Chiều 20/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, có chuyến công tác tại TP.HCM và làm việc với lãnh đạo của thành phố về vấn đề vaccine.
"Trong 10 ngày tới phải áp dụng quyết liệt các biện pháp"
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế cùng các bộ, ngành khác luôn theo dõi và đánh giá tình hình tổ chức tại thành phố. Ngành y tế đánh giá cao nỗ lực trong các biện pháp phòng, chống dịch trong triển khai Chỉ thị 16 và các biện pháp như giám sát dịch tễ, khoanh vùng, phong tỏa để kiểm soát dịch.
"Dịch diễn biến phức tạp, khó lường. Đỉnh dịch của thành phố cách đây 3 ngày lên đến khoảng 5.000 ca bệnh nhưng 3 ngày qua đã xuống con số hơn 3.000. Chưa có dấu hiệu khả quan nhưng trong 10 ngày tới phải áp dụng quyết liệt các biện pháp. Đỉnh dịch có đạt được hay không phục thuộc rất lớn vào năng lực của ngành y tế", ông Sơn nói.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hy vọng dịch sẽ giảm xuống 7-10 ngày tới khi áp dụng tối đa giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành khu vực phía nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thu Hằng. |
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành có liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16 nhằm thực hiện bằng được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan trong cộng đồng hiện nay.
"Mấy ngày qua đề ra nhưng chưa đạt được", ông nhận định.
Bí thư chia sẻ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo mạnh mẽ từ Trung ương, đặc biệt là tổ công tác đặc biệt của các bộ tại TP.HCM. Ông đề nghị các bên có sự bàn bạc kịp thời, thống nhất để có phương án, giải pháp hiệu quả để cùng chung tay thực hiện các biện pháp giám sát theo Chỉ thị 16 và nâng cao, siết chặt như mục tiêu đã giao.
Tại cuộc làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự chia sẻ với khó khăn của thành phố cũng như những khó khăn người dân đang phải trải qua trong thời gian giãn cách xã hội, đặc biệt là người nghèo. "Đến giờ này, dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Dự báo những ngày tới, ca nhiễm vẫn còn lớn", ông Đam dẫn lại nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Ông đề nghị thành phố tiếp tục các giải pháp đã bàn để sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bởi lẽ, nếu để ca nhiễm trong cộng đồng và không phát hiện kịp thời thì dịch bệnh sẽ lây lan rất nhanh, dẫn đến nguy cơ tử vong lớn.
Ông yêu cầu một mặt, thành phố phải tiếp tục kiên trì tầm soát F0, đồng thời, chuẩn bị để thu dung lượng lớn F0. Phó thủ tướng nhận định địa bàn TP.HCM rất đặc thù. Ông cho biết đã bàn bạc với Bí thư Nguyễn Văn Nên và tính toán với một số địa bàn đặc thù, tới đây có thể tính đến các biện pháp mạnh mẽ hơn.
"Cách ly nghiêm ngặt là biện pháp tốt nhất lúc này để làm chậm sự lây lan của dịch", ông nhận định. Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch đề nghị tiếp tục chiến lược đang làm tại nơi có nguy cơ cao, đồng thời cố gắng xét nghiệm tần suất cao hơn để kiểm soát khu vực xanh và vàng.
Thống nhất mở rộng cách ly tại gia đình
Về xét nghiệm, Phó thủ tướng nhận định thời gian gần đây đã đi vào quy củ và hiệu quả hơn, do đó, thành phố phát hiện nhiều F0 bởi đánh trúng các điểm nóng. Ông đánh giá việc quan trọng nhất của thành phố hiện nay là giảm tỷ lệ ca nhiễm F0 và các ca diễn biến nặng để hạn chế tử vong.
Phó thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của thành phố trong lập trung tâm thu dung và điều trị Covid-19 và việc trang bị hệ thống oxy cho các khu điều trị. Tuy nhiên, ông cho rằng theo dự báo của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, số ca nhiễm vẫn còn nhiều. Ông đề nghị Bộ Y tế dành ưu tiên tối đa về thiết bị cho TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thu Hằng. |
Thành phố từng kiến nghị với Thủ tướng danh mục 18 loại thiết bị y tế nhưng một số hiện nay chưa mua được. Mục tiêu lớn nhất là tranh thủ trang thiết bị hiện có và cố gắng giải quyết F0 có triệu chứng trở nặng.
Ông Đam cho biết đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương áp dụng cơ chế mua sắm đặc biệt trong điều kiện này để tạo điều kiện tối đa về trang thiết bị, vật tư cho tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là hồi sức cấp cứu. Ông nói đã yêu cầu Bộ Y tế đảm bảo tất cả các bệnh viện, khu điều trị không thiếu đồ bảo hộ, vật tư an toàn.
Về cách ly, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất mở rộng cách ly tại gia đình. Bên cạnh đó, ông đề nghị các loại hình phân phối đảm bảo an toàn thì đều từng bước mở cửa lại, dù là chợ hay siêu thị. "Tôi mong mọi việc diễn ra như Thứ trưởng Sơn đã nói, tức sau một tuần đến 10 ngày nữa, nếu làm tốt những điều đã thống nhất với nhau thì tình hình dịch sẽ được kiểm soát", ông Đam nhận định.
Chỉ thị 16 được áp dụng toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.
Sau 10 ngày áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Ngày 18/7, TP.HCM ghi nhận kỷ mục mới với 4.692 ca nhiễm trong ngày. Từ 27/4 đến tối 20/7, TP.HCM ghi nhận 37.787 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.