Ngày 27/3, vài ngày sau khi Ấn Độ rơi vào tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona, Thủ tướng Narenda Modi thành lập Quỹ cứu trợ công dân trong tình huống khẩn cấp, viết tắt là Quỹ PM Cares.
Một ngày sau, Thủ tướng Modi kêu gọi toàn dân Ấn Độ tham gia đóng góp cho quỹ mình thành lập.
“Đây là lời kêu gọi của tôi đối với toàn thể người dân Ấn Độ, xin hãy vui lòng đóng góp cho Quỹ PM Cares”, ông viết trên Twitter. Thủ tướng 69 tuổi cũng nói rằng những khoản đóng góp ấy sẽ giúp Ấn Độ trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống dịch cũng như “những tình huống ngặt nghèo tương tự” trong tương lai.
“Quỹ này sẽ giúp chúng ta tiến một bước dài trên con đường biến Ấn Độ trở thành một quốc gia khỏe mạnh hơn”, ông viết.
Những khoản đóng góp lũ lượt đổ vào quỹ, đến từ những doanh nhân, người nổi tiếng, các doanh nghiệp và những người dân bình thường. Theo các hãng thông tấn nước này, chỉ trong vòng một tuần, tổng số tiền quyên góp được lên đến 65 tỷ rupee (hơn 860 triệu USD). Cho đến thời điểm hiện tại, con số này được cho là đã vượt mốc 100 tỷ rupee (hơn 1,3 tỷ USD).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là người thành lập Quỹ PM Cares. Ảnh: Financial Express |
Ngay từ những ngày đầu được thành lập, Quỹ PM Cares đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người đặt dấu hỏi rằng liệu quỹ này có cần thiết không khi mà một quỹ tương tự đã đi vào hoạt động từ năm 1948 - Quỹ cứu trợ quốc gia của thủ tướng, viết tắt là PMNRF.
Lãnh đạo Đảng đối lập là ông Sonia Gandhi cho rằng số tiền nói trên nên được bàn giao cho PMNRF. Quốc hội nước này cũng cho rằng số tiền quyên góp được nên chi vào phúc lợi cho người nhập cư.
Vào thời điểm Quỹ PM Cares được thành lập, Ấn Độ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Hàng triệu người lao động nhập cư và những người có hoàn cảnh khó khăn tìm cách rời khỏi các thành phố lớn sau khi ông Modi ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Trong nhiều tuần liền, những người di cư này chẳng những phải vượt hàng trăm dặm đường mà còn phải vượt cả những cơn đói và khát thường trực để về đến quê nhà. Hơn 100 người được ghi nhận là đã thiệt mạng. Nhiều người cho rằng chính phủ sẽ hành động, ít nhất là chi trả một khoản tiền nhất định để hỗ trợ những người buộc phải rời đi vì tình hình dịch bệnh.
Nhưng không, điều đó đã không xảy ra.
Một nghị sĩ phe đối lập gay gắt chỉ trích động thái này và cho rằng tên quỹ thành lập bởi Thủ tướng Modi nên được đổi từ PM Cares thành PM Does Not Cares (một cách chơi chữ, PM Does Not Cares nghĩa là “thủ tướng không bận tâm”).
Tâm điểm chỉ trích: tính minh bạch của quỹ
Trong những tuần đầu tiên kể từ khi PM Cares được thành lập, những câu hỏi về cách thức hoạt động, cơ cấu quản lý, bao nhiêu tiền được quyên góp và từ những ai, cách sử dụng như thế nào,.. đã được đưa ra chất vấn. Không câu hỏi nào trong số này được trả lời một cách chính thức trên trang web của quỹ.
Ngay cả phía Văn phòng thủ tướng cũng từ chối cung cấp thông tin chi tiết, dù cơ quan này là đơn vị quản lý quỹ. Những chính trị gia thuộc phe đối lập, những nhà hoạt động xã hội trung lập và các phóng viên đặt dấu hỏi lớn rằng liệu chính phủ nước này có đang che giấu điều gì hay không?
Những kiến nghị yêu cầu sự minh bạch từ phía chính phủ đã được đệ trình lên nhiều tòa án theo Đạo luật quyền thông tin (RTI). Nhưng cho đến nay, PM Cares tìm mọi cách tránh né sự chất vấn của công chúng bằng cách khẳng định rằng quỹ này không phải là “cơ quan nhà nước” nên không thuộc sự kiểm soát hay được tài trợ bởi chính phủ, do đó không tuân theo Đạo luật RTI. Điều này cũng đồng nghĩa các kiểm toán viên chính phủ không được phép hạch toán các hoạt động của quỹ này.
Người di cư Ấn Độ phải vượt hàng trăm dặm đường và cả những cơn đói, khát thường trực để về đến quê nhà. Ảnh: DW. |
Sinh viên ngành luật Kandukuri Sri Harsh nói với phóng viên BBC rằng “Thật vô lý khi nói Quỹ PM Cares phải là cơ quan nhà nước. Hàng triệu người không quyên góp cho PM Cares vì nghĩ rằng quỹ này là quỹ cá nhân. Tiền được quyên góp nhờ vào uy tín của thủ tướng”.
Ngày 1/4, Kandukuri là một trong những người đầu tiên viện đến Đạo luật RTI để chất vấn thông tin liên quan đến cách Quỹ PM Cares được thành lập và vận hành. Anh đưa ra nhiều lập luận nhằm khẳng định PM Cares là một quỹ thuộc cơ quan nhà nước:
- Quỹ này được điều hành bởi chính phủ - thủ tướng là chủ tịch, ba thành viên thuộc nội các của ông Modi là ủy viên và ba ủy viên còn lại được thủ tướng đề cử.
