Văn phòng Thành ủy TP.HCM vừa phát đi thông báo kết luận của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại buổi làm việc với các nhà máy xử lý chất thải trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.
Bí thư Thăng kết luận: “Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) có phát sinh mùi hôi tại khu vực ô chôn lấp đang tiếp nhận rác và khu vực hồ chứa nước thải”. Trong khi đó, khả năng phát tán mùi hôi từ Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty Dịch vụ Môi trường Đô thị Hòa Bình không đáng kể.
Bãi rác chôn lấp của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Cải tiến công nghệ xử lý rác của Đa Phước
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7, những năm trước đã phát sinh mùi hôi trong những tháng mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm). “Tuy nhiên, mùa mưa năm 2016 phát sinh mùi hôi nặng hơn những năm qua, phát tán trong phạm vi rộng hơn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, thông báo kết luận nêu rõ.
Bí thư Thành ủy cũng giao Ban cán sự đảng UBND chỉ đạo UBND TP tập trung các giải pháp trước mắt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc khuếch tán mùi hôi từ Khu liên hợp chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước, đặc biệt là mùi hôi từ hoạt động xử lý chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trong khu liên hợp.
Bên cạnh đó, người đứng đầu TP cũng yêu cầu cần phải tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, kiểm tra, giám sát quy trình vận hành kỹ thuật, thắt chặt công tác kiểm soát mùi trong quá trình hoạt động xử lý chất thải của các đơn vị.
Trong đó, bí thư Thăng đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, hiện là nguồn tiếp nhận xử lý chất thải có quy mô lớn. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp xe vận chuyển để rơi vãi chất thải và không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo Bí thư Thành ủy, giải pháp lâu dài là cải tiến công nghệ xử lý rác của VWS nhằm hạn chế chôn lấp. Ngoài ra, phải nhanh chóng trồng cây xanh cách lý, thay đổi phương thức vận chuyển rác hiện tại. UBND TP.HCM cũng phải làm việc với tỉnh Long An nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Công nghệ Môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng đề nghị trong tháng 9 phải hoàn thành giải tỏa, di dời các hộ dân để bàn giao 40 ha đất cho VWS trồng cây xanh cách ly và xây dựng bến thủy nội địa. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 40 ha do VWS chi trả.
Rút kinh nghiệm về quản lý
Ngoài ra, ông Thăng còn yêu cầu chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát diện rộng trên các địa bàn liên quan thực hiện công tác quan trắc, tổng hợp thông tin, phân tích dữ liệu để giám sát, ghi nhận diễn biến nguồn gốc phát sinh ô nhiễm mùi hôi trên cơ sở khoa học.
Đồng thời làm tư liệu tiếp tục theo dõi diễn biến môi trường của khu vực, phối hợp với VWS xử lý nghiêm các trường hợp xe chuyên chở rác không vệ sinh trước khi ra khỏi bãi xử lý rác.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phải làm việc với VWS để xác định rõ việc vận hành hệ thống phân loại, tái chế chất thải, nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung các giải pháp đầu tư công nghệ tiên tiến theo hướng tái sinh năng lượng, giảm chất thải chôn lấp.
Trước mắt, phải điều chỉnh quy trình vận hành, tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong quá trình xử lý chôn lấp để khống chế, giảm thiểu mùi hôi đến mức thấp nhất. Rút kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước về chỉ đạo các khu xử lý chất thải trong mùa mưa hàng năm.
Trước đó, từ tháng 8, người dân ở khu vực Nam Sài Gòn liên tục phản ánh tình trạng mùi hôi liên tục xuất hiện, đặc biệt vào buổi chiều tối. Trong đó, người dân “tố” mùi hôi này xuất phát từ Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh. Trên Zing.vn, nhiều chuyên gia môi trường cũng đặt ra nghi vấn việc quy hoạch bãi rác ở đầu hướng gió có thể làm mùi hôi lan rộng.
Ngày 3/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo UBND TP.HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm tại quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đồng thời, đề xuất phương án giải quyết.
Đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc này.