Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí quyết mua nhà ở tuổi 25 của một cô gái Mỹ

Mua nhà ở tuổi 25 và tìm kiếm sự ổn định không phải cuộc chạy đua giành chiến thắng, mà là tiêu chuẩn tối thiểu ở các quốc gia giàu nhất thế giới.

Zing trích dịch bài đăng từ The Guardian, đề cập đến câu chuyện mua nhà ở tuổi 25 của nữ tác giả Erum Salam đến từ Mỹ.

Nếu đầu năm nay, bạn nói với tôi về việc mua nhà ở tuổi 25, tôi sẽ cười vào mặt bạn. Làm sao một người thuộc thế hệ Millennials, công tác trong lĩnh vực báo chí vốn không mấy sinh lời như tôi có thể mua một căn nhà ở bang Texas (Mỹ) chứ?

Ở thế hệ của tôi, khả năng nhìn thấy những chú kỳ lân nô đùa tại Quảng trường Thời đại (thành phố New York, Mỹ) còn nhiều hơn cơ hội mua nhà trong độ tuổi 20. Đặc biệt, đối với những người sống ở các thành phố lớn, đắt tiền hơn, chuyện người trẻ mua nhà lại càng khó khăn.

mua nha o tuoi 25 anh 1

Nữ tác giả Erum Salam.

Tôi cũng muốn sở hữu căn nhà cho riêng mình. Và tôi chắc chắn mình không phải thanh niên duy nhất dành hàng tiếng đồng hồ ngắm nhìn những ngôi nhà mà bản thân không có khả năng chi trả. Tôi chưa bao giờ tin mình thực sự có thể mua được một trong số chúng.

Tôi lớn lên với câu chuyện về việc ông bà tôi, những người Hồi giáo gốc Ấn Độ - Pakistan, nhập cư thế nào và khó khăn ra sao khi phải chuyển từ căn hộ này sang căn hộ khác ở Flushing (thành phố New York). Họ chưa từng sở hữu một mảnh đất nào, chỉ đi thuê.

Mãi về sau, khi gia đình đã đề huề, hai ông bà cuối cùng cũng mua được bất động sản tại bang New Jersey, trước khi mua một ngôi nhà, để được gần các cháu chắt ở bang Texas.

Tôi luôn ngưỡng mộ ông bà và tôi muốn được như họ. Tôi muốn mua nhà vì họ.

Chắc hẳn bạn đang tự hỏi làm thế nào tôi có thể mua được một ngôi nhà khi chỉ mới sống được 1/4 thế kỷ. Thực tế, chủ đề “tài chính cá nhân” ít khi được đem vào những cuộc trò chuyện thông thường vì bị coi là bất lịch sự. Tuy nhiên, theo như tôi thấy, việc giữ kín thông tin chỉ có lợi cho giới siêu giàu.

Tiết kiệm, minh bạch tài chính

May mắn này của tôi bắt đầu từ khi ông bà tôi lên máy bay đến Mỹ vào những năm 1960. Họ theo học đại học và lấy bằng cấp, đảm bảo việc làm và định cư ở Texas - một tiểu bang đầy rẫy bất động sản mời mua.

Khi Covid-19 ập đến và gây ra nạn thất nghiệp trên khắp nước Mỹ, tôi quyết định rời quận Queens (thành phố New York) để về Texas với gia đình, may mắn thoát khỏi nanh vuốt của sự suy thoái kinh tế trong gang tấc. Nếu ông bà tôi chọn New York hay California để sống, có lẽ câu chuyện của tôi đã rẽ sang hướng khác.

Tôi không phải thanh niên duy nhất làm vậy. Số liệu thống kê cho thấy 52% số người từ 18-29 tuổi đã chuyển về sống cùng phụ huynh khi đại dịch hoành hành.

Trong thời gian ngồi nhà cách ly, tâm trí tôi lại suy nghĩ về chuyện mua nhà. Tôi muốn sở hữu thứ gì đó của riêng mình, rồi truyền lại cho thế hệ sau hoặc làm giàu từ nó.

Tôi bắt đầu tìm kiếm và lập ra danh sách những ngôi nhà giá rẻ ở Texas. Hơn nữa, lãi suất lúc ấy thấp ở mức kỷ lục. Đây chính là cơ hội của tôi.

Tôi đính hàng trăm chiếc đinh ghim lên bản đồ trong phòng để đánh dấu vị trí các ngôi nhà, giống như thám tử ở thị trấn nhỏ đang khám phá một vụ giết người.

Tôi đi sâu vào các chi tiết, học các thuật ngữ như ký quỹ và vốn chủ sở hữu. Chẳng bao lâu, tôi có thể phân biệt giữa khoản vay FHA và khoản vay thông thường.

Tôi liên hệ với một nhà môi giới bất động sản và gửi email tới các ngân hàng, công ty cho vay thế chấp xem tôi có đủ điều kiện mua nhà hay không.

mua nha o tuoi 25 anh 4

Erum Salam cảm thấy may mắn khi bố mẹ hỗ trợ học phí đại học.

