Gần cuối tháng 8, đang nằm ngủ một mình trên giường, chị Phạm Thị Dung (39 tuổi, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) bất ngờ bị con rắn cạp nia cỡ lớn cắn vào chân. Chị được sơ cứu và đưa đến nhà một thầy lang ở xã Vĩnh Yên nhưng vừa dùng thuốc thì toàn thân tím tái, sùi bọt mép.
Người nhà đã đưa chị đến Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc cấp cứu. Tình trạng sức khỏe diễn biến xấu, chị tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu. Tuy nhiên, do chất độc đã ngấm sâu vào cơ thể nên chị Dung tử vong không lâu sau.
Rắn mò cả vào máy giặt nhà dân. Ảnh: Dân Việt |
Nửa tháng sau, tại miền Tây cũng liên tiếp xảy các vụ rắn lục đuôi đỏ bò vào tận giường cắn trẻ em đang ngủ. Cụ thể, cháu Tăng Hữu Hưng (11 tuổi, ở TP Cần Thơ) bị rắn cắn vào mu bàn tay, dẫn đến rối loạn đông máu nặng. Cháu Nguyễn Đăng Khoa (30 tháng tuổi, ở Vĩnh Long) cũng bị rắn cắn vào bàn tay. Sau khi được điều trị phác đồ huyết thanh kháng nọc rắn, hiện sức khỏe bé đã ổn định.
Gần đây nhất, sáng 23/9, người giúp việc của gia đình anh V.Đ.P. (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) báo máy giặt trên lầu bị kẹt, áo quần không giặt được. Nghĩ rác làm cho lồng máy không quay được, anh P thò tay vào trong thì thì sờ trúng... một con rắn hổ.
"Lúc đó tôi muốn xỉu luôn. Con rắn hổ nằm cuộn trong máy giặt, song may mắn là nó đã chết, nếu không thì...", anh P. vẫn còn run khi kể lại.
Rắn vào trú ẩn, không liên quan đến tâm linh
Trước tình trạng rắn xuất hiện bất ngờ làm người dân hoang mang, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học cho biết, đây là loài bò sát máu lạnh, thích những chỗ đất ẩm thấp, mát để trú ẩn. Vì thế, việc rắn bò vào nhà dân có thể lý giải đơn giản là tìm nơi trú ẩn, không phải hiện tượng gì bất thường hay liên quan đến tâm linh.
Theo TS Huỳnh, rắn tìm vào nhà dân thường không phải loại rắn độc nhất. Các gia đình cần chú ý dọn dẹp cây cối, phát quang bụi rậm, không nên ngủ dưới nền đất ẩm để đề phòng rắn. Ngoài ra, người dân phải thường xuyên chú ý tới những khu vực xung quanh bể nước, bồn tắm, máy giặt vì đây cũng là những khu vực mát, rắn thích trú ẩn.
"Rắn sẽ không cắn nếu con người không có tác động đến nó. Khi đối diện với rắn người dân cần hết sức bình tĩnh, nên tìm dụng cụ để xua đuổi. Các gia đình cũng không cần phun thuốc hay hóa chất để diệt", TS Huỳnh nhấn mạnh.
Đặc biệt, Chủ tịch Hội động vật học khuyến cáo, người dân khi bị rắn cắn không biết rắn độc hay không cần nhanh chóng dùng sợi vải hay dây buộc tương đối chặt chỗ bị cắn và khẩn trương tìm đến cơ sở y tế để kiểm tra. Nếu rắn độc cắn, chỗ bị thương sẽ sưng lên rất nhanh.