Chiều 24/5, Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận tại tổ về dự án Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong đó, quy định kỷ luật cán bộ về hưu lần đầu được đưa ra trong luật và được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.
Băn khoăn hệ quả pháp lý
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết tùy tính chất, mức độ vi phạm, người về hưu có vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quốc hội. |
Ông Tân cũng nêu một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính pháp lý vì đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm, ví dụ những văn bản, quyết định của những người này ký còn hiệu lực hay không.
Bảo vệ quan điểm bổ sung quy định trên là phù hợp, Chính phủ cho rằng đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên quá trình thực hiện có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý. Vì vậy, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở nghị định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đại diện cơ quan thẩm tra luật đề nghị nghiên cứu quy định về các hình thức xử lý kỷ luật phải bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cá nhân về vật chất, tinh thần mà người có hành vi vi phạm đã được hưởng, để có tính răn đe, thuyết phục cao hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) nhận định việc xử lý cán bộ nghỉ hưu có vi phạm vừa qua đang làm rất tốt, tạo ra hiệu ứng trong công tác xây dựng, chỉnh đối Đảng, xây dựng chính quyền, phòng chống tham nhũng.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà. Ảnh: H.V. |
Tuy nhiên, việc luật hoá cần cụ thể để rõ tính pháp lý của những văn bản mà ngày xưa những người này giữ chức vụ chịu trách nhiệm.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đặt vấn đề một hiệu trưởng trường đại học ký bằng tốt nghiệp đại học, giờ ông ấy bị cách chức thì có phải đổi bằng không?
Rồi ông hiệu trưởng ấy sau đó còn làm lên Thứ trưởng, Bộ trưởng nữa rồi mới nghỉ hưu. “Người này bị cách chức hiệu trưởng do sai phạm ở thời điểm đó, thì không biết chức Thứ trưởng, Bộ trưởng sau này thế nào? Cái này cũng phải nghiên cứu”, ông Trà đặt vấn đề.
Cần hình thức kỷ luật thiết thực hơn
Nữ đại biểu Giàng Páo Mỷ, Bí thư Lai Châu, nêu thực tế tại địa phương vừa qua có một loạt công chức, cán bộ vi phạm, tuy nhiên họ đã nghỉ hưu. Do vậy, bây giờ chỉ xử lý về mặt Đảng tại nơi họ sinh sống chứ không giải quyết được gì.
Bên cạnh đó, những công chức, cán bộ đã về hưu này cũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ ở mức khiển trách, cảnh cáo, hoặc “kiểm điểm sâu sắc”.
Đại biểu Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu. Ảnh: Quốc hội. |
“Tỉnh tôi có mấy đồng chí như nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên Giám đốc Sở Y tế mắc sai phạm nhưng cũng không xử lý được và cũng chẳng giải quyết được điều gì vì họ đã 'hạ cánh an toàn'. Vì vậy, tôi đề nghị cần phải có quy định rõ hơn”, bà Mỷ đề nghị.
Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu cũng cho rằng cần có những hình thức xử phạt cụ thể để có sự răn đe cho những người sau, tránh trường hợp cán bộ trước như thế, cán bộ sau cũng có thể làm được, thậm chí làm “quá hơn”.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Trang (Vĩnh Long) cho rằng việc xử lý nghiêm một số cán bộ nghỉ hưu có vi phạm trong quá trình công tác trước đây đã tạo hiệu ứng đồng tình trong xã hội, cán bộ "hạ cánh không an toàn". Tuy nhiên nữ đại biểu đề nghị cân nhắc để quy định sao cho phù hợp.
“Xử lý cán bộ vi phạm thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, Nhà nước nhưng là cán bộ với nhau cũng thấy xót xa. Luật hoá cũng cần cân nhắc thấu đáo, vừa đảm bảo tính pháp lý và đạo lý”, nữ đại biểu nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang. Ảnh: Quốc hội. |
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng đã nghỉ hưu không phải công chức nữa nên cách chức vụ “nguyên” hay “cựu” cũng không có ý nghĩa.
Theo ông, trong hệ thống pháp luật không có chức danh “nguyên” hay “cựu”, cũng không ai bổ nhiệm chức danh ấy, mà không có thì không thể cách được, phải có hình thức xử lý kỷ luật thiết thực hơn.
“Ví dụ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ mà ông vi phạm thì tính từ thời điểm vi phạm đến khi về hưu, ông được hưởng phụ cấp mức nào thì sẽ tính phạt tiền theo mức ấy, như vậy sẽ thiết thực và có tác động mạnh mẽ hơn”, ông Giang đề xuất.