Theo SCMP, gần một tháng sau khi ra mắt trên Netflix, Bridgerton đã thu hút hơn 63 triệu người xem, con số này vẫn tiếp tục tăng.
Lấy bối cảnh năm 1813 (thời kỳ thời Nhiếp chính) tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland, bộ phim truyền hình ghi lại cuộc đời của những quý tộc trong xã hội thượng lưu. Tuy nhiên, ở thế giới hào nhoáng đó cũng có nhiều góc khuất và bê bối đứng sau.
Ngoài nội dung hấp dẫn, Bridgerton còn gây chú ý bởi phong cách cổ trang của tầng lớp quý tộc Anh. Từ những chiếc áo choàng nạm kim cương, bộ quần áo thêu cho đến lông vũ, đồ trang sức và bối cảnh, tất cả đều hòa hợp và tạo thành bộ phim ăn khách.
Bridgerton đang là series cổ trang châu Âu ăn khách. Ảnh: Netflix. |
Từ những bộ trang phục đắt đỏ
Người đảm nhận vị trí thiết kế trang phục cho Bridgerton là Ellen Mirojnick, 72 tuổi, người từng đoạt giải Emmy về thiết kế phim. Ngoài sự sáng tạo của chính mình, bà phải nhờ thêm 238 người để giúp đỡ trong dự án cổ trang. Đội ngũ này đa dạng từ thợ may, người làm giày cho đến thợ đính đá trang phục.
Số lượng trang phục ở Bridgerton rất đa dạng. Nếu tính cả những bộ phức tạp như váy thắt eo, áo khoác nhung, vest thổ cẩm cùng đồ của quần chúng, họ thiết kế và may khoảng 7.500 mẫu khác nhau.
Dynevor diện khoảng 104 bộ trang phục khi đóng Bridgerton. Ảnh: Netflix. |
Trong cuộc phỏng vấn với Vogue, Mirojnick nói đoàn làm phim tìm mọi cách để có được hương vị của thời kỳ Nhiếp chính, phần lớn dựa vào tranh vẽ. Ngoài ra, triển lãm Christian Dior: Nhà thiết kế của những giấc mơ ở London và loạt thiết kế của Chanel Xuân 2018 cũng là cảm hứng lớn cho bộ phim.
Theo thông tin từ đoàn làm phim, chỉ riêng nhân vật Daphne Bridgerton, Dynevor diện ít nhất 104 bộ trang phục khác nhau. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, nữ diễn viên người Anh cho biết cô sống thay giấc mơ cho nhiều cô gái khi diện những chiếc váy nữ tính.
Corset trong phim được giới thời trang đánh giá là “điên rồ”. Những chiếc áo nịt ngực ôm sát cơ thể liên tục làm khó diễn viên. Vật dụng này được sáng tạo bởi thương hiệu Mister Pearl, người từng đứng sau “vòng hai nhỏ siêu thực” của Kim Kardashian ở Met Gala 2019. Nhãn hàng cũng là thương hiệu yêu thích của Beyoncé và Dita von Teese.
Những chiếc corset bó chẽn trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Ảnh: Netflix. |
Những chiếc corset gợi cảm, mang hơi hướm hiện đại trở thành trào lưu trên mạng xã hội sau khi Bridgerton phát sóng. Nền tảng mua sắm toàn cầu Lyst thông báo lượt tìm kiếm corset tăng 123%, băng đô ngọc trai và lông vũ tăng 49%, găng tay dài là 23%, trang phục dòng đế chế đạt mức 93% trong năm.
Tuy lấy cảm hứng từ thế kỷ 19, trang phục của Bridgerton cũng mang nhiều hơi thở hiện đại. Thời trang thời kỳ Nhiếp chính được phối lại theo bảng màu hiện đại và thời thượng hơn. Đặc biệt, các đường viền trên thân áo được thiết kế nhằm tôn lên làn da của từng diễn viên, đặc biệt là sự trẻ trung của mỗi nhân vật.
Những buổi vũ hội thực hiện tỉ mỉ
Tom Verica là đạo diễn, nhà sản xuất và diễn viên của công ty sản xuất Shondaland. Ông từng đứng sau thành công series ăn khách Scandal của ABC, How to Get Away with Murder…
Nhưng phải đến khi Bridgerton, bộ phim lãng mạn cổ trang được quay ở Anh, phát sóng trên Netflix, tài năng về cách phối trang phục, thiết kế bối cảnh của anh mới được phát huy hết mức. “Quay bốn sự kiện lớn trong vòng năm ngày là thách thức nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật”, Verica nói.
Trang phục và bối cảnh trong phim được tìm hiểu và thực hiện kỹ lưỡng. |
Trong cùng tòa nhà Leigh Court, có khi đạo diễn Tom Verica phải tạo ra ba buổi vũ hội khác nhau. “Nhiều lúc mở cửa, các bạn sẽ thấy đó là buổi vũ hội có chủ đề hoàn toàn khác”, ông nói.
Đạo diễn 57 tuổi cho rằng ông muốn thách thức bản thân trong Bridgerton, nhất là việc phối hợp nhuần nhuyễn giữa màu sắc của bối cảnh, cách bày trí phòng ốc với trang phục của diễn viên.
Tuy tạo ra nhiều bối cảnh hoành tráng trong phim, Tom Verica thừa nhận chưa bao giờ đọc tiểu thuyết của tác giả Julia Quinn. “Tôi không phải người đọc tiểu thuyết lãng mạn nhưng dồn hết công sức để làm phim chuyển thể từ tác phẩm kinh điển”, ông khẳng định.