Ngày 22/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng lãnh đạo sở, ngành họp bàn với cán bộ chủ chốt huyện Hòa Vang tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Yêu cầu xử lý dứt điểm hai nhà máy thép gây ô nhiễm
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Trường Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (Đà Nẵng), cho biết huyện có 305 dự án được phê duyệt, trong đó 30 dự án được giải tỏa. Tuy nhiên vướng mắc của huyện hiện nay là thiếu quỹ đất tái định cư để bố trí cho người dân. Trong khi đó, địa phương có đến 500 ha đất không thể canh tác sản xuất.
Ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hoà Vang, phản ánh về vướng mắc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Chúng tôi cần gần 3.000 lô đất tái định cư cho người dân để thực hiện giải tỏa các dự án. Thiếu quỹ đất tái định cư đã gây không ít khó khăn trong việc bố trí dân cư của địa phương", ông Thường nói.
Để tháo gỡ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng cần phải tuân thủ, căn cứ trên quy hoạch chi tiết. Có thể phải di dời dân phục vụ phát triển công nghiệp tuy nhiên hai nhà máy Dana (Italia) và Dana (Australia) không nằm trong quy hoạch lại gây ô nhiễm thì phải cân nhắc kỹ.
Ông Nghĩa nhấn mạnh sản xuất thép không phải là ngành mà Đà Nẵng đang cần. Do vậy cơ quan chức năng cần giải quyết rốt ráo một lần cho xong, không để kéo dài dai dẳng, phá vỡ quy hoạch các ngành khác.
Hai nhà máy thép tồn tại gây ô nhiễm đang tồn tại mâu thuẫn với cuộc sống người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cần giám sát chặt chẽ. Nếu hai nhà máy này gây tiếng ồn, khói bụi ảnh hưởng cuộc sống người dân thì buộc phải dừng hoạt động.
"Quá trình phát triển nóng vừa rồi, các chính sách kêu gọi đầu tư, Đà Nẵng đang phải tập trung giải quyết hậu quả. Vừa rồi tiếp xúc cử tri, bà con cũng phản ánh không thể cái sai của chính quyền thành phố mà bắt người dân phải gánh chịu", Bí thư Đà Nẵng nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa. Ảnh: Minh Hoàng. |
Liên quan đến 500 ha ở huyện Hoà Vang rơi vào tình cảnh bỏ hoang, ông Nghĩa cho rằng để đất đai lãng phí như vậy là "có tội" với người dân; đồng thời giao cho sở, ngành liên quan sớm hỗ trợ địa phương tháo gỡ.
Về quy hoạch đô thị huyện Hòa Vang, ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị TP, nhận định Hòa Vang được đánh giá là nơi nhiều tiềm năng về tài nguyên, có thể ví là “Vành đai xanh" quý giá của đô thị Đà Nẵng.
Thời gian tới, Bí thư Thành ủy khuyến khích Hòa Vang mời gọi nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các dự án ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, năng suất cao, phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ đặc trưng gắn với bảo vệ sinh thái rừng... Thành phố đang huy động nguồn lực trong nước, quốc tế rà soát, quy hoạch không gian đô thị, trong đó có trung tâm huyện Hòa Vang để phát triển xứng tầm, không còn hộ đói nghèo.
Nỗ lực bảo vệ môi trường rừng, biển
Chia sẻ định hướng phát triển đô thị, ông Nghĩa cho hay, Đà Nẵng đang mời gọi đầu tư nhiều dự án trọng tâm, trọng điểm ưu tiên bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái rừng... để đến năm 2020 thành phố thật sự sạch, không còn ô nhiễm. Đà Nẵng chú trọng bảo tồn, phát triển vùng sinh thái rừng có hệ sinh quyển, lưu giữ nguồn nước.
Đà Nẵng đặt mục tiêu năm 2020 đạt chuẩn "Thành phố sạch, không ô nhiễm". Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo dự báo của các chuyên gia, 10 năm tới, tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng sẽ rất "khủng khiếp". Hiện quỹ đất của thành phố vẫn đủ sức để giải quyết nhu cầu nhà ở cho hơn 3 triệu người dân. Bài toán đặt ra ở khâu quản lý là làm quy hoạch sao cho hài hòa vừa tránh gây thất thoát, lãng phí vừa thân thiện với môi trường.
"TP Đà Nẵng hơn các thành phố khác là vừa có biển vừa có rừng. Nếu chúng ta không biết gìn giữ, phát triển thêm thì đến một ngày nào đó sẽ phá vỡ hết, đến một lúc nào đó có hối hận cũng không kịp. Do vậy, các cấp, các ngành cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo hợp lý, thân thiện với môi trường theo hướng đó", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.