Sáng 19/3, gia đình đã tiến hành lo hậu sự cho bà Trần Thị Là (47 tuổi, ngụ thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) - người đã gãy chân và tử vong sáng qua trong Bệnh viện Đà Nẵng sau khi được phẫu thuật sau 10 ngày chờ đợi.
Gia đình kêu cứu Bí thư Thành ủy
Ông Đặng Thiện (chồng nạn nhân) vẫn chưa hết bức xúc cho biết, gia đình đã gửi đơn cầu cứu ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Nguyên nhân là gia đình cho rằng, bệnh viện giữ bà Là đến 10 ngày rồi mới tiến hành phẫu thuật là quá chậm trễ nên mới dẫn đến việc nạn nhân tử vong.
"Vợ tôi đi bộ té ngã gãy chân và ngày 6/3 nhập viện, chờ 10 ngày sau mới được mổ. Khi mổ xong vẫn bình thường nhưng do sai sót trong truyền dịch và máu nên vợ tôi bị co giật rồi chết oan uổng", ông Đặng Thiện (chồng nạn nhân) viết trong đơn cầu cứu.
Con trai bệnh nhân bày tỏ sự bức xúc với các phóng viên. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Con trai nạn nhân tên Đặng Thức, bức xúc: "Trong gần 10 ngày đó, mẹ tôi liên tục kêu đau nhưng các bác sĩ vẫn không có biện pháp tích cực nào. Chúng tôi hỏi thì các bác sĩ bảo cứ chờ đi rồi sẽ đến lượt. Nếu bệnh viện quá tải thì đã đành, đằng này hôm mẹ tôi nhập viện cũng không quá nhiều bệnh nhân đến điều trị".
"Gãy chân thì không thể chết được. Từ trước đến nay vợ tôi không có bệnh tật gì. Hôm 6/3, bà ấy còn đi múa văn nghệ ở xã nữa mà", ông Thiện nói.
Trong đơn kiến nghị gửi đến ông Nguyễn Xuân Anh, gia đình nạn nhân mong ông Xuân Anh thành lập đoàn kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân để làm rõ cái chết oan uổng của bà Là. Đồng thời, họ cũng kiến nghị người đứng đầu TP Đà Nẵng chỉ đạo xử lý nghiêm những người có liên quan.
Tuy nhiên, đến 10h sáng nay, lãnh đạo Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết vẫn chưa nhận được đơn cầu cứu của gia đình nạn nhân.
Bệnh viện không bỏ rơi bệnh nhân
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thạnh - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng phản bác thông tin cho rằng các bác sĩ tắc trách dẫn đến việc bà Là tử vong.
Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết b
à Là tử vong có thể do biến chứng trong y khoa . Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông cho biết, bà này nhập viện lúc 16h10 ngày 6/3 trong tình trạng gãy phức tạp dưới xương đùi do té ngã. "Khi nhập viện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành nẹp bột đùi cẳng bàn chân rồi chuyển bệnh nhân đến Khoa Ngoại chấn thương điều trị tiếp", ông Thạnh thừa nhận.
Theo lãnh đạo bệnh viện, bệnh nhân nhập viện vào ngày chủ nhật. Theo quy định thì thứ 6 mới lên lịch phẫu thuật. Bà Là được xếp lịch mổ vào ngày 15/3 (tức vào thứ 2 của tuần kế tiếp).
"Bệnh nhân vào viện chiều chủ nhật và được xếp lịch mổ vào thứ 3 là nhanh rồi. Bệnh nhân gãy xương kín thì phải chờ mổ theo lịch. Còn nếu là ca cấp cứu thì chúng tôi sẽ mổ ngay. Không có chuyện chúng tôi bỏ rơi bệnh nhân", bác sĩ Lê Đức Nhân - Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng nói.
Theo hồ sơ bệnh án, bà Là được các bác sĩ phẫu thuật lúc 15h ngày15/3. "Tuy nhiên, do ca phẫu thuật kéo dài nên bệnh nhân bị mất khoảng 500ml máu. Bệnh viện chỉ định truyền 2 đơn vị hồng cầu khối O (nhận máu và chuyển SICU thực hiện truyền máu) cho bệnh nhân", bác sĩ Thạnh thông tin.
Liên quan đến việc người nhà bệnh nhân "tố" các bác sĩ truyền nhầm máu cho bà Là, ông Thạnh phản bác: "Các quy định về truyền máu ở bệnh viện được thực hiện rất nghiêm ngặt. Trước lúc tiến hành truyền máu, bệnh nhân cũng được cách ly hoàn toàn và thực hiện chế độ điều trị đặc biệt. Về máu, trước khi truyền cho bệnh nhân đều phải qua 4 lần kiểm tra. Không có chuyện nhầm lẫn như gia đình bệnh nhân phản ánh", ông Thạnh nói.
Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng nói các bác sĩ đã làm đúng quy trình. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Mặc dù nguyên nhân dẫn đến việc nạn nhân tử vong vẫn đang trong quá trình điều tra nhưng tôi có thể khẳng định, đội ngũ y bác sĩ phẫu thuật đã xử trí kịp thời, đảm bảo các qui trình chuyên môn", ông Thạnh nói.
Người đứng đầu Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết thêm: "Qua tìm hiểu y văn, chúng tôi đặt ra hai khả năng: bà Là tử vong do chứng "thuyên tắc mạch phổi" hoặc do sốc phản vệ sau phẫu thuật. Chứng "thuyên tắc mạch phổi" xuất hiện khi phẫu thuật xương và ngay cả sản khoa.
Đặc biệt với phẫu thuật xương dài như bà Là, tỉ lệ mắc chứng này từ 1 đến 3%. Nếu mắc chứng này rồi, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân có thể lên đến 30 %. Tuy nhiên, đây mới là phỏng đoán và còn phải chờ kết luận chính thức của hội đồng".
Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết, đơn vị báo cáo sự việc lên lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Sở cũng đang điều tra và sẽ xử lý nghiêm nếu các bác sĩ bệnh viện tắc trách.
"Quan điểm của Sở là không bao che nếu xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, qua những trình bày của Giám đốc bệnh viện thì tôi tin, bác sĩ đã làm đúng quy trình. Bà Là tử vong có thể do biến chứng trong y khoa", bà Yến nói.