Y sĩ Lê Văn Liêm đang thăm khám vết rắn cắn |
Theo trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc trại rắn Đồng Tâm, lúc nhập viện, chị Hồng lâm vào tình trạng nguy kich bởi nọc độc rắn chàm quạp khiến nạn nhân bị rối loạn đông máu, xuất huyết nội tạng, xuất huyết da, niêm mạc dẫn đến tử vong nếu không kịp thời cứu chữa.
Ngay khi xác định vết cắn do rắn chàm quạp, chị Hồng được dùng kháng huyết thanh chiết xuất từ chính nọc loài rắn độc này, mới có thể ngăn chặn tình trạng nguy kịch.
Đến sáng hôm nay 26/9, sức khỏe chị Hồng đã hồi phục nhanh chóng. Bác sĩ Lương còn cho biết thêm, chỉ cần điều trị khoảng 5 ngày nữa là bệnh nhân có thể xuất viện.
Sáng 26/9, chị Hồng và người thân đã nở nụ cười tươi vì thoát chết do rắn độc cắn. |
Được biết, chị Hồng và gia đình đang sinh sống tại tỉnh Sanavakhet, nước bạn Lào. Sau khi phát hiện bị rắn cắn, chị Hồng được người thân chuyển đến một bệnh viện gần nơi sinh sống để sơ cứu, sau đó tiếp tục chuyển về bệnh viện Ngọc Hồi và Gia Lai.
Sau đó, chị Hồng được gia đình chuyển bằng máy bay để đến được trại rắn Đồng Tâm, nơi cấp cứu rắn độc cắn hiệu quả đứng đầu cả nước.
Cũng theo bác sĩ Lương, ngay khi bị rắn độc cắn thì sơ cứu nhằm ngăn chặn nọc rắn phát tác, kéo dài thời gian chịu đựng của cơ thể là điều cấp thiết. Tuy nhiên, để cứu được nạn nhân khỏi tử vong thì điều quan trọng nhất là xác định đúng loại rắn độc nào cắn.
Trại rắn Đồng Tâm hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước về năng lực cứu sống nạn nhân bị rắn độc cắn |
“Bởi rắn độc nào cắn thì phải dùng chính kháng huyết thanh chiết xuất từ chính nọc rắn độc ấy mới trị được mà thôi”, bác sĩ Lương khẳng định.
Là nơi chuyên bảo tồn, nuôi dưỡng, nghiên cứu về rắn, các chuyên gia thuộc khoa cấp cứu rắn độc cắn tại trại rắn Đồng Tâm có nhiều kinh nghiệm “nhìn vết cắn, đoán loại rắn”.
Thêm vào đó, các nghiên cứu về tập quán, thói quen, địa bàn của từng loại rắn độc cũng giúp các chuyên gia nhanh chóng “khoanh vùng” khi biết nạn nhân sinh sống tại địa phương nào, cũng như thời điểm bị rắn cắn.