Tổng thu nhập của tôi khoảng 60.000 USD/năm, cao hơn mức lương trung bình ở nước Mỹ, nhưng thấp hơn một chút so với cư dân New York.

Hơn nữa, so với bạn bè đồng trang lứa, tôi may mắn khi có điều kiện tiết kiệm tiền. Tôi là thế hệ người Mỹ thứ hai có bố mẹ trả 90% học phí đại học - một điều xa xỉ mà chỉ 29% sinh viên Mỹ được hưởng.

Bố mẹ tôi, những người thời trẻ đã hiểu quá rõ khoản nợ học phí là như thế nào, quyết định sẽ không bao giờ để con cái phải gánh chịu điều đó nếu họ có khả năng kinh tế. Tính đến năm 2018, chỉ 3 trong số 10 phụ huynh cho biết họ có kế hoạch chi trả toàn bộ học phí đại học cho con.

Nhờ đó, cho đến khi tốt nghiệp ra trường, khoản nợ sinh viên của tôi là 9.500 USD - rất ít so với bạn bè tôi. Trung bình, thế hệ Millennials tốt nghiệp năm 2019 gánh trên vai món nợ 29.900 USD.

Việc ít nợ đã giúp tôi sớm vượt xa đồng nghiệp của mình trong cuộc đua đến sự giàu có. Tôi trải qua năm đầu tiên ở New York với căn hộ có giá thuê 1.150 USD/tháng dù chỉ bé bằng phòng ngủ gầm cầu thang của Harry Potter.

Sau đó, tôi tìm được một chỗ rộng hơn, có 2 phòng ngủ ở quận Queens với mức giá chỉ 700 USD/tháng. Nhờ chuyển nhà, tôi tiết kiệm được thêm 450 USD/tháng trong vài năm. Tôi cũng trả hết các khoản vay sinh viên, tiết kiệm được 14.000 USD với mức lương 1.800 USD/tháng.

Nghiên cứu và quyết định "bốc đồng"

Hồi còn sống ở New York, tôi không hề hay biết rằng cuộc sống ở New York đã gom đủ tiền giúp tôi trả trước một căn nhà 3 phòng ngủ ở Texas.

Cuối cùng, một ngân hàng địa phương chấp thuận trước một khoản vay mua nhà trị giá 151.000 USD. Hóa ra, mua nhà trong thời gian đại dịch không phải ý tưởng điên rồ chút nào.

Ngay sau đó, một ngôi nhà được rao bán với giá 165.000 USD - trong tầm mua của tôi - được tung ra thị trường. Tôi đã ghé qua tham quan trước khi đặt bút ký giấy tờ mua nhà vào ngày 7/7. Tuy còn nhiều chỗ phải sửa sang, tôi vẫn rất hài lòng.

Tính đến nay, đã vài tháng kể từ khi tôi thành chủ của một căn nhà nhỏ. Đôi khi, tôi thực sự quên nó là của mình - một tài khoản tiết kiệm kiêm tài sản đầu tư trong tương lai, hoặc có thể là nhà hưu trí của tôi. Trong những năm tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào nó để căn nhà tăng dần giá trị theo thời gian.

Sở hữu nhà ở tuổi 25 không nên được coi là thành tích. Hầu hết người sống ở các quốc gia giàu có nhất thế giới có thể đạt được điều này. Không cần phải đợi đến khi đại dịch và suy thoái kinh tế thì một người với mức thu nhập khá có thể mua nhà.

Tôi vốn được biết đến là người đưa ra những quyết định bốc đồng. Việc mua nhà có thể chỉ là một trong số nỗ lực quyết liệt của tôi để nắm bắt sự ổn định trong thời điểm hỗn loạn này.

Nếu được, tôi sẽ trở về đầu năm 2020 và nói với chính mình rằng hãy sẵn sàng cho một năm “điên cuồng” sắp đến. Ngoài ra, tôi tự nhủ với bản thân và bất kỳ ai sẵn sàng lắng nghe rằng: Hãy minh bạch tài chính.

Hơn nữa, theo tôi, bạn hoàn toàn có thể ăn mừng cho mỗi chiến thắng của bản thân dù lớn hay nhỏ. Nếu bạn có thể trả tiền thuê nhà hoặc thế chấp trong tháng này, bạn đang làm rất tốt. Nếu bạn không thể và cần trợ giúp, hãy lên tiếng.

Như tôi đã nói, sự ổn định không phải là cuộc chạy đua giành chiến thắng, mà là tiêu chuẩn tối thiểu ở các quốc gia giàu nhất thế giới.

Người vô gia cư sống lay lắt giữa thủ đô London

Hơn 2/3 số người vô gia cư nước Anh sống ngay ở thủ đô London - một trong những thành phố giàu có nhất thế giới.

Hồng Chang

Ảnh: Instagram NV

Bạn có thể quan tâm