Nguyễn Huệ cho biết, chị là giáo viên cấp II ở huyện Tân Hưng Hiệp (Long An). Vợ chồng chị mới chuyển từ Hà Nội vào. Chồng chị đang chờ việc, còn lương của Huệ hiện chỉ ở mức dưới 3 triệu đồng mỗi tháng.
Để đảm bảo cuộc sống, cô giáo trẻ đã lên kế hoạch chi tiêu cụ thể và hợp lý. Nhờ vậy, sau 3 tháng, không những lương đủ tiêu, Nguyễn Huệ còn để ra được một khoản nhỏ tiết kiệm.
Cách quản lý chi tiêu của chị là phân chia lương thành các khoản buộc cọc hoặc để vào phong bì riêng, tuyệt đối không chi vượt ngân sách. Ngoài mỗi phong bì, chị ghi chú cụ thể từng khoản như: điện nước, mắm muối và bột giặt, điện thoại, Internet, gạo, thức ăn, xăng xe, vệ sinh…
Với mức thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng cho gia đình 2 thành viên, Huệ phân bổ 300.000 đồng xăng xe, gạo 10 kg tương ứng 140.000 đồng, Internet 155.000 đồng, mắm muối và bột giặt 100.000 đồng, điện nước 200.000 đồng, sữa, mì tôm 200.000 đồng, đồ cúng các ngày rằm, mùng một 150.000 đồng.
Riêng tiền ăn, vợ chồng chị chi tiêu “chắt bóp” trong giới hạn 40.000 đồng thức ăn cho 2 bữa chính mỗi ngày. Đề phòng có khách đột xuất, Huệ bổ sung thêm khoảng 300.000 đồng vào quỹ ăn uống.
Mức lương gần 3 triệu đồng nhận về được chị Huệ chia thành các khoản cố định ngay từ đầu tháng. Ảnh: Nguyễn Huệ. |
Để chống bội chi, ngay khi nhận lương về, chị đổi tổng quỹ thức ăn ra tiền lẻ. Mỗi lần đi chợ, chị chỉ mang 40.000 đồng, tiêu hết là thôi. “Chị em mình ra chợ thì mang bao nhiêu tiền cũng hết nên để chi tiêu đúng kế hoạch, mình mang đủ số tiền chợ và để ví ở nhà”, Huệ chia sẻ.
Các khoản chi cố định như mắm muối, bột giặt, ăn uống nếu còn thừa sẽ được dồn sang tháng sau. “Mình thường mua túi lớn hoặc số lượng nhiều 1 lần để được hưởng thêm khuyến mại là đồ gia dụng như bát, đĩa, chậu, giá rổ…”, Huệ cho biết.
Trong bối cảnh thị trường giá cả leo thang, vấn đề thu – chi luôn là bài toán khó với nhiều gia đình, đặc biệt là ở các hộ có mức thu nhập trung bình – thấp. Chính vì vậy, bí quyết “đủ no” với đồng lương trên dưới 3 triệu đồng mỗi tháng của cô giáo Nguyễn Huệ đã gây ấn tượng với nhiều người.
Nội dung chia sẻ của chị Huệ đăng trên diễn đàn thu hút hơn 400 bình luận chỉ sau 2 ngày. Phần lớn ý kiến cho rằng đây thực sự là phương án quản lý chi tiêu hợp lý, đáng học hỏi.
Anh Quang Trung (Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngay cả khi thu nhập hiện tại của vợ chồng anh vượt xa con số 3 triệu đồng, đây vẫn phương án phân chia ngân sách rất nên tham khảo.
Tuy vậy, riêng với khoản ngân sách 40.000 đồng cho thức ăn 2 bữa mỗi ngày, nhiều người cho là khó khả thi, đặc biệt ở các thành phố lớn.
“Số tiền đó có thể chỉ đủ với bữa ăn có thịt lợn, cá, đậu phụ, trứng và rau củ. Còn nếu muốn ăn các loại thực phẩm giá cao hơn như thịt bò, bê, thịt gà, vịt…, tôi e không đủ”, Hồng Liên (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thẳng thắn.
Nhiều người cho rằng, với 40.000 đồng, các bà nội trợ vẫn đủ tiền mua thức ăn 2 bữa chính cho gia đình 2 thành viên. Ảnh minh họa: Diệp Sa. |
Hơn nữa, theo chị Liên, giá thực phẩm ở Hà Nội đắt hơn các tỉnh thành khác. Do vậy, mức chi 40.000 đồng tiền thức ăn cho 2 bữa dù chỉ với 2 người cũng không ổn.
Chung mức thu nhập như Nguyễn Huệ, chị Hải An, nhân viên văn phòng (Xa La, Hà Đông, Hà Nội) cho rằng mức tiêu trên, nếu cố gắng, vẫn có thể là vừa đủ.
Chị An dẫn giải, với 40.000 đồng ra chợ, chị có thể mua đủ thức ăn cho 2 người vào 2 bữa chính bao gồm: 4 quả trứng 12.000 đồng, 2 bìa đậu phụ 5.000 đồng, 2 lạng thịt 18.000 đồng và 5.000 đồng còn lại mua rau.
Trong phạm vi trên, những thực phẩm có giá cả tương đồng có thể được thay đổi để làm phong phú bữa ăn mỗi ngày. Ngoài ra, theo gợi ý của Huệ, Hải An và một vài thành viên khác, để cải thiện bữa ăn, các chị có thể gộp quỹ ăn cho 2 ngày làm 1 để mua gà hoặc vịt rồi chia nhỏ ra chế biến theo từng bữa.
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Trong hoàn cảnh lương thấp, tăng chậm mà giá cả leo thang, mình cũng không còn cách nào ngoài chính sách tiết kiệm triệt để”, chị Lê Lan Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) tâm sự. Chị Minh đánh giá, cách chia lương thành các khoản chi rõ ràng ngay từ đầu tháng giúp mỗi người có cái nhìn chính xác và thực tế hơn về tình hình kinh tế gia đình.
Chị Minh cho rằng, nếu áp dụng những bí quyết và nguyên tắc chi tiêu trên một cách linh hoạt, ngay cả những gia đình đông thành viên cũng sẽ không còn quá đau đầu với bài toán thu chi hàng ngày.