Chiều 11/5, Bí thư Thành ủy TP HCM có buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn. Tại đây, cử tri Đinh Thanh Giảng (xã Đông Thạnh) nêu bức xúc: Bãi rác Đông Thạnh không có giấy phép thành lập nhưng đã hoạt động từ năm 1990 tới giờ. Rác thải của TP chưa xử lý hết nhưng ban quản lý lại nhận rác ở Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương, Tiền Giang về xử lý. “Chúng tôi cho rằng có lợi ích nhóm ở đây nên bãi rác mới có thể hoạt động công khai như vậy được”, cử tri bức xúc.
Theo ông Giảng, bãi rác bị UBND TP HCM đóng cửa vào năm 2002, nhưng đến năm 2013 có công văn do thứ trưởng Bộ TN-MT cho chôn lấp rác thử nghiệm, tuy nhiên công văn không nói thời gian thực hiện là bao lâu. "Năm 2013, người dân bắt quả tang có xe đổ 1.300 tấn thuốc trừ sâu vào đây. Đáng lý phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng sau đó lại chìm xuồng", ông Giảng cho biết.
Tại ấp 5 của xã Đông Thạnh một gia đình có đến 5 người chết vì ung thư. Do nằm cạnh bãi rác, nguồn nước bị ô nhiễm rất nặng không sử dụng được. “Đề nghị Bí thư Thăng xem xét, nghiên cứu, giúp đỡ nhân dân. Nếu cần, tôi sẽ dẫn các đồng chí đến tận nhà để hiểu rõ thực tế. Chúng tôi kêu nhiều và lâu lắm rồi. Đề nghị Bí thư giúp bà con yên ổn làm ăn”, cử tri nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM thăm hỏi cử tri huyện Hóc Môn. Ảnh: H.H |
Trước những bức xúc này, Bí thư Thành ủy TP HCM truy Chủ tịch huyện Hóc Môn: "Trước bà con cử tri, tôi muốn hỏi Chủ tịch huyện về xã Đông Thạnh là biết trường hợp này chưa, ý kiến của Chủ tịch huyện ra sao?”.
Chủ tịch Hóc Môn trả lời: "Qua phản ánh của cô bác cử tri, huyện đã xuống khảo sát và đã có văn bản kiến nghị Sở TN-MT xem xét giải quyết, đặc biệt là rác thải liên quan đến y tế. Văn bản của Bộ TN-MT cũng không ghi rõ thời hạn thí điểm là bao nhiêu năm, kiến nghị nếu không đảm bảo môi trường thì ngừng...".
Bí thư Thăng cắt lời: "Các anh kiến nghị ra sao?". Ông Tài nói: "Kiến nghị cho dừng bãi rác để đảm bảo đời sống bà con". Ông Thăng: "Các anh kiến nghị lâu chưa?". Ông Tài trả lời: "Nhiều năm rồi. Huyện đã có văn bản lên TP đề nghị thành lập hội đồng khoa học để thẩm định ô nhiễm, tình trạng ung thư. Tuy nhiên, các sở chưa có giải pháp căn cơ".
Ngay sau cuộc tiếp xúc cử tri, ông Đinh La Thăng đã cùng Chủ tịch huyện Hóc Môn thị sát Nhà máy xử lý
chất thải nguy hại nằm trong bãi rác Đông Thạnh, Hóc Môn . Ảnh: Hà Hương. |
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm do nước thải công nghiệp ở giáp quận 12, Bí thư Thăng tiếp tục truy vấn: "Các anh đã có ý kiến gì chưa?". Ông Tài cho biết, huyện đã kiến nghị nạo vét rạch Cầu Dừa dài 4 km với chi phí khoảng 6 tỷ đồng.
Ông Thăng phê bình lãnh đạo huyện Hóc Môn: “Các anh phải đeo bám. Phải nghĩ hàng ngày mình đang hứng chịu ô nhiễm từ bãi rác, kênh rạch. Chi phí chỉ có 6 tỷ nhưng từ 2013 tới giờ không chịu làm cho dân nhờ. Tôi về đây 3 tháng có thấy các anh nói tiếng nào đâu. Chủ tịch huyện phải nhớ trong đầu những việc phải làm vì dân chứ”.
Ông Đinh La Thăng yêu cầu Văn phòng phòng Thành ủy phải có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Bí thư đề nghị Sở TN-MT cùng quận 12, huyện Hóc Môn kiểm tra và báo cáo kết quả môi trường rạch Cầu Dừa. Nếu không đảm bảo môi trường theo quy định thì phải dừng ngay bãi rác. Yêu cầu Công ty môi trường đô thị phải làm rõ trách nhiệm, trước 16/5 phải đề xuất phương hướng giải quyết.
Bí thư Thành ủy nói: "Tôi xin nhận lỗi với bà con cô bác. Những việc này đáng ra lãnh đạo TP phải biết". Ông Thăng giao Sở Y tế tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho toàn bộ người dân Đông Thạnh và các xã lân cận bãi rác.
Ngay sau buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đã xuống ngay bãi rác Đông Thạnh để kiểm tra nhà máy xử lý chất thải cũng như những ảnh hưởng của nó đến đời sống người dân. Ông Thăng chỉ đạo cho UBND huyện Hóc Môn phối hợp với Sở Y tế để kiểm tra sức khoẻ cho các hộ dân sống xung quanh bãi rác.
“Phải thống kê các hộ dân sống xung quanh rồi cho họ đi khám. Phải công khai cho người dân biết rõ ràng. Ung thư thì trả lời là ung thư, còn không phải thì cũng phải nói rõ ra”, ông Thăng chỉ đạo.
Theo UBND huyện Hóc Môn, hiện khoảng 55.000 dân đang sống quanh bãi rác.