Lâm Túc Ngân phá kỷ lục cá nhân tại IRONMAN World Championship. Ảnh: NVCC. |
Lâm Túc Ngân là VĐV Việt Nam duy nhất giành vé dự IRONMAN World Championship (bơi 3,8 km, đạp xe 180 km, chạy 42,2 km) theo diện thành tích. Tại thánh đường của ba môn phối hợp Kona (Hawaii, Mỹ), Ngân phá sâu kỷ lục của bản thân với thành tích 14 giờ 21 phút 23 giây.
Chia sẻ với Zing, Túc Ngân tiết lộ trải nghiệm tuyệt vời tại giải vô địch thế giới và chia sẻ bí quyết để vượt khó trên đường đua đầy gió tại Hawaii.
Tự hào khi lá cờ Việt Nam tung bay tại Kona
- Chúc mừng Ngân vì đã phá kỷ lục bản thân tại IRONMAN World Championship. Cảm xúc của Ngân sau khi về Việt Nam từ Kona?
- Mình đến Kona sớm, ở tại đây 11 ngày. Đây là lần đầu mình tới nơi có chênh lệch múi giờ lớn như thế nên mất hơn 3 ngày mới thích nghi. Những ngày đầu, dinh dưỡng và giấc ngủ bị rối loạn. Mình đến sớm cũng là để chuẩn bị xe đạp và các vật dụng khác cho cuộc đua.
Về cơ bản, mình hài lòng với kết quả và đang háo hức chinh phục mục tiêu và thử thách kế tiếp. Thông thường khi tới cuộc đua, mình khá bị tâm trạng vì đặt mục tiêu cao nhưng lần này thì không. Mình tới với IRONMAN World Championship với tâm thế khá thoải mái nhằm “tận hưởng” cuộc đua trong mơ của dân ba môn toàn thế giới một cách trọn vẹn nhất.
Cuộc đua này cũng mang lại nhiều giá trị. Mình nhận ra bản thân còn tiềm năng khi phá được kỷ lục bản thân dù không hoàn toàn bung sức ở chặng đua này. Thú thật, mình không nghĩ phá được kỷ lục cá nhân ở cả bơi, đạp lẫn chạy bộ, đặc biệt ở cung đường nổi tiếng khó nhằn này.
Sau cuộc đua tại Kona, mình về Việt Nam luôn ngày hôm sau. Với mình, ở nhà vẫn là nhất, có điều kiện hồi phục cùng dinh dưỡng tốt hơn. Ngoài ra, mình có thêm thời gian làm quen múi giờ mới để tiếp tục tập luyện, chinh phục giải đấu kế tiếp. Kona với mình chỉ mới là sự khởi đầu thôi. Trong thời gian tới, mình sẽ tham dự giải ba môn phối hợp tại Phú Quốc. Giải đấu này thiên về sức mạnh thay vì sức bền để khai phá thêm tiềm lực bản thân.
Lâm Túc Ngân là VĐV Việt Nam duy nhất dự IRONMAN World Championship theo diện đạt chuẩn. Ảnh: NVCC. |
- Lý do nào khiến Ngân đạt thành tích tốt như vậy?
- Mình nghĩ có 3 yếu tố. Đầu tiên là tích lũy thể chất. Mình đã chuẩn bị kỹ cho Ironman Championship, tập không phải để hoàn thành mà để dư sức để vẫn bình tâm xử lý những bất trắc trên đường đua.
Thứ hai là điều kiện thời tiết. Trước giải, mình nghe nói Kona rất nóng nhưng thực tế đây không phải là trở ngại với người châu Á, hoặc do mình quen nóng. Gió là cản trở nhất định nhưng mình cũng không gặp vấn đề quá lớn khi đã có sự chuẩn bị.
Thứ ba cũng là điều quan trọng nhất là tâm lý và kinh nghiệm. Mình không ăn được gói gel nào ở đường chạy marathon vì đột nhiên lần này, cơ thể không hấp thụ nổi. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm và sự bình tĩnh, mình đã xử lý thành công và không gặp vấn đề gì.
- Trải nghiệm nào đáng nhớ nhất tại Kona?
