Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội với UBND TP.HCM về phòng chống dịch và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách thành phố năm 2021 chiều 12/10, Bí thư Nguyễn Văn Nên kể lại nhiều quyết định khó khăn của thành phố.
"Dù nay, tình hình ngày càng tốt dần lên nhưng nỗi lo lắng, ám ảnh vẫn còn nặng trĩu", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ về giai đoạn chống dịch khốc liệt mà TP.HCM vừa trải qua.
Bài học từ việc sử dụng vũ khí chiến đấu không phù hợp
Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ đại dịch đã để lại cho thành phố nhiều đau thương cũng như bài học xương máu để sẵn sàng ứng biến với tình hình. Do đó, thành phố sẽ kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm cho thời gian tới.
Ông Nên chia sẻ TP.HCM thực hiện bất kỳ biện pháp giãn cách nào đều cân nhắc và rất khó khăn. Theo Bí thư Thành ủy, hồi tháng 5, khi phát hiện 2 ca dương tính tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì dịch đã "ung thư, di căn" ở chỗ khác từ lâu.
Khi đó, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 và cục bộ Chỉ thị 16 để giãn cách xã hội. Tinh thần là "không mặc chung một áo đồng phục" cho thành phố để tránh bị tác động nhiều mặt.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kể về giai đoạn chống dịch khốc liệt của TP.HCM. Ảnh: HMC. |
Giai đoạn đó, trong xét nghiệm, TP.HCM đã sử dụng "vũ khí chậm" là xét nghiệm PCR nhưng lại làm số lượng lớn.
"Đầu tiên lấy 40.000 mẫu nhưng đơn vị trả kết quả năng lực chỉ 10.000 nên phải chờ đợi. Mà sự chờ đợi đó qua 24 giờ, 48 giờ, có lúc kẹt máy thì 7 ngày mới trả kết quả. Đâu còn giá trị! Vũ khí chiến đấu không phù hợp dù làm rất tích cực, mà cũng chưa biết nó (chủng Delta - PV) lây kiểu gì do không có cảnh báo nào rõ ràng hết", ông Nên thẳng thắn nhìn nhận.
Có lúc, TP.HCM đặt chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày, quyết tâm, quyết liệt huy động lực lượng nhưng trả kết quả cũng chỉ vài chục nghìn.
Đặc biệt khi đó, TP.HCM chưa có vaccine nên chỉ tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến. "Ai khỏe vượt qua, ai bệnh nằm viện, cái đó tạo ra căng thẳng cực lớn. Phải ngăn chặn nguồn lây, giữ F0 lại nhưng giữ không biết làm gì", ông Nguyễn Văn Nên kể lại giai đoạn khi TP.HCM chưa có thuốc điều trị Covid-19.
Tại sao TP.HCM không tuyên bố tình trạng khẩn cấp?
Vượt qua giai đoạn đó, vaccine được đưa về, TP.HCM cũng chuyển sang tập trung xét nghiệm bằng test nhanh. Nhưng ngay sau đó, Chính phủ ra Nghị quyết 86, giao TP.HCM phấn đấu trước 15/9 phải kiểm soát được dịch.
"Nhìn lại lực lượng, vũ khí, năng lực, TP.HCM thấy không thể nên đề nghị Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép áp dụng biện pháp cao nhất là tình trạng khẩn cấp. Sau cùng quyết định sử dụng các biện pháp khẩn cấp nhưng không tuyên bố tình trạng khẩn cấp", ông Nên kể lại.
Bí thư Nguyễn Văn Nên trong chuyến kiểm tra chợ Bình Điền. Ảnh: Chí Hùng. |
Người đứng đầu Thành ủy chia sẻ nhiều người hỏi Bắc Giang, Đà Nẵng kiểm soát được dịch nhưng đến TP.HCM lại nhiều khó khăn. Ông Nên nhận định vấn đề là đặc điểm khác nhau giữa các địa phương.
