào tháng 1/2016; tổng đầu tư là 345 tỷ đồng với quy mô 300 giường. Dự án này chậm tiến độ đến 2 năm. Dự kiến, đến tháng 7/2016 mới hoàn thành việc đấu thầu trang thiết bị y tế; đưa vào sử dụng vào cuối năm 2016.