Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Tại Điều 84 dự thảo luật này quy định cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, với người đã nghỉ hưu, pháp luật hiện hành điều chỉnh về hình sự, hành chính, dân sự là không có vấn đề gì vì đều có quy định thời hiệu hay không rất cụ thể. Tuy nhiên, kỷ luật lại là vấn đề lớn và khác, vừa mang tính pháp lý vừa mang tính chính trị.
Xoá tư cách nguyên bộ trưởng, người bị kỷ luật mất gì?
Đề cập đến hình thức kỷ luật xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm, bà Lê Thị Nga cho rằng nên cân nhắc quy định cho chuẩn.
"Xoá là xoá cái đang hiện hữu, tồn tại, không thể xoá cái không còn", bà nói và dẫn chứng một bộ trưởng nghỉ hưu được hưởng những gì bắt nguồn từ chức vụ trước đây họ đảm nhiệm. Ví dụ các quyền lợi về tinh thần, vật chất như được vinh danh, đưa vào bảng vàng truyền thống của bộ, được hưởng chế độ nghỉ dưỡng, khi từ trần được hưởng một số chế độ chính sách…
Ông Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Dù vừa qua chúng ta đã tiến hành kỷ luật bằng hình thức xoá tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương của ông Vũ Huy Hoàng, nhưng bà Nga đề nghị ban soạn thảo luật cần tiếp tục cân nhắc. Khi xoá tư cách Bộ trưởng của một người sẽ đặt ra vấn đề về những văn bản mà người đó đã ký với tư cách một chủ thể về mặt nhà nước của cơ quan đó. Vậy những văn bản bộ trưởng đó đã ký nếu không bị pháp luật bác bỏ thì có còn hiệu lực?
Theo bà Nga, đây là vấn đề lớn nên cần làm rõ khái niệm, xoá là xoá các quyền lợi về tinh thần, vật chất mà người đó được hưởng bắt nguồn từ chức vụ họ đã đảm nhiệm trước khi nghỉ hưu, tức là quyền về nhân thân gắn với chức vụ đó. Còn những quyền khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… không gắn với chức vụ bộ trưởng ấy thì họ vẫn được hưởng bình thường.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Quốc hội. |
Liên quan đến quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật, bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình nhưng lưu ý thêm quy định "với hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật".
Bà đề nghị làm rõ vấn đề này để có hướng dẫn cụ thể, tránh trường hợp đặt một người vào cảnh “đến chết vẫn có thể bị xử lý kỷ luật”.
Công văn, giấy tờ người bị kỷ luật ký vẫn có giá trị pháp lý
Ủng hộ cần quy định trong luật việc kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu nhưng có vi phạm trong thời gian công tác, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng việc này thể hiện sự răn đe và đáp ứng thực tiễn thời gian qua. Chúng ta đã xử lý một số trường hợp cán bộ cấp cao có vi phạm, được người dân và xã hội đồng tình. Tuy nhiên, ông góp ý nên cân nhắc có giới hạn hồi tố trong thời gian nào đó, ví dụ khoảng 3-5 năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình lưu ý nên quy định rõ chỉ xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm với cán bộ đó. Còn về tư cách pháp lý mà chức danh đó nhân danh theo tổ chức thực hiện vẫn còn giá trị, nếu không sẽ rất rối vì những người đó đã ký hàng loạt công văn, giấy tờ...
“Tôi chưa hình dung được hết nhưng đồng ý cần có thời hạn. Đừng để lơ lửng rồi mang ra kỷ luật bất cứ lúc nào”, ông Bình nêu quan điểm.
Giải trình về một số băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh về hưu là không còn giữ chức vụ nữa nên không dùng từ “cách chức” mà dùng từ “xoá tư cách”.
Ông nói rõ một người giữ hai nhiệm kỳ thì vi phạm ở nhiệm kỳ nào sẽ bị xoá tư cách nhiệm kỳ đó. Tương tự, người chuyển công tác sang cơ quan khác thì bị xử lý về vi phạm trước đó ở cơ quan cũ, hay cán bộ từ địa phương lên cũng tương tự, tức chỉ xử lý ở thời điểm mà người đó có vi phạm.
Bộ trưởng Nội vụ cũng nhấn mạnh nếu kỷ luật cũng chỉ xử lý về quyền lợi từ chức danh đó mang lại, còn quyền lợi khác theo quy định vẫn được giữ.