Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bí kíp trị vấn nạn tiếng ồn karaoke của Đà Nẵng

Kinh nghiệm của Đà Nẵng cho thấy cảnh sát môi trường có chuyên môn và nghiệp vụ tốt hơn trong việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn. Việc thiếu máy đo tiếng ồn cũng đã có lời giải.

xu ly o nhiem tieng on tu karaoke anh 1


Những đêm mất ngủ vì tiếng karaoke, quán bar hay loa kẹo kéo đã là quá khứ với người dân Đà Nẵng. "Cuộc chiến" chống ô nhiễm tiếng ồn mà chính quyền Đà Nẵng khởi xướng từ năm 2019 đã có hiệu quả thực sự. "Thành phố đáng sống" này chỉ mất chưa đầy 2 năm để trị nạn ô nhiễm tiếng ồn.

Trong khi đó, tại TP.HCM, gần 10 năm nay, những điệp khúc về xử lý ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke kẹo kéo cứ "đến hẹn lại lên". Liên tục nhiều năm, người dân tại TP.HCM vẫn phải chịu cảnh bị tra tấn ngày đêm bởi những "hung thần karaoke", trong khi chính quyền thành phố lúng túng tìm cách giải quyết dứt điểm vấn nạn này.

Trao đổi với Zing, đại úy Nguyễn Minh Hoàng (Tổ phó tổ kiểm tra chuyên đề, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Đà Nẵng) chia sẻ nhiều kinh nghiệm sau câu chuyện thành công của Đà Nẵng. Đại úy Hoàng là người lập hồ sơ, xây dựng và trực tiếp thực hiện chuyên đề về xử lý ô nhiễm tiếng ồn ở Đà Nẵng từ 2017 đến nay.

Tại sao tổ công tác liên ngành không hiệu quả?

Tương tự chỉ đạo mới đây của TP.HCM về phòng chống vi phạm tiếng ồn, tháng 5/2019, UBND TP Đà Nẵng ban hành một văn bản chỉ đạo xử lý tình trạng gây ồn do mở nhạc, hát karaoke trong khu dân cư, đô thị. Tuy nhiên, trong khi TP.HCM giao nhiệm vụ này cho Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) chủ trì và lập tổ công tác liên ngành để xử phạt, UBND TP Đà Nẵng lại giao trách nhiệm chính cho Công an TP Đà Nẵng.

Khi đó, đại úy Hoàng - người bắt đầu lập hồ sơ về ô nhiễm tiếng ồn tại Đà Nẵng từ năm 2017 - được cơ quan giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch chuyên đề dài hạn về xử lý ô nhiễm tiếng ồn.

Từng có kinh nghiệm phối hợp với nhiều đơn vị, anh Hoàng rút ra kết luận việc xử lý vi phạm hiệu quả nhất khi làm độc lập. Nguyên nhân là một tổ liên ngành đi làm nhiệm vụ sẽ dễ dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc" bởi các đơn vị phối hợp không có động lực để hỗ trợ hết mình.

"Nếu làm xong thì ai sẽ là người thụ lý hồ sơ, ai là người mời đối tượng lên làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính và lập lý lịch để hoàn thiện bộ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính? Ai sẽ là người thẩm định hồ sơ đó, ai trình ký, đặt bút ký ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính?", đại úy Hoàng đặt hàng loạt câu hỏi.

Theo quan điểm của anh, lực lượng công an là đơn vị có chuyên môn tốt nhất trong xử lý hành vi vi phạm hành chính vì đó là việc làm thường ngày của ngành. Trong khi đó, những cán bộ hành chính như Sở TNMT thường ít có kinh nghiệm thụ lý hồ sơ vi phạm hành chính hơn.

Ngoài ra, cảnh sát môi trường có nghiệp vụ tốt hơn trong việc xử lý các vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn. Cụ thể, các nguồn gây ô nhiễm thường xuất phát từ quán nhậu, bar, pub... do đó, các cán bộ thường xuyên gặp người say xỉn khi đang xử lý, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

"Sở TNMT đâu có đồng phục hay thẻ ngành, nếu mặc đồ sơ vin tới nói chuyện, nhiều người dân không phục. Để có cơ sở hợp tác làm việc thì lực lượng cảnh sát có lợi thế hơn", anh Hoàng cho hay.

Thuê đơn vị thứ 3 quan trắc để không "vừa đá bóng vừa thổi còi"

Thiếu máy đo/quan trắc tiếng ồn là "điểm nghẽn" thường được các cán bộ TP.HCM nêu ra khi nói về khó khăn trong xử lý ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của TP Đà Nẵng, số lượng máy quan trắc không phải vấn đề.