- Ngày xưa, mình bỏ qua các cảm xúc khi tham dự các giải đấu do quá tập trung cho thành tích như giải vô địch thế giới tại Nam Phi. Lần này thì khác. Mình đến Kona từ rất sớm và đặt chân đến mọi nơi tại Hawaii để khám phá. Mình tìm ra những vùng đất mới, tìm hiểu văn hóa địa phương. Hành trình này khá trọn vẹn.
Mình đặc biệt ấn tượng bởi ý thức bảo vệ môi trường tại Hawaii. Rùa, san hô được dân địa phương cực kỳ quan tâm và chăm sóc. Ví dụ, kem chống nắng được sử dụng tại đây phải không có chất cấm trong thành phần để để bảo vệ môi trường biển. Đây là điều được Hawaii tuyên truyền đến từng VĐV cũng như khách du lịch. Kem chống nắng tại siêu thị đều được đảm bảo không gây hại cho môi trường thì mới được bán.
- Giây phút giơ cao lá cờ Việt Nam tại Kona mang cho Ngân cảm xúc gì?
- Đoàn Việt Nam diễu hành gần cuối cùng. Và điều ấy mang cho mình cảm xúc đặc biệt: vui xen lẫn tự hào. Mình mong càng có nhiều người, cả Việt kiều thi đấu ở giải này, dưới lá cờ Việt Nam. Gặp gỡ những anh chị người Việt khác khiến mình rất vui.
Nói thật là đi thi đấu ở những giải tầm cỡ quốc tế mới cảm thấy rõ giá trị của những người đồng hương. Mọi người quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau, khiến mình rất vui và rất ấm áp.
- Công tác tổ chức của IRONMAN World Championship có khác biệt gì so với các giải Ironman Ngân từng tham gia?
- Công tác tổ chức của WIC rất tốt. An toàn được đảm bảo tối đa cho VĐV. Đây thực sự là trải nghiệm tuyệt vời cho bất kỳ VĐV nào tham dự. Các trạm tiếp nước còn đầy đủ cả gel trợ lực, thanh năng lượng, nước ngọt, nước tăng lực, đá lạnh... Tình nguyện viên cũng rất chất lượng. Đa phần là các cô chú trung niên và từng tham dự ba môn phối hợp nên rất có kinh nghiệm. Số tình nguyện trẻ có nhưng rất ít.
Họ chuyên nghiệp, hỏi thăm, động viên mình thường xuyên, nói chung hỗ trợ rất nhiệt tình. Ở nhiều giải đấu, khi đạp xe với tốc độ cao, mình thường tóm hụt bình nước ít nhất một lần. Nhưng lần này thì không. Họ biết cách tiếp nước rất chuyên nghiệp.
- Các giải đấu thuộc Ironman ở bất kỳ quốc gia nào về cơ bản đều có những quy chuẩn tổ chức giống nhau, bao gồm cả luật an toàn. Ironman WC đặc biệt rất khó ở đường đua, cũng có khác biệt nhỏ về tổ chức như túi đựng đồ ở khu chuyển tiếp... Ngoài quy chuẩn chung, giải nào cũng có thử thách riêng, có cung đường riêng, vì thế rất khó để so sánh. Thực tế, mỗi giải Ironman đều ý nghĩa riêng, miễn là bản thân mình “tận hưởng” được.
Khác biệt lớn nhất giữa Ironman WC với các giải đấu khác có lẽ là chất lượng VĐV. Các VĐV tham dự đều là những tên tuổi ưu tú nhất của các nhóm tuổi, bất kể quốc gia (vì Ironman cạnh tranh theo nhóm tuổi). Việc giành vé tới Kona đã chứng minh họ xuất sắc thế nào rồi. Đến được Kona cơ bản đã là món quà sau chặng đường đầy cố gắng nên việc tận hưởng cuộc đua một cách trọn vẹn nhất luôn là kim chỉ nam cho các vận động viên đến đây.
Nước ngọt quyết định cuộc đua
- Khoảnh khắc nào Ngân nhớ nhất?
- Trong quá trình đạp xe, mình bị xịt lốp và mắc lỗi do rơi vào tình thế núp gió bất đắc dĩ nên bị phạt 5 phút. Thật ra, việc giữ được tinh thần thoải mái đã giúp mình xử lý mọi vấn đề mượt mà.
