Hai thập kỷ ghi dấu sự ra đời của Tân Hiệp Phát cũng là khoảng thời gian vợ chồng ông chủ công ty gắn bó, cùng gây dựng công trình lớn với chìa khóa từ lời “cam kết”.
40 năm trước, cô hoa khôi gặp gỡ và nên duyên cùng chàng “giang hồ thứ thiệt”. Chẳng ai dám nghĩ ra viễn cảnh về một gia đình hạnh phúc và sung túc, bởi sự đào hoa của người chồng lúc bấy giờ. Nhìn lại 2 thập kỷ gắn bó, đắp xây tổ ấm nhỏ và gây dựng thương hiệu nước giải khát có chỗ đứng trên thị trường, ngay cả người trong cuộc cũng bồi hồi trước những gian nan họ đã cùng vượt qua.
“Chính em là nguồn động viên - Chính em là nụ hoa thơm ngát”, những câu hát thấm đẫm cảm xúc được ông Trần Quí Thanh cất lên đúng dịp 40 năm ngày cưới. Dưới sân khấu, bà Phạm Thị Nụ nhoẻn miệng cười, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc không gì sánh được khi nghe từng lời ca như tâm sự của chồng.
Nữ sinh tên Nụ ngày ấy vốn nổi tiếng xinh đẹp và tháo vát, mỗi ngày bán lẻ được đến 5 tấn đường. Một trong những mối đổ hàng lớn của bà lại chính là gia đình ông Thanh. Ngay lần gặp đầu, ông đã phải lòng người con gái không những nổi bật về ngoại hình mà còn giỏi chuyện kinh doanh. Còn bà cũng để ý ông với diện mạo bảnh bao, ga lăng.
Từ đó, đều đặn mỗi ngày, ông Thanh đến phụ bà dỡ và dọn hàng, không quản nặng nhọc, phiền hà. Sau những buổi hẹn hò, ông bà quyết định về chung nhà trước ánh mắt nghi ngại của nhiều người và cả gia đình. Bởi chính vẻ hào hoa, phong độ của ông Thanh cũng chinh phục rất nhiều cô gái và dựng nên tình sử phức tạp trước đó.
Sinh ra trong gia đình có nền tảng kinh doanh, cả hai bàn tính và nuôi mộng xây dựng hãng nước giải khát dẫn đầu thị phần trong nước. Những bước chập chững đầu tiên trên hành trình hiện thực hóa ước mơ chẳng hề đơn giản. Vào thời kinh tế chưa mở cửa, doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển phải tự nhập mua dây chuyền thanh lý từ những công ty trong nước mà không được nhập từ nước ngoài.
Ông Thanh nhớ như in ngày đi đấu giá 5 dây chuyền bán phế liệu đã hoạt động trên 50 năm của một công ty bia tại Sài Gòn với giá 1,2 tỷ đồng. Một phần ông bán phế liệu được 600 triệu đồng, phần còn lại huy động mọi người ráp lại, dù đó gần như là điều bất khả thi. Bắt đầu từ những điều không thể ấy, vợ chồng ông cho ra đời những chai nước giải khát đầu tiên.
Ngày mang thai con gái đầu lòng, bụng bầu vượt mặt, bà Nụ vẫn miệt mài đạp chiếc xe ba gác chất những chai nước như chở cả giấc mơ của hai vợ chồng, đi bỏ mối tận Tây Ninh. Không ít lần tủi thân khóc thầm, bà vẫn không một lời oán thán mà từng ngày vun vén cho mái ấm nhỏ cũng như gia đình lớn mang tên Tân Hiệp Phát.
Những tưởng ngày cơ hàn qua đi sẽ mang cầu vồng đến, nhưng niềm ham mê công việc cuốn ông theo và để lại cho vợ niềm trăn trở với câu hỏi lớn: Liệu ông có còn quan tâm đến gia đình? Nuôi chí lớn và quyết tâm thực hiện, ông lại trách bà không ủng hộ và đồng hành cùng ông. Thậm chí, chính con gái đã khuyên ba mẹ li dị để tìm con đường riêng.
Và rồi tất cả thay đổi khi bà gặp tai biến, chính ông đều đặn từng ngày đến thăm và chăm sóc. Trải qua khó khăn, ông Thanh vẫn luôn tự hào khi nhắc đến người vợ, người đồng nghiệp và hậu phương vững chắc cùng ông đương đầu trên thương trường khốc liệt. Ba người con, những kỷ niệm và cái nắm tay chặt là những gì còn lại, bỏ lại giông bão sau cánh cửa.
Nắm chặt tay sau 40 năm đồng hành, hai từ “cam kết” được ông bà nhắc lại nhiều lần như chính chất keo gắn kết cho chặng đường dài đã qua. Là một người Công giáo, bà càng tin vào giao ước ngày vợ chồng làm lễ tại thánh đường. Điều này trở thành cánh tay kéo bà lại mỗi khi có ý định buông bỏ.
Bà quan niệm người lái xe nếu không cho nhìn trước, nhìn sau sẽ dễ gây tai nạn. Đàn ông cũng vậy, khi ra đường vẫn phải quan sát nhưng đi đến nơi, về đến nhà. Bà từng bộc bạch: “Cơm sôi thì bớt lửa, cuộc sống gia đình sẽ có lúc người phụ nữ cần cố gắng chịu đựng để giữ gìn. Mình đã chọn có thêm người bạn đời thì cần giữ nhiều hơn. Mỗi người đều có sở thích riêng nhưng luôn đi kèm trách nhiệm, biết rõ cái giá phải trả khi chọn cái mình muốn và nhận thức rõ mái ấm gia đình là trên hết. Và ở gia đình đó còn có đồng đội của mình”.
Còn ông luôn nói với con: “Khi cưới vợ gả chồng không phải tìm người yêu mà tìm bạn đời chia ngọt sẻ bùi, dựa trên giá trị cốt lõi để bổ sung cho nhau. Lúc người đàn ông gặp khó khăn, thách thức thì vợ sẽ hỗ trợ và ngược lại, như thế mới tạo ra được giá trị bền vững”.
Từ lời cam kết đến thực hiện không phải kết quả dễ thấy một sớm một chiều, nhưng ông Thanh cho biết bản thân chưa bao giờ lung lay. Ông luôn nhìn nhận ở hai khía cạnh vấn đề - giải pháp, sau đó chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu.
Cả ông và bà đều nằm lòng suy nghĩ không sống với quá khứ dù thất bại hay thành công. Điều quan trọng là chuẩn bị đương đầu với cái mới để tổ chức đạt được mục tiêu mới. Thời nào cũng vậy, muốn có kết quả tốt thì phải làm công việc thách thức, mà thách thức thì rất nhiều rủi ro.
“Cái hôm qua không thể quay lại với mình. Chúng ta sống làm sao để hết 24 tiếng của mình và đến ngày mai không còn ân hận về hôm qua nữa. Làm thật tốt hiện tại thì tương lai sẽ được hưởng thành quả của hôm nay. Tính tôi giữ gìn và thích chia sẻ để có tiếng nói chung”, bà Nụ nói.
Vượt khỏi mái ấm nhỏ, ông bà dùng chính “cam kết” đôi lứa để xây dựng đại gia đình Tân Hiệp Phát với phương châm “không gì là không thể”. Kỷ niệm 40 năm ngày cưới cũng là ngần ấy thời gian ông bà chứng kiến biết bao người gắn bó cùng mình và đưa giấc mơ mang tên Tân Hiệp Phát đi lên như đúng cái tên của nó. Chính vì vậy, Tân Hiệp Phát đề ra chính sách những ai làm trên 20 năm, công ty sẽ nuôi dưỡng con cái họ ăn học đến khi thành tài trong và ngoài nước.
Không những 40 năm qua, mà 40 năm nữa là lời khẳng định chắc nịch của ông Trần Quí Thanh về cuộc hôn nhân của mình. Đó cũng là cam kết về một tương lai phát triển bền vững của đứa con tinh thần, gia đình thứ 2 - Tân Hiệp Phát, để tạo ra nhiều giá trị hơn nữa không chỉ về kinh doanh mà còn cho cộng đồng.
Gần đây nhất, ông bà chính thức khởi động quỹ từ thiện hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng những nhà lãnh đạo tương lai theo sứ mệnh của gia đình. Đối tượng hướng đến của quỹ không giới hạn chỉ là nhà lãnh đạo Tân Hiệp Phát mà còn là những nhân tài và nhà lãnh đạo có tác động thực tế cho xã hội. Để quỹ vận hành chuyên nghiệp, hai cô con gái của ông bà sẽ phải chịu trách nhiệm thiết lập bộ máy và cách vận hành để quỹ có thể tự hoạt động và duy trì như một sứ mệnh của gia đình.