Theo Bloomberg, hôm 23/5, đám đông biểu tình đã tập trung bên ngoài trụ sở ở thành phố Trịnh Châu của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC). Họ mang theo những tấm biển ghi: "Hãy trả lại tiền tiết kiệm cho tôi".
Cuộc biểu tình diễn ra sau khi 4 ngân hàng ở tỉnh Hà Nam đóng băng các dịch vụ rút tiền trực tuyến. Theo CBIRC, kết quả điều tra chỉ ra Henan Xincaifu Group Investment Holding Co. - một công ty đầu tư tư nhân có cổ phần ở cả 4 nhà băng - đã thông đồng với các nhân viên ngân hàng để huy động vốn trái phép thông qua những nền tảng trực tuyến.
"Chúng tôi như ngồi trên đống lửa vì không nhận được bất cứ phản hồi nào từ các cơ quan quản lý về những khoản tiết kiệm của mình", cô Chris - một khách hàng đã gửi 400.000 NDT (tương đương 59.693 USD) ở một trong số các ngân hàng - chia sẻ.
"Tệ hơn, chúng tôi sợ rằng số tiền tiết kiệm của chúng tôi sẽ bị coi là những khoản đầu tư bất hợp pháp", cô nói.
Một công ty đầu tư tư nhân đã thông đồng với các nhân viên ngân hàng để huy động vốn trái phép thông qua những nền tảng trực tuyến. Ảnh: Reuters. |
Vụ việc phơi bày những rủi ro đối với các ngân hàng nhỏ trong việc thu hút tiền gửi thông qua mối quan hệ với những nền tảng trực tuyến.
Năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cấm các tổ chức cho vay triển khai những dịch vụ tiền gửi "đổi mới". Lý do được đưa ra là cần "bảo vệ túi tiền của người dân".
Cuộc biểu tình cũng làm dấy lên những nghi ngại về sức mạnh tài chính và khả năng quản trị doanh nghiệp của gần 4.000 nhà băng ở vùng nông thôn Trung Quốc. Họ quản lý khối tài sản khoảng 7.000 tỷ USD.
Trung Quốc đã xử lý khoản nợ xấu trị giá 2.600 tỷ NDT tại hơn 600 ngân hàng nông thôn được xếp vào loại có rủi ro cao trong vài năm qua. Nước này cũng rót vốn khoảng 133,4 tỷ NDT cho 289 nhà băng ở nông thôn.