Đây là giải đầu tiên mình thử nghiệm sử dụng nước ngọt để bổ sung năng lượng. Đó là thời điểm bắt đầu chạy bộ, khi mở gói gel đầu tiên, chỉ ngửi thôi là mình đã buồn nôn. Mình nhận ra cơ thể bắt đầu không hấp thụ nổi hoặc do mình vẫn ngán từ đợt giải tháng 3 vừa rồi.
Nhịp tim lúc ấy vẫn an toàn, mình hiểu rõ và lắng nghe tốt cơ thể nên mình tự ra quyết định sử dụng nước ngọt. Kinh nghiệm này dạy cho mình là dù thế nào, quan trọng nhất là chúng ta phải hiểu chính mình, học cách cảm nhận mọi thay đổi của cơ thể ngay từ những buổi tập, từ đó có sự điều chỉnh tốt hơn.
Trên đoạn đường chạy, mỗi trạm nước cách nhau tầm 2,5 km - 4 km nên cứ mỗi trạm, mình lại uống 2,3 ngụm nước ngọt để duy trì lượng đường, cứ như thế tới hết 42,2km. Mình chạy ở cường độ nhẹ nhàng, vùng tim ở zone 2 nên cơ bản, mọi thứ dễ kiểm soát hơn.
Về cơ bản, đường trong nước ngọt là đường đơn, mang năng lượng tức thì nên phù hợp sử dụng khi cơ thể ở trạng thái nhạy cảm. Nước ngọt mình sử dụng đa số không còn khí gas nhiều nên hạn chế việc khó chịu, mang cảm giác an toàn hơn.
Mình cũng sử dụng viên điện giải để bù muối để tránh chuột rút song song với nước ngọt. Trường hợp này mình cũng đã lường trước khi đọc các tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm từ các VĐV khác. Việc xử lý cũng khá đơn giản, chưa kể mình tập luyện khá “dư” để hoàn thành.
Thông thường, trong chặng đua marathon, mình sẽ chạm ngưỡng (hit the wall) vào km từ 32-35. Cùng với khí hậu nóng và khắc nghiệt tại Kona, mình chủ động chạy an toàn khi phải điều chỉnh và áp dụng chiến thuật dinh dưỡng mới. Vùng tim lúc chạy của mình chỉ là 129. Mình về đích vẫn rất thoải mái khi chạy tốc độ chậm.
Gió và dốc ở Kona là một trong những trở ngại lớn của VĐV ba môn phối hợp. Ảnh: NVCC. |
Đạp xe thực tế là phần đua khắc nghiệt nhất. “Đặc sản” của Kona là dốc ngược đứng và gió ngang. Vận tốc đạp xe đôi lúc chỉ rơi vào khoảng 9 km/h. Muốn đạp xe cũng không đi nổi.
Bơi thì có khó khăn riêng. Bình thường, các giải Ironman diễn ra với việc VĐV đứng trên bờ và chạy lần lượt xuống biển. Nhưng với Kona thì các VĐV sẽ phải bơi ra, đứng nước khoảng 10 phút đợi đến lượt xuất phát. Khi súng lệnh bắt đầu cuộc đua, các VĐV bơi như cá tranh nhau thức ăn vậy, trải nghiệm khá đặc biệt.
- Bạn chuẩn bị thế nào cho dinh dưỡng trước race?
- Kona có giới hạn nhất định về ẩm thực. Các hàng quán ở đây thường chỉ bán đồ ăn nhanh hoặc đồ Tây trong khi mình chỉ thích đồ Á. Các nhà hàng Á ở đây hạn chế nên 70% bữa ăn là Ngân tự đi siêu thị mua đồ để nấu cho hợp khẩu vị.
Mình nghĩ yếu tố quyết định để mình phá kỷ lục cá nhân ở Kona là do có sự chuẩn bị dinh dưỡng tốt trước race, ăn và nạp đủ carb nên dù có trục trặc tí ở phần gel nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
- Khoảnh khắc nào đáng nhớ nhất với bạn tại Kona?