- Trang web của Quỹ PM Cares sử dụng tên miền “gov.in” - tên miền của chính phủ.
- Quỹ này sử dụng quốc huy Ấn Độ, vốn chỉ được phép sử dụng bởi các cơ quan chính phủ.
- Quỹ được “hỗ trợ tài chính một cách đáng kể” bởi chính phủ. Tất cả nghị sỹ thuộc Đảng Nhân dân Ấn Độ đều được yêu cầu phải kêu gọi quyên góp 10 triệu rupee từ quỹ cử tri của họ, vốn là một quỹ được thành lập theo hiến pháp. Các doanh nghiệp nhà nước đã quyên góp hàng trăm triệu rupee. Chưa dừng lại ở đó, binh lính, công chức và các thẩm phán được yêu cầu trích một ngày lương để đóng góp vào quỹ.
“Rốt cuộc chính phủ đang che giấu điều gì?” Anh Kandukuri bức xúc. “Và có gì mà phải che giấu cơ chứ?”.
"Những hành vi không ai dung thứ nổi thì luôn được thực hiện trong bóng tối"
Những thành viên thuộc đảng cầm quyền phủ nhận các cáo buộc sai phạm liên quan đến Quỹ PM Cares. Sau nhiều tuần bị chất vấn về những khoản chi của quỹ, Văn phòng thủ tướng mới đây cho biết đã dùng 20 tỷ (khoảng 260.000 USD) rupee để trang bị 50,000 máy thở, 10 tỷ rupee (133.000 USD) được chi cho phúc lợi của những người phải di cư do dịch và 1 tỷ rupee (13.000 USD) dùng cho quá trình phát triển vaccin.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng số tiền dùng để hỗ trợ những người di cư là “quá ít và quá trễ”. Đồng thời, việc chỉ định loại máy thở thay vì đấu thầu để chọn ra lựa chọn tối ưu nhất cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Và cuối tuần trước, một báo cáo cho biết hai cơ quan kiểm định do chính phủ chỉ định đã đưa ra cảnh báo về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của 10.000 máy thở trang bị bởi Quỹ PM Cares.
Ngoài ra, công ty tư nhân SARC & Associates được chọn để kiểm toán PM Cares mà không phải qua đấu thầu. Điều tương tự cũng xảy ra vào tháng 3/2018 khi mà công ty nói trên được Thủ tướng Ấn Độ chỉ định kiểm toán PMNRF.
Những đầu mối kể trên đều dẫn đến kết luận Quỹ PM Cares có sự liên hệ mật thiết với đảng cầm quyền tại Ấn Độ, tức Đảng Nhân dân Ấn Độ, viết tắt là BJP. Tuy nhiên, phát ngôn viên của BJP là Nalin Kohli lên tiếng bảo vệ đảng này. Ông này cho rằng PMNRF thường hỗ trợ người dân trong trường hợp thiên tai và thảm họa tự nhiên trong khi PM Cares được thành lập với mục đích tập trung đối phó với đại dịch.
Nalin Kohli - phát ngôn viên Đảng Nhân dân Ấn Độ. Ảnh: India Today. |
Ông Kohli chỉ ra rằng PMNRF được thành lập bởi thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, ông Jawaharlal Nehru, trong số ủy viên hội đồng tín thác còn có cả Chủ tịch quốc hội và nhiều thành viên nội các chủ chốt khác.
“Ấn Độ có nhiều đảng phái chính trị khác nhau, tại sao cứ phải gán một đảng nhất định nào đó cho một hoạt động vốn để gây quỹ phục vụ cộng đồng?” Kohli nói. Ông cũng cho rằng thủ tướng Modi và những quan chức cấp cao khác của Ấn Độ tham gia vào PM Cares là bởi vị trí mà họ nắm giữ, không nhằm mục đích nhân danh bất kỳ đảng phái nào.
Ông Kohli cũng bác bỏ cáo buộc rằng Quỹ PM Cares thiếu minh bạch. Người phát ngôn phía BJP khẳng định rằng SARC & Associates đã “làm việc một cách công tâm” và quỹ đã tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng quan ngại và nghi vấn đối với PM Cares chủ yếu xuất phát từ một vài cá nhân thuộc phe đối lập. “Quỹ chỉ mới được thành lập gần đây, vậy điều gì cấp thiết hơn: trách nhiệm phải công khai các hoạt động của quỹ hay là tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch?”.
Nhưng thực tế cho thấy những nghi vấn về tính minh bạch của PM Cares không chỉ đến từ phe đối lập. Luật sư thuộc Tòa án tối cao Ấn Độ Surender Singh Hooda, người đã đệ đơn kiện lên Tòa án tối cao Delhi, mô tả sự minh bạch một cách miễn cưỡng của những người đứng đầu Quỹ PM Cares là “không thể hiểu nổi”.
“Tôi muốn họ hiển thị thông tin rõ ràng và minh bạch trên trang web của quỹ - họ đã nhận bao nhiêu tiền, từ đâu và họ đã tiêu tiền vào những đâu”, ông Hooda nói.
“Ai cũng biết rằng ánh Mặt Trời là chất khử độc tốt nhất và những hành vi không ai dung thứ nổi vốn luôn được thực hiện trong bóng tối. Tính minh bạch là nền tảng của pháp luật còn sự che đậy vốn phục vụ những động cơ được giấu giếm”.