Bộ Công an cho biết mới đây, Công an tỉnh Kon Tum phát hiện vụ giả danh chuyên gia chứng khoán để lừa đảo. Nạn nhân của loại hình này chủ yếu lần đầu được tiếp cận hoặc chưa từng biết đến chứng khoán.
Tại Kon Tum, hồi giữa năm, chị T. thông qua mạng xã hội Facebook được một người tự xưng là chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán để tư vấn, mời gọi tham gia.
Ban đầu, chị T. đầu tư với số tiền nhỏ. Sau đó, tài khoản sinh lợi nhuận, nên người này rút tiền gốc và khoản lãi để chi tiêu. Tin lời chuyên gia dỏm, nạn nhân tiếp tục chi thêm 80 triệu đồng kèm 20 triệu đồng mà kẻ lừa đảo hứa hỗ trợ thêm.
Sau một thời gian, đối phương nói chị T. đã đầu tư thành công và có khoản lợi nhuận hơn 3,3 tỷ đồng. Mục đích tạo lòng tin để bị hại tiếp tục "bơm" tiền đầu tư chứng khoán. Tính đến tháng 9, người phụ nữ này đã nhiều lần nộp tổng số tiền 600 triệu đồng vào các tài khoản theo hướng dẫn của kẻ gian rồi bị chiếm đoạt.
Trong một lần giao dịch, chị T. nghe kẻ gian thông báo số tài khoản sai. Lúc đó, thấy đối phương yêu cầu nộp lệ phí 346 triệu đồng để thanh tra nguồn tiền do số tiền quá lớn, chị T. nghi ngờ nên trình báo công an.
Ngoài chị T., cá nhân khác ở Kon Tum cũng bị ai đó giả danh chuyên gia chứng khoán mời gọi đầu tư rồi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận đơn trình báo của 2 nạn nhân tố bị lừa hơn một tỷ đồng.
Phân tích thủ đoạn lừa đảo đầu tư chứng khoán như trên, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự cho biết loại tội phạm này thường đánh vào tâm lý của nạn nhân là sẽ không phải mất nhiều công sức và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhuận một số tiền lớn.
Để dụ dỗ bị hại, ngay từ đầu kẻ gian cho nạn nhân được hưởng lợi nhuận một cách đơn giản để lấy lòng tin. Sau đó, chúng tiếp tục dụ dỗ nhà đầu tư chi thêm tiền để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Kẻ lừa đảo còn tung tin là bị thua lỗ, cần đầu tư thêm để gỡ lại số tiền đã mất. Mục đích lôi kéo bị hại vay thêm tiền tiếp tục đầu tư.
Ngoài 2 vụ án ở Kon Tum, Bộ Công an cũng ghi nhận sự gia tăng một số phương thức lừa đảo qua lợi dụng không gian mạng. Điển hình như hành vi lập website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo, ngoại hối theo mô hình đa cấp. Sau đó, giới tội phạm can thiệp vào hệ thống, làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản.
Một số cá nhân còn đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được.
Để không bị mất mát tài sản, Bộ Công an khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nơi ở cho người lạ. Đặc biệt là không nghe lời của người không quen biết mà chuyển tiền theo đề nghị của họ.
Bên cạnh đó, mọi người không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các loại giấy tờ tùy thân như: Căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng. Đặc biệt, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người lạ.