Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Thăng đề nghị bảo đảm an toàn hồ Dầu Tiếng

Thị sát ngày 12/2, Bí thư Đinh La Thăng nhận định việc vận hành hồ Dầu Tiếng cần đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, quan tâm công tác dự báo.

Ngày 12/2, Bí thư Đinh La Thăng dẫn đầu đoàn công tác của TP.HCM đi khảo sát khu vực hồ Dầu Tiếng và làm việc với công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Tây Ninh) để tìm ra phương án phát triển bền vững nguồn nước cho thành phố. 

Theo ông Lê Văn Dũng, Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, do tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu làm cho tình hình quản lý, vận hành và khai thác ngày càng phức tạp.

"Hệ thống công trình trải dài trên 5 tỉnh, thành phố do đó việc quản lý sẽ rất khó khăn nếu không có sự quan tâm giúp đỡ của các địa phương, trong đó có TP.HCM", ông Dũng băn khoăn. 

Bi thu Thang thi sat Dau Tieng anh 1
Bí thư Đinh La Thăng (giữa) khảo sát hồ Dầu Tiếng sáng 12/2. Ảnh: Q.M.

 

Đại diện công ty cũng mong muốn TP.HCM kêu gọi các nhà đầu tư lấy nước bằng đường ống dẫn nước trực tiếp từ hồ phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp nhằm đảm bảo tính bền vững nguồn cấp nước, chất lượng nước.

Tại buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng cảm ơn tỉnh Tây Ninh phối hợp vận hành an toàn tuyệt đối hồ Dầu Tiếng, giữ được an ninh, đảm bảo cấp nước, chống ngập mặn, chống ngập cho vùng hạ lưu.

Ông Thăng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng công ty điều chỉnh quy chế vận hành; đồng thời căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng để có đầu tư cho phù hợp.

Về quy trình vận hành, ông Thăng đề nghị áp dụng công nghệ hiện đại trong dự báo mực nước dâng vì dự báo sai thì sẽ gây ngập. “Dự báo ở đây không phải theo mùa mà phải dự báo cả năm, để đảm bảo tốt nhất, an toàn nhất, cố gắng gắn với dự báo biến đổi khí hậu”, ông Thăng nói.

Nhắc đến tình trạng dân cư, Bí thư Thăng đề nghị chính quyền cần kiểm tra các doanh nghiệp đưa dân định cư lòng hồ nhằm đảm bảo vệ sinh vì nếu chất thải liên tục đổ vào sẽ nguy hiểm. Lưu ý việc nuôi cá bè trên lòng hồ cũng là nguyên nhân mất vệ sinh, cần phải kiểm tra chặt chẽ.

Bi thu Thang thi sat Dau Tieng anh 2
Một đợt xả nước ở đập tràn hồ Dầu Tiếng năm 2016. Ảnh: Hoàng Bình. 

Ông Thăng đề nghị địa phương có kế hoạch và kinh phí hàng năm để thả cá giúp bà con sinh sống trên lòng hồ, đảm bảo cân bằng sinh thái và giá trị kinh tế, năng suất cao. "Còn vấn đề Việt kiều cần có giải pháp căn cơ, lâu dài", Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Đối với TP.HCM, Bí thư Thăng yêu cầu UBND TP cần quan tâm đầu tư đường ống dẫn nước lấy trực tiếp từ hồ tạo điều kiện cho công ty nâng cấp bảo trì thường xuyên, hỗ trợ vì việc này cũng chính là hỗ trợ TP.

"TP cho khởi động dự án làm đường ống lấy nước từ lòng hồ Dầu Tiếng về Nhà máy xử lý nước của TP bằng cách kêu gọi xã hội hóa các nhà đầu tư, không thể sử dụng nguồn nước chung với tưới tiêu", ông Thăng nói. 

Bí thư Thành ủy TP cũng ủng hộ chủ trương khai thác du lịch tại hồ Dầu Tiếng nhưng cần quan tâm tới môi trường.

Dầu Tiếng - Phước Hòa là hệ thống thủy nông có quy mô lớn nhất nước ta hiện nay.

Công trình được xây dựng từ 1981 và đưa vào sử dụng vào năm 1985. Hồ có diện tích mặt nước là 270 km2. Đây là hồ chứa nước điều tiết được thiết kế phục vụ đa năng, trong đó hồ cấp nước tưới trực tiếp cho 108.000 ha thuộc địa bàn Tây Ninh, Long An và TP.HCM, (riêng TP.HCM có 12.000 ha).




Hoàng Bình

Bạn có thể quan tâm