- Có hai khoảnh khắc. Đầu tiên là khi hỏng bánh xe trên đường đạp ở km số 140. Khi ấy, mình chột dạ vì không biết khi nào có thể bắt đầu tiếp.
Thứ hai là khi về đích. Ngoài cảm giác hạnh phúc khi cuối cùng, chặng đường đã trọn vẹn đúng như mong đợi, chưa kể có người thân, bạn bè cùng chung vui. May mắn hơn nữa là giải đấu năm nay là lần cuối MC trứ danh của IRONMAN World Championship, Mike Reilly, cầm mic dẫn chương trình tại Kona. Mike là người sáng tạo ra câu nói nổi tiếng “You’re Ironman”. Ông ấy đã dẫn gắn bó với WIC hơn 30 năm. Và đây sẽ là lần cuối cùng Mike xuất hiện trước khi giải nghệ.
- Dự định của bạn sau khi trở về từ Kona?
- Mình đang chuyển hướng sang thi đấu cự ly ngắn, gần nhất là giải ở Phú Quốc với cự ly bơi 1,5 km, đạp xe 40 km và chạy 10 km. Đây là hệ sức mạnh thay vì sức bền. Cơ thể của mình hấp thụ carb chỉ ở mức 3/10 và chỉ số Endurance chỉ ở mức 2/10. Mình chuyển sang hệ sức mạnh để xem cơ thể phản ứng như thế nào với thế mạnh của bản thân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ bản sẽ cần ít nhất 6 tháng nên việc mình thi đấu ở Phú Quốc như là sự khởi đầu.
Vào tháng 12 tới, mình sẽ cùng đoàn TP.HCM tham dự Đại hội Thể thao Toàn quốc ở Tuần Châu. Còn về SEA Games 32, mình muốn chờ tới sau đại hội toàn quốc để đội quyết định. Với cá nhân mình, giải đấu ở Phú Quốc và Tuần Châu là cơ hội để mình thử nghiệm bản thân và tìm kiếm cơ hội. Sau giải đấu ở Tuần Châu, mình sẽ vào giai đoạn Off Season, tạm thời “tạm biệt” ba môn phối hợp 1 thời gian.
- Bạn có đặt mục tiêu dự IRONMAN World Championship vào năm tới?
- Có chứ. Mình tin bản thân sẽ phá kỷ lục cá nhân nếu có cơ hội trở lại. Nhưng trước hết, mình phải đạt được suất tham dự đã. Đây mới là điều thử thách nhất. Hiện, mình đã có sức bền và đang luyện thêm phần sức mạnh. Mình hy vọng có thể đảm bảo khối lượng, phân phối sức hợp lý ở các giải đấu, tính toán được điểm rơi phong độ để có thể thiết lập nên kỷ lục cá nhân mới.
- Nếu tham dự SEA Games, liệu điều này có ảnh hưởng tới việc tham dự IRONMAN World Championship vào năm sau không?
- Có chứ, ảnh hưởng ở hai phần chính: Quy định thi đấu và phương án tiếp cận. Trong Ironman quy định, nếu như bạn thuộc đội tuyển quốc gia thi đấu chuyên nghiệp trong năm đó thì sẽ không được thi đấu ở hệ bán chuyên (Age Grouper), điều này có nghĩa tham vọng Kona lần hai là không thể nếu phải chuyển lên hệ chuyên nghiệp để cạnh tranh khi mình vẫn là VĐV bán chuyên.
Ngoài ra, ba môn tại SEA Games là cuộc thi thiên về tốc độ. Chưa đầy 5 tháng chuẩn bị để có thể cạnh tranh huy chương ở cự ly ba môn (bơi, đạp, chạy) cự ly ngắn với mình là khá khó. Hiện Ngân chưa ra quyết định nào về bước đi kế tiếp sau 12/2022 vì còn tùy vào khả năng, tốc độ thích nghi của cơ thể nữa.
Hai giải đấu cự ly ngắn sắp tới sẽ là cơ hội để mình xem xét phản ứng của cơ thể với thể thức mới là như thế nào, từ đó sẽ đưa ra quyết định cuối cùng định hướng cho 2023.
- Cảm ơn Ngân về cuộc trao đổi.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...