Theo quy định, Sở TNMT hay cảnh sát môi trường đều có quyền hạn đo tiếng ồn (bằng máy đo chuyện dụng đã kiểm định) rồi xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, anh Hoàng cho biết công an Đà Nẵng không xử phạt dựa trên kết quả tự quan trắc.

"Mình nhìn thực tế từ kinh nghiệm của anh em cảnh sát giao thông khi sử dụng máy bắn tốc độ thì thấy đôi khi, người dân không phục. Thứ nhất, người dân không tin tưởng vì cho rằng cảnh sát 'vừa đá bóng vừa thổi còi' - người xử phạt cũng là người đo. Thứ hai, khi trao quyền định đoạt mức độ tiếng ồn nằm ở khung nào, xử phạt bao nhiêu vào tay lực lượng hành pháp thì rất dễ phát sinh tiêu cực", anh Hoàng phân tích.

xu ly o nhiem tieng on tu karaoke anh 2

Kết quả đo được tính dựa trên số liệu trung bình của 3 lần đo. Ảnh: Tiền Phong/Nguyễn Thành.

Từ 2 lý do trên, đại úy Hoàng đã tham mưu lãnh đạo tách phần đo và phần xử lý cho hai đơn vị khác nhau làm.

Theo đó, lực lượng cảnh sát môi trường sẽ làm nhiệm vụ xác định đối tượng vi phạm dựa trên phản ánh của người dân, bố trí điểm đo phù hợp, liên hệ người dân chịu thiệt hại về tiếng ồn đến chứng kiến.

Trong quá trình trinh sát, tổ công tác sẽ tiến hành đo thử tại hiện trường bằng máy đo được kiểm định, nếu kết quả ban đầu phát hiện vi phạm thì mới gọi đơn vị thứ 3 (có chức năng quan trắc) tới đo công khai dưới sự giám sát của cả người dân và cảnh sát. Công an còn quay phim lại quá trình đo đạc này làm bằng chứng.

Lực lượng công an xử phạt căn cứ trên biên bản và kết quả mà đơn vị thứ 3 cung cấp. Để chống tiêu cực, sau mỗi vụ việc, lực lượng cảnh sát lại đổi bên thu mẫu thay vì lựa chọn cố định một đơn vị. Đây đều là các đơn vị độc lập, có chức năng, giấy phép quan trắc môi trường. Chi phí thu mẫu và đo đạc của đơn vị thứ 3 sẽ do người vi phạm trả.

"Đó là phương án hợp lý nhất cho cả 2 bên. Một là tránh tiêu cực với người 'vừa đá bóng vừa thổi còi', tránh câu chuyện thứ hai là người dân không tin tưởng. Nó đảm bảo tính minh bạch và tránh trách nhiệm liên đới cho lực lượng công an", anh Hoàng lý giải.

Khi được hỏi về tính khả thi của cách làm này tại TP.HCM, đại úy Hoàng phân tích dù dân số TP.HCM gấp hơn 10 lần Đà Nẵng nhưng đây không phải vấn đề. Bởi lẽ tương tự như dân số, lực lượng công an/cán bộ tại TP.HCM cũng gấp nhiều lần Đà Nẵng.

"Gấp 20 lần vẫn có thể làm được, chủ yếu là con người thực hiện cái đó. Nếu phân nhỏ địa bàn ra thành cán bộ công an quận/phường có chuyên môn, trình độ xử lý thì vẫn xử lý được", anh Hoàng nhận định.

Chủ tịch phường lên tiếng việc xử lý vấn nạn karaoke Ông Phan Đình Anh, Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp (TP.HCM) kiến nghị, cần có phần mềm đo cường độ âm thanh (dB) để xử lý nạn karaoke tự phát.

TP.HCM sẽ giải quyết dứt điểm karaoke tự phát

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết lãnh đạo thành phố và các sở, ngành sẽ phân tích từng hành vi sai phạm trong karaoke tự phát và đưa ra hướng xử lý chung cho địa bàn.

Tại sao không thể dùng app đo tiếng ồn để xử lý ô nhiễm từ karaoke?

Luật sư cho rằng việc sử dụng ứng dụng di động (app) thay thế thiết bị chuyên dụng để đo tiếng ồn là không đúng luật. Sở KHCN thì nhận định app sẽ cho kết quả không chính xác.

Thu Hằng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm