Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Tân Hiệp Phát: ‘Gia đình là nơi mỗi người được phát triển’

Với ông Trần Quí Thanh - nhà sáng lập, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, khái niệm gia đình không bó hẹp là những người cùng huyết thống, mà là các thành viên trong tập đoàn.

Trong chương trình tọa đàm với chủ đề “Gia đình là để yêu thương”, ông Trần Quí Thanh - nhà sáng lập, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã có chia sẻ rất riêng về quan niệm gia đình: “Định nghĩa theo Luật Hôn nhân gia đình tôi nghĩ cũng đầy đủ. Tuy nhiên, có những lúc tôi cũng tự hỏi: Với định nghĩa đó, anh xui, chị xui (thông gia) có phải gia đình không? Hay bao nhiêu thế hệ là gia đình? Bên châu Âu, tôi từng chứng kiến một gia đình cùng nhau đi du lịch, một gia đình gồm có 2.000 người. Có doanh nghiệp gia đình tồn tại hơn 100 năm. Quan niệm thế nào là gia đình còn do định nghĩa từng người một sẽ có hành động khác nhau”.

Theo quan điểm của ông Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, gia đình là nơi tập hợp lại, có thể chia vui, sẻ buồn, sẵn sàng chịu trách nhiệm với thành công, thất bại của người khác, sẵn sàng phát triển người khác. “Chúng tôi luôn có câu ‘gia đình Tân Hiệp Phát’ gồm các thành viên trong công ty, chúng tôi sẵn sàng đầu tư để mỗi người được phát triển, được đào tạo và phát triển, cùng nhìn về tầm nhìn của tổ chức. Với quan điểm của riêng tôi, gia đình là tổ chức rộng như vậy” ông Thanh nói thêm.

Tan Hiep Phat anh 1
Gia đình nhà CEO Tân Hiệp Phát tham gia tọa đàm với chủ đề “Gia đình là để yêu thương”.

Cũng như cha mình, nói đến khái niệm gia đình, doanh nhân Trần Uyên Phương, con gái đầu ông Trần Quí Thanh đồng thời là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, cuộc sống của cô từ bé đến lúc nhận thức ra đã ở với ít nhất hàng trăm người xung quanh mình, bởi vì gia đình Dr. Thanh sống ngay ở trong công ty, ngay trong công xưởng.

Doanh nhân Trần Uyên Phương cho biết: “Đối với tôi gia đình rất khác, mọi người trong công ty rất quen thuộc, cùng sống, cùng lớn lên gắn bó, có những người lúc mình bé quá gọi họ là cô, là chú lúc đi làm gọi họ là anh, là chị bởi cách họ 7-8 tuổi. Đó là trải nghiệm cuộc sống của tôi về gia đình rất khác.

Năm Tân Hiệp Phát tròn 20 năm, lúc đó chúng tôi ngồi lại và đặt câu hỏi Có phải người cùng chung huyết thống mới là gia đình hay không? Bởi vì có những người làm việc tại Tân Hiệp Phát đã sống với chúng tôi trên 20 năm, cùng đồng hành những lúc thuận lợi hay khó khăn nhất”, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ.

Tan Hiep Phat anh 2
Với CEO Tân Hiệp Phát, gia đình gồm cả các thành viên trong tập đoàn.

Chia sẻ trong buổi tọa đàm, ông Trần Quí Thanh cho biết gia đình là nơi bền vững, lâu dài. Ở đó, mọi người cùng chịu trách nhiệm sự thành công, thất bại của nhau. Đồng thời sẵn sàng chia sẻ vui buồn với nhau.

Là gia đình truyền thống nhưng không có sự áp đặt trong nhà Dr. Thanh. Gia đình có sự phân chia rõ ràng theo sở trường, ai mạnh đâu đảm nhận việc ở đó. Ông Trần Quí Thanh và vợ là những nhà đồng sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Hai nhà sáng lập phải tìm ra người lãnh đạo duy nhất, người còn lại phải chấp hành sự chỉ đạo.

Với cách phân chia ấy, ông Trần Quí Thanh đứng ở đầu sóng ngọn gió, chèo lái con thuyền Tập đoàn Tân Hiệp Phát, còn vợ ông - bà Phạm Thị Nụ là “nội tướng”, phía sau ủng hộ chồng và cùng điều hành công ty cũng như chăm sóc các con.

Tan Hiep Phat anh 3
Gia đình CEO Tân Hiệp Phát có sự phân chia công việc rõ ràng.

Hiện nay, tình trạng ly hôn xảy ra khá nhiều. Để giữ cuộc hôn nhân bền vững, ông Trần Quí Thanh kể câu chuyện tình yêu của hai nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát một cách mộc mạc. Ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát xuất thân là kỹ sư cơ khí, nên trong ông luôn tồn tại tư duy logic. Với ông, trước khi quyết định làm gì luôn đặt ra câu hỏi, với việc lập gia đình cũng thế: Tại sao lập gia đình?, hay Lập gia đình bằng cảm xúc, nhưng khi gặp khó khăn thì làm thế nào để vượt qua?

Chia sẻ giây phút quyết định về chung mái nhà với vợ, ông Trần Quí Thanh kể rằng khi đó, ông không nghĩ sẽ cưới vợ mình dù bà là một cô gái xinh đẹp. Khi được vợ hỏi Anh có yêu em không? Yêu sao không cưới, ông đã hỏi lại rằng Tại sao phải cưới?.

Khi hỏi lại như vậy, người phụ nữ thường rất dễ tự ái. Tuy nhiên, với cô nữ sinh Nụ khi đó thì ngược lại, cô bình tĩnh nghe người bạn đời của mình giải thích. Theo chia sẻ của ông Trần Quí Thanh, trong khi thời kỳ những năm 1978 kinh tế rất khó khăn, không biết tương lai ra sao, nếu cưới vợ sẽ khiến người con gái mình yêu thương gánh vác khó khăn… Nghe ông Trần Quí Thanh nói như vậy, bà Nụ không ngại nói muốn cùng ông chung vui, sẻ buồn trong cuộc đời và kết quả là đám cưới diễn ra.

Tan Hiep Phat anh 4
Chuyện tình yêu của cặp đôi sáng lập ra Tân Hiệp Phát đã trải qua hàng chục năm cuộc đời.

Cuộc sống gia đình Dr.Thanh bền vững giữa sóng gió cuộc đời hơn 40 năm qua. Đó là tình yêu thực sự, yêu bằng lý trí chứ không chỉ bằng cảm xúc nhất thời. Theo nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát, lấy vợ là tìm người bạn đồng hành trong cuộc đời, chứ không phải thể xác.

Sau khi lựa chọn, nếu gặp những sóng gió thì cả hai phải luôn nghĩ đến lời hứa để cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuổi trẻ sống bằng tình yêu, tuổi già sống bằng kỷ niệm, vợ chồng không chỉ có tình yêu mà còn ràng buộc bằng cái nghĩa. Khi trẻ còn đẹp nên xây dựng nhiều kỷ niệm để khi về già nhớ về đó mà giữ gìn.

Giang Tiểu San

Bạn có thể quan tâm