Sáng 23/3, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức chương trình “Đối thoại tháng 3: Vai trò và trách nhiệm của thanh niên trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”.
Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng đối thoại với thanh niên. Ảnh: Đoàn Nguyên |
Lãnh đạo Đà Nẵng chỉ ra tật xấu của giới trẻ
Sau một lúc lắng nghe ý kiến phát biểu của các thanh niên, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, lo lắng: "Sáng đi đường, tôi để ý ở các quán cà phê thấy thanh niên ngồi nhiều quá, cho dù hôm nay không phải cuối tuần".
Vị lãnh đạo này nói tiếp, sự phát triển của TP Đà Nẵng như thế nào trong tương lai, phần lớn đều trông chờ vào thế hệ trẻ. Thế hệ lãnh đạo hôm nay rồi cũng sẽ già đi và về hưu. Để tạo tiền đề cho giới trẻ sau này, lãnh đạo TP cũng đã tạo môi trường giao lưu, học tập cho mọi người như thành lập con đường sách, các quán cà phê đọc sách...
"Đến đó các bạn cũng uống cà phê nhưng có thể dành thời gian trao đổi nhiều hơn về các vấn đề của đất nước, thành phố, các vấn đề văn hóa, văn minh đô thị. Ngồi cà phê như vậy thì không vô bổ”, ông Thơ nhấn mạnh.
Theo ông, thay vì ngồi ở quán cà phê hoặc sa đà vào những cuộc nhậu nhẹt vô bổ, các bạn trẻ nên dành thời gian cho việc học tập và nâng cao trình độ. "Cà phê, bia rượu là thói quen khó bỏ nhưng không vì thế mà sa đà. Chúng ta tiêu tốn nguồn năng lượng trẻ ở các quán cà phê, quán nhậu thì quá lãng phí", ông Thơ nói.
Ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tiếp lời: Uống cà phê hay uống chai bia không phải xấu. Vấn đề đặt ra là uống thế nào, thời gian ra sao? Cái đó nằm ở ý thức của mỗi con người. Điều quan trọng là phải rèn luyện. Nếu cứ tối ngày ngồi quán cà phê, đàm đúm hút chích, nhậu nhẹt thì làm sao có trí tuệ được?
Ông Thơ chỉ ra những tật xấu của giới trẻ, như mỗi ngày ông đi tập thể dục thì thấy người già nhiều hơn các bạn trẻ ở sân thể thao. "Tôi thấy các bạn trẻ hiện nay lười thể thao quá. Bọn tôi già thế này vẫn tranh thủ từng giờ, từng phút, cứ hết giờ là ra sân thể thao, nhưng các bạn trẻ thì vắng bóng", ông Thơ nói.
Chị Lê Thị Minh Thảo - Phó tổng giám đốc Công ty thủy sản Thuận Phước đối thoại với lãnh đạo TP. Ảnh: Đoàn Nguyên |
Người tài sẽ được trọng dụng
Chị Lê Thị Minh Thảo - Phó tổng giám đốc Công ty thủy sản Thuận Phước (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), cho biết điều mà giới trẻ đang lo lắng nhất là sau khi học xong không có việc làm. "Nhiều người có tâm huyết, hoài bão nhưng ra trường vẫn phải mỏi mắt tìm việc. Nếu vấn đề này không giải quyết thì sẽ trở thành gánh nặng cho toàn xã hội", chị nói.
Phân tích sâu hơn về thực trạng thanh niên khó xin được việc làm sau khi ra trường, anh Nguyễn Bá Dung - Bí thư huyện đoàn Hòa Vang, cho biết hầu hết sinh viên ra trường còn nhiều hạn chế về kỹ năng sống. Nếu có xin được việc thì họ cũng sống "lay lắt" và sớm bị các doanh nghiệp đào thải. Hậu quả của những thất bại này là đã xuất hiện một số thanh niên sa đà vào con đường nghiện ngập, thậm chí có người còn suy hóa về đạo đức.
Liên quan đến những kiến nghị về việc làm, ông Thơ cho hay vấn đề này không riêng ở Đà Nẵng mà là thực trạng chung ở cả nước. Nhiều đời lãnh đạo cũng đã trăn trở nhưng vẫn chưa thể giải quyết được. Ông hứa lãnh đạo Đà Nẵng sẽ có chiến lược, nghiên cứu con số cụ thể về nguồn lao động cần cung cấp hàng năm trong từng lĩnh vực để định hướng cho thanh niên trong quá trình chọn trường đại học.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là từng sinh viên phải ý thức được ý chí phấn đấu vươn lên. "Còn đối với TP, chúng tôi luôn trải thảm đỏ để sử dụng người tài về làm việc để cùng chung tay xây dựng quê hương", Chủ tịch TP khẳng định.
Chia sẻ những khó khăn mà thanh niên đang gặp phải, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng muốn xây dựng TP mạnh, sạch đẹp thì tất yếu phải dựa vào thế hệ trẻ.
"Lãnh đạo TP luôn dành cho các bạn cơ hội tốt nhất. Những người có đức, có tài chắc chắn sẽ được trọng dụng. Nhưng điều tôi lo lắng là các bạn thanh niên vẫn ngồi ở các quán cà phê và nhậu nhiệt nhiều quá, giảm bớt đi", ông Xuân Anh lo lắng.