Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận Tây Hồ được ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhắc tới trong buổi làm việc với lãnh đạo quận này vào ngày 28/2.
Bí thư Hà Nội nhấn mạnh đừng nghĩ chỉ làm một hai ngày là xong, đừng làm phong trào, phải làm thường xuyên, nếu chưa làm được việc đó là chưa thành công.
"Cơ quan chức năng đã kẻ vạch sơn chỗ dựng xe máy, chỗ cho người đi bộ, chỗ nào được phép kinh doanh đều rất rõ. Các quận đều đã làm nhiều năm nay rồi. Chúng ta phải tiếp tục duy trì”, Bí thư Hà Nội nói.
Tại phường Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Mã lực lượng công an phường, dân phòng bắt đầu ra quân xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Việt Hùng. |
Về vấn đề môi trường, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nhắc lại sự cố ô nhiễm môi trường hồ Tây (năm 2016). Các đơn vị hết sức nỗ lực để khắc phục và không để lan rộng.
“Chúng ta quản lý hồ Tây, hồ Trúc Bạch và một số hồ liên quan, bãi đê sông Hồng nữa, có thể nói là địa bàn trọng điểm về du lịch nên việc bảo đảm an toàn về môi trường luôn luôn là nhiệm vụ số một”, ông Hải nêu.
Tại buổi làm việc, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác thuỷ sản trong phạm vi quản lý hồ Tây.
“Sau khi thành phố có chỉ đạo dừng việc nuôi trồng thuỷ sản, nuôi thả cá ở hồ Tây, Sở đã có yêu cầu ngừng toàn bộ việc nuôi thả cá, phải kiểm soát toàn bộ nguồn nước thải vào hồ Tây”, ông Mỹ cho hay.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết Hà Nội sẽ cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hoá tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hoá, thể thao du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.