Ví dụ, Bắc Giang khi cần giãn khoảng 40.000 dân thì bộ đội dời đi, nhường doanh trại cho dân. Tại TP.HCM, có giai đoạn Bình Tân báo tình hình rất căng, không thể giãn cách được. Hàng trăm nghìn dân cần di dời nhưng không biết đưa đi đâu bởi Cần Giờ hay Củ Chi cũng không đủ sức. Nhiều địa phương dịch kéo dài lê thê đều có đặc điểm chung là mật độ dân số cao như Bình Tân, Bình Chánh, quận 8, quận 4.
Khi TP.HCM chuẩn bị cho giai đoạn tái thiết thì nhiều người dân đi về quê. TP.HCM đã dự báo tình hình này và kêu gọi người dân ở lại tiêm vaccine, tổ chức đưa người có nhu cầu về quê nhằm không ảnh hưởng đến làng xóm, gia đình.
"Nhưng bà con sốt ruột quá, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng lâu nên khi chờ tới ngày 30/9 thì cản không được", ông Nên kể.
Thành phố đang tuyên truyền để bà con cố gắng thêm một thời gian nữa bởi nhiều địa phương, gia đình cũng đã quá tải. Với trường hợp đặc biệt, có nhu cầu cấp thiết, thành phố sẽ tạo điều kiện để đưa về.
Về kế hoạch giai đoạn tới, Bí thư Nên cho biết TP.HCM đang chuẩn bị nhiều chiến lược để phục hồi kinh tế trên nhiều mặt. Bên cạnh đó, TP cũng đang chia sẻ với các tỉnh. Tỉnh nào khó khăn, thành phố sẵn sàng chuyển máy xét nghiệm, lực lượng, hỗ trợ kit test nhanh...
TP.HCM cần tính toán kỹ chỉ tiêu thu ngân sách
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội TP.HCM, chia sẻ đã 2 tháng nay, Bộ Y tế chưa hướng dẫn tiêu chí thế nào là thành phố/tỉnh kiểm soát được dịch. Ông cho rằng thời gian này là "quá lâu" và trong lúc chờ đợi, TP.HCM cần tham khảo kinh nghiệm của các nước khác.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, một ngày nếu không quá 5 người nhiễm mới/100.000 dân thì có thể coi là bình thường mới. Đối chiếu với TP.HCM, ông Nhân cho rằng nếu một ngày không quá 500 ca nhiễm mới có thể coi là có ca nhiễm nhưng không có dịch. TP.HCM có thể áp dụng cách thức tương tự với các quận, huyện để biết kiểm soát dịch đến đâu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến góp ý tại hội nghị. Ảnh: HMC. |
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện các doanh nghiệp tại TP.HCM gặp khó khăn rất nhiều, đặc biệt là đang thiếu tiền. Ông kiến nghị trước 30/10, TP.HCM cùng hiệp hội doanh nghiệp sớm lên danh sách những doanh nghiệp cần hỗ trợ để duy trì trả lương tối thiểu cho người lao động.
TP.HCM cũng nên giãn tiền thuê đất đến tháng 6/2022 cho các doanh nghiệp không sản xuất thời gian qua.
Ngoài ra, ông Nhân cho rằng chi phí xét nghiệm đang là gánh nặng với doanh nghiệp. Do đó, từ nay đến hết tháng 12, Chính phủ nên chịu các chi phí phục vụ phòng chống dịch cho doanh nghiệp, gồm vaccine và xét nghiệm.
Bình luận về mục tiêu đạt trên 90% thu ngân sách năm 2021, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thành phố nên tính kỹ để phấn đấu đúng mức, nếu không sẽ khó hoàn thành.
Theo tính toán, do ảnh hưởng của dịch, tăng trưởng kinh tế năm 2021 của TP.HCM dự kiến là -5%, trong khi đó, chỉ tiêu đặt ra ban đầu là 6%. Như vậy, mức tăng trưởng thấp hơn kế hoạch 11%. Với mức tăng trưởng này, TP.HCM cần tính toán thu ngân sách bao nhiêu là vừa.