Ngày 1/3, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng tổ chức chương trình tọa đàm mùa Xuân 2019. Đây là lần thứ 2 lãnh đạo Đà Nẵng đối thoại với đại diện 300 doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước.
Kiến nghị 2 năm vẫn chưa được giải quyết
Ông Lê Trí Hải, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng, cho biết từ năm 2018, một số tồn tại vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là công tác cấp phép đầu tư thủ tục hành chính, thẩm định môi trường, giám sát xây dựng kéo dài.
Ông Trương Quang Nghĩa. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Cũng theo vị này, tháng 12/2017, Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để lắng nghe ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp đối với đất cơ sở sản xuất kinh doanh.
Ngày 18/1/2018, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố có đơn kiến nghị giải quyết về chính sách đất đai của chính quyền thành phố đối với doanh nghiệp. "Đến nay, các nội dung kiến nghị vẫn chưa nhận được trả lời chính thức của lãnh đạo thành phố", ông Hải than phiền.
Ông Hải cho biết thêm năm 2012, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận số 2852 về các sai phạm đất đai trên địa bàn thành phố và đề nghị thành phố thu hồi số tiền đã giảm giá 10% (3.400 tỷ đồng bị thất thoát).
"Hai nội dung này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đề nghị thành phố sớm có hướng giải quyết dứt điểm để doanh nghiệp an tâm, ổn định sản xuất kinh doanh", ông Hải kiến nghị.
Ông Takizawa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều quan ngại khi quyết định đầu tư tại Đà Nẵng. Trong đó có sự cấp bách đòi hỏi cần hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, thiếu không gian.
Theo ông Takizawa, các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tìm đất lập văn phòng. Cùng với đó là việc thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, khiến doanh nghiệp Nhật Bản quan ngại.
“Nếu người Đà Nẵng có môi trường sống tốt thì thành phố sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn”, ông Takizawa nói và mong muốn Đà Nẵng sẽ cải thiện hơn nữa chất lượng cuộc sống cho người lao động, trước hết là môi trường sống.
Tháo gỡ nút thắt sai phạm đất đai
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thẳng thắn nhìn nhận thành phố vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề về tổ chức bộ máy, sự kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, nhất là trên các lĩnh vực liên quan đến đất đai, doanh nghiệp.
Theo ông Nghĩa, những hạn chế trên dẫn đến trì trệ, ách tắc, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Người đứng đầu TP Đà Nẵng cho biết việc thực hiện kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ đã gây khó khăn trong quản lý đất đai, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, người dân và doanh nghiệp.
Trung tâm Đà Nẵng chụp từ trên cao. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Thành phố đang tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được một số kết quả. Chúng tôi đã kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề lớn còn tồn tại, vướng mắc, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư", ông Nghĩa nói.
"Chúng tôi coi việc tập trung tháo gỡ kết luận 2852 không chỉ giải quyết khó khăn, vướng mắc, mà qua đó, khơi thông nguồn lực từ đất đai để doanh nghiệp và thành phố phát triển", Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh.
Ông Trương Quang Nghĩa cam kết với cộng đồng doanh nghiệp về việc chú trọng tính minh bạch, hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách. Địa phương sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn, minh bạch, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất.
Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết, Đà Nẵng sẽ báo cáo các bộ, ngành Trung ương trong thời gian sớm nhất.
Kết luận tọa đàm, ông Nghĩa khẳng định thành phố sẽ duy trì các kênh thông tin, đặc biệt các cuộc làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn.
"Đó là cam kết của cá nhân tôi, nhằm lắng nghe với tinh thần cầu thị các góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, rất mong cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, phản ánh những khó khăn, vướng mắc", ông Nghĩa chốt lại.