“Bây giờ thì mọi người đều biết về cậu ấy. Nhưng trước đó, Schooling đã đánh bại tất cả những đối thủ lớn tuổi hơn mình,” Teo Zhen Ren, VĐV bơi lội và cũng là bạn thân thiết của Schooling nói. “Tôi nhớ rằng mình từng rất thất vọng khi thua cậu ấy ở nội dung 50m tự do”.
Có một câu chuyện nổi tiếng về Schooling tại Singapore rằng, cậu từng phá giấc ngủ của cha mình trong một kỳ nghỉ ở Malaysia, chỉ vì muốn được đi bơi. Ngay thời điểm đó, ông Colin, một doanh nhân đã quyết định cho con mình theo đuổi đam mê.
Joseph Schooling trở thành VĐV đầu tiên của Singapore giành HCV Olympic.
|
Sự nghiệp bơi lội của Schooling bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi bà mẹ May Schooling có cuộc nói chuyện với ông bác Lloyd Valberg.
Là một VĐV nhảy cao nổi tiếng của đảo quốc sư tử, Lloyd Valberg trở thành người Singapore đầu tiên tham dự một kỳ Thế Vận hội (năm 1948). “Joseph (Schooling) biết mình sẽ trở thành một vận động viên Olympic kể từ cuộc gặp với ông bác Lloyd”, bà May Schooling nói.
Tài năng thiên bẩm của Schooling không cần bàn cãi. Mới 9 tuổi, Schooling có thể chiến thắng bất cứ cuộc đua nào cậu muốn. Nhưng cái gì cũng có giá của nó. “Nếu con chọn cuộc đời này, tốt nhất con nên tập trung 100% cho nó”, ông Colin cảnh báo.
Không chỉ chu cấp tài chính cho cậu theo đuổi đam mê, ông Colin và bà May còn hao tâm tổn trí rất nhiều về sự nghiệp của con trai.
“Không chỉ đưa nó đến bể bơi, chúng tôi còn phải đọc, tìm hiểu rất nhiều về môn thể thao này. Thường xuyên xem nó thi đấu và tập luyện để biết nó có thể tiến xa tới đâu”.
Joseph Schooling đánh bại cả Michael Phelps huyền thoại tại Rio.
|
Trong căn phòng làm việc của ông Colin luôn có vài cuốn tạp chí, hay sách hướng dẫn bơi lội, dành cho những VĐV chuyên nghiệp. Ông thậm chí còn tạo ra một vài trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ cậu con trai, trong giai đoạn đầu tiên của sự nghiệp. Vài cái dù giảm tốc để hỗ trợ quá trình bơi hay vài quả bóng cao su để hỗ trợ quá trình thở và luyện sức bền chẳng hạn.
Gia đình Schooling đã đầu tư rất nhiều tiền cho cậu con trai phát huy hết tài năng. Số tiền thưởng mới đây của Schooling cũng được giành để... trả nợ.
Bước ngoặt cho Schooling đến vào năm 2009, khi Liên đoàn bơi lội Singapore triển khai COE, một dự án nhằm phát triển và đào tạo các tài năng thể thao xuất sắc của Singapore.
Schoolings được gửi tới trường trung học Bolles School ở Florida, Mỹ để tiếp tục đi học và quan trọng nhất, là rèn luyện để trở thành vận động viên đỉnh cao. Năm đó anh chỉ mới 13 tuổi, và bà May là người phản đối quyết định đó đầu tiên.
Không dễ để tạo ra một Joseph Schooling thành công như hôm nay.
|
Chi phí đắt đỏ cũng là một nguyên nhân. Di chuyển, học phí, điều kiện sống đắt đỏ khiến chi phí cho cậu bé này lên tới 1 triệu SGD. Gia đình Schooling phải bán một vài bất động sản ở nước ngoài để trang trải.
“Chúng tôi tiết kiệm bất khi nào chúng tôi có thể. Tôi đã mặc một chiếc quần tây gần 30 năm”, bà May kể về sự khó khăn khi đó.
Những năm đầu sang Mỹ, nỗi nhớ nhà cũng là một thử thách với anh. “Thật sự rất khó khăn, lúc nào tôi cũng thấy nhớ nhà. Tôi muốn quay về”, kình ngư này thổ lộ. “Cuộc sống trên đất Mỹ khiến tôi không thoải mái”.
Rồi sau đó mọi chuyện dễ dàng hơn. Schooling quen dần với cuộc sống nơi đất khách. Môi trường thể thao ở Mỹ giúp anh được tập luyện cùng với những nhà vô địch Olympic như Ryan Murphy hay Caeleb Dressel, và sau đó là huấn luyện viên đẳng cấp thế giới, Sergio Lopez.
Nhưng trước hào quang tại Rio 2016, Schooling phải đối mặt với “điểm tồi tệ nhất cuộc đời” ở London 2012. Anh thất bại trong việc giành quyền vào bán kết nội dung 200m bơi bướm. Điểm nhấn tồi tệ trong thất bại đó là việc kính bảo hộ và mũ bơi bị từ chối sử dụng vì vi phạm quy tắc.
Sự cố và thất bại đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý Schooling. “Cậu ấy bị tác động sau đó. Kỳ vọng từ công chúng chỉ là một phần. Cậu ấy đặt sức ép lớn cho bản thân. Schooling nghĩ mình có thể lọt vào chung kết”, Teo Zhen Ren nói.
Hồi tưởng lại, Schoolings gọi đó là “điểm tồi tệ nhất trong đời mình”. Anh bắt đầu chán ghét bơi lội, cáu kỉnh với chính huấn luyện viên của mình và cảm thấy thiếu động lực. “Sergio Lopez đã không bỏ tôi lúc đó, dù ông ấy có quyền làm thế. Ông ấy giúp đỡ tôi, cả gia đình và bạn bè thân thiết nữa.”
Một năm sau, Joseph Schooling trở lại bằng việc lọt tới bán kết nội dung 200 m tại Giải vô địch thế giới 2013 và phá hai kỷ lục quốc gia. Anh được hoãn nghĩa vụ quân sự để chuẩn bị cho Olympic 2016. Một tháng sau, là chiếc HCV bơi lội đầu tiên cho Singapore ở ASIAD, kể từ năm 1982.
“Tôi vẫn luôn biết ơn bố mẹ mình, tôi không thể nào tìm cho mình những hình mẫu tuyệt vời hơn để noi theo và phấn đấu”, Schooling nói với báo chí trong bài phỏng vấn hồi tháng 6.
Từ một đứa trẻ tăng động, nhờ người mẹ, Michael Phelps đã trở thành kình ngư huyền thoại. Và Joseph Schooling cũng thế. Anh đang trên đường chinh phục những đỉnh cao mới của bơi lội thế giới, với sự giúp đỡ vô điều kiện từ